Thứ bảy, 27/8/2016, 11h52

Sửa thông tư 30: Xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C

Dự kiến ngay trong năm học 2016-2017, những điểm mới sửa đổi của thông tư 30 - đổi mới đánh giá học sinh tiểu học - sẽ được áp dụng trên cơ sở góp ý, kiến nghị của các chuyên gia và thầy cô giáo.

Sửa thông tư 30:Xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C
Giáo viên viết nhận xét vào vở của học sinh theo thông tư 30 của Bộ GD-ĐT thay vì cho điểm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, khẳng định: “Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm” vốn là nội dung cốt yếu của thông tư 30 sẽ vẫn được duy trì.

Nâng mức định lượng

Theo ông Định, trong quá trình dạy học, giáo viên không nhất thiết phải ghi chép, viết nhận xét hằng ngày mà được quyền chủ động hoàn toàn trong việc đánh giá (nhận xét vào vở học sinh hoặc ghi vào sổ ghi chép của giáo viên).

Nhưng giữa và cuối các học kỳ, giáo viên căn cứ vào việc theo dõi, quan sát của mình với từng học sinh, căn cứ vào ý kiến của học sinh, phụ huynh, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo các mức A, B, C.

Mỗi mức A, B, C tương ứng với các tiêu chí cụ thể được bổ sung trong thông tư 30 sửa đổi theo các khía cạnh: năng lực tiếp thu, vận dụng kiến thức, ý thức học tập, rèn luyện.

Điểm khác biệt trong dự thảo thông tư 30 sửa đổi là tăng thêm một bài kiểm tra tiếng Việt, một bài kiểm tra toán vào giữa kỳ đối với học sinh lớp 4 và lớp 5 (trước đây chỉ có bài kiểm tra cuối kỳ đối với các môn học).

Các bài kiểm tra giữa và cuối kỳ này sẽ được cho điểm theo thang điểm 10. Nhưng không cho điểm 0 và điểm thập phân.

Trong dự thảo thông tư sửa đổi, Bộ GD-ĐT cũng quy định cụ thể hơn về đề bài kiểm tra định kỳ theo các mức biết, hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao. So với quy định cũ, dự thảo chú trọng hơn vào việc tạo cơ hội cho học sinh phát huy năng lực, thông qua việc điều chỉnh nội dung đề thi có phần nâng cao, tăng tính phân hóa, khuyến khích học sinh giỏi, sáng tạo.

Đặc biệt, ở dự thảo thông tư sửa đổi quy định những học sinh học đủ môn tiếng Anh 4 tiết/tuần, được khuyến khích áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh cuối lớp 5 (bậc 1, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN).

Theo nhóm thực hiện dự thảo, rút kinh nghiệm từ các góp ý và thực tế triển khai, việc kiểm tra định kỳ ở lớp 4, lớp 5 cần tăng cường bài kiểm tra có điểm số nhằm tiếp cận dần với cách đánh giá ở bậc THCS.

Giáo viên sẽ bớt ghi chép máy móc

Phân trần về việc giáo viên kêu quá tải trong các quy định ghi chép sổ sách - vốn là điều bức xúc nhất của giáo viên khi triển khai thông tư 30, ông Phạm Ngọc Định cho biết: “Hồ sơ đánh giá và tổng hợp kết quả đánh giá học sinh chỉ gồm có học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”.

Theo ông Định, thay vì nhận xét nhiều mục, nhiều nội dung, giáo viên chỉ ghi kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh vào bảng tổng hợp, theo các mức đạt A, B, C. Bảng tổng hợp đánh giá này chỉ cập nhật vào cuối học kỳ, cuối năm học.

“Ghi chép này không để báo cáo mà để giáo viên nắm tình hình học sinh, đảm bảo tổng hợp đánh giá khách quan, công bằng vào cuối học kỳ, cuối năm và giải trình với cán bộ quản lý, phụ huynh trong các trường hợp cần thiết”, nhóm dự thảo lưu ý về việc điều chỉnh.

Để các nhà trường, giáo viên không thực hiện sai, dự thảo thông tư 30 sửa đổi lưu ý giáo viên “dùng ký hiệu, lời nói, chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng, cách sửa chữa, những yêu cầu cần nhớ thực hiện”.

Giáo viên cũng có thể viết vào vở học sinh nhận xét, tổ chức để học sinh tự nhận xét, phụ huynh tham gia nhận xét, cùng đưa ra giải pháp hỗ trợ học sinh...

Dự thảo lần này đã bỏ hẳn một điều (điều 6) quy định khá cứng nhắc về đánh giá thường xuyên. Trong đó bỏ yêu cầu “giáo viên ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, kết quả học tập, rèn luyện, biện pháp giúp đỡ học sinh”.

Đây là nội dung mà trước đây hầu hết giáo viên đều đã hiểu là “việc bắt buộc” hằng ngày.

Cụ thể hơn việc khen thưởng

Trong buổi trao đổi với báo chí về dự thảo thông tư 30 sửa đổi, đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhận định “việc khen thưởng chưa hợp lý” là một trong những điểm yếu nổi trội của việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Theo dự thảo, việc khen thưởng học sinh sẽ cụ thể hơn, gồm có khen thưởng cuối năm, khen thưởng đột xuất - do hiệu trưởng quyết định và đề nghị cấp trên khen học sinh có thành tích đặc biệt.

Việc khen thưởng cuối năm có ba mức:

- Khen thưởng đối với học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập rèn luyện (đạt mức A đánh giá thường xuyên, và bài kiểm tra định kỳ đạt 9 trở lên);

- Khen thưởng đối với học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập rèn luyện (có ít nhất 50% các môn đạt A trong đánh giá thường xuyên; các năng lực phẩm chất đạt A, các môn còn lại đạt mức B, bài kiểm tra định kỳ đạt 7 điểm trở lên);

- Khen học sinh có thành tích vượt trội, hoặc tiến bộ vượt bậc ở ít nhất một môn học, một năng lực, phẩm chất.

Sửa thông tư 30:Xếp loại học sinh tiểu học theo A, B, C

Theo TTO