Thứ năm, 29/9/2016, 21h05

Suốt đời làm theo lời Bác!

Nửa thế kỷ đi theo nghề giáo cho đến khi đã bước qua tuổi 80, ông Vũ Ngọc Ân - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu vẫn coi trọng nghiệp phấn bảng khi cho con cháu theo nghề sư phạm và tìm cách đóng góp và vận động xây dựng trường học bằng đồng tiền tiết kiệm của bản thân.

Nhà giáo Vũ Ngọc Ân bên lộc bình tiết kiệm ủng hộ bệnh nhân chất độc da cam

Trong 50 năm phục vụ cách mạng đã có một nửa thời gian nhà giáo Vũ Ngọc Ân cống hiến ở chiến trường khi tình nguyện vào Nam công tác ở độ tuổi thanh xuân còn căng tràn nhựa sống.

Người thầy giữa rừng sâu

Năm 1968, Trường Cấp 2 Thái Thịnh (thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đưa tiễn một thầy giáo trẻ vào Nam công tác. Tất cả đồng nghiệp và đặc biệt là các em HS lưu luyến chia tay người thầy giáo đức độ từng hăng say trên bục giảng tạm biệt gia đình, người thân lên đường mà không biết ngày trở lại. Đó là thầy giáo Vũ Ngọc Ân, quê ở xã Thái Xuyên cách trường làng cũng không xa… Thầy là một trong 10 người của tỉnh đi theo đoàn giáo dục. Theo thầy Ân, nếu ở miền Nam, ông cùng mọi người chỉ là “viên đá nhỏ” xây nên tòa nhà giáo dục sau ngày hòa bình thì khi vào vùng đất Tây Nam bộ, tất cả trở thành bộ khung cốt yếu cho căn cứ địa giáo dục vùng giải phóng. Đây không chỉ nghĩa vụ cống hiến của mỗi nhà giáo mà còn là trọng trách nặng nề của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đối với đường lối của Đảng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Muốn nhen nhúm ngọn đuốc văn hóa trong vùng kháng chiến thì phải mở trường, muốn mở lớp thì đi vận động các học viên ra lớp. Có được lớp rồi lại thiếu GV. Ngoài GV bộ khung, các khóa sư phạm được đào tạo theo kiểu gối đầu tìm cách lấp chỗ trống đang thiếu hụt. Vì thế, sau khi mở xong lớp sư phạm, thầy giáo Ân lại cùng đồng nghiệp trực tiếp đứng lớp dạy các học viên của Trường văn hóa Ninh Bình tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Thế nhưng các trận càn sau đó đã bắt buộc ngôi trường mang tên kết nghĩa với Cà Mau phải lặng lẽ sơ tán về Năm Căn để có một khoảng trời bình yên cho từng lớp học. Trường học xơ xác vì đạn bom, khóa đào tạo ngắt quãng bởi những trận càn nhưng lòng căm thù của thầy trò thật sự dâng cao khi cô giáo Thu đã hy sinh trong lớp học khi bị rốc két địch bắn trúng trong một trận càn ác liệt. Nhưng uất hận đó càng nóng thêm hồn chiến đấu và dựng xây trường lớp của ngôi trường khu kháng chiến. Nhưng rồi chiến thắng năm 1975 đã đưa giáo dục giải phóng sang một trang viết mới để ông và đồng nghiệp viết lên đó những hàng chữ độc lập, hòa bình. Nhớ lại đêm 30 tháng 4 lịch sử, ông bồi hồi kể lại: “Chúng tôi gồm 6 người được cấp trên phân công nắm tình hình giáo dục của chế độ ngụy quyền để bàn giao lại cho chính quyền cách mạng mới. Thế là ngay trong đêm 30 ấy, chúng tôi lên xe cùng đi với anh em quân sự về Bạc Liêu tiếp quản Sở Giáo dục cũ”.

Soi theo tấm gương Bác Hồ

Theo lời kể của ông Ân, khó khăn là tỉnh Bạc Liêu mới tách ra từ Long Châu Hà theo chính quyền cũ trong lúc bản đồ hành chính của cách mạng thì không có. Đó là chưa kể chuyện thiếu thầy vì GV cũ nghỉ việc hàng loạt, GV mới tiếp viện chưa kịp đến mức một số thương binh, bộ đội phục viên tại trại an dưỡng có trình độ cũng được huy động hết để lên bục giảng.

Trách nhiệm càng đè nặng lên vai khi ông lên Sở GD-ĐT Bạc Liêu nhận chức Phó Giám đốc rồi Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải. Ở cuối vùng đất Tổ quốc không chỉ khó khăn về địa lý, người dân nơi đây vốn thuần nông kinh tế tự cung tự cấp, trình độ nhận thức chưa thật đồng đều. Nhưng bản lĩnh người cán bộ giáo dục từng được trui rèn trong lửa đỏ kháng chiến nên dù ở cương vị nào ông cũng tròn vẹn trọng trách vai trò thủ lĩnh.

Ngôi nhà của ông ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM hiện nay vẫn giữ được nếp gia phong với một gia đình cả nhà đi kháng chiến. Bên mảnh vườn nhà là niềm vui của ông giáo già chăm sóc vườn cây kiểng sau 23 năm nghỉ hưu. Cô con gái Vũ Thị Hồng Đào của ông hiện là GV dạy tiếng Anh tại Trường THPT Hiệp Bình. Những tấm hình thời kháng chiến gợi cho khách đến thăm nhà bao kỷ niệm gian khó mà kiên cường. Đến ngắm cặp lộc bình để giữa phòng khách tôi mới hiểu thêm được tấm lòng của người cán bộ bưng biền năm nào. Đến khi bà Tùng - vợ ông giới thiệu tôi mới biết đây là “con heo đất” hàng ngày ông bỏ tiền tiết kiệm vào để gây quỹ ủng hộ bệnh nhân chất độc da cam. Tuy số tiền không lớn nhưng đó là phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng vẫn tâm nguyện theo tấm gương đạo đức tiết kiệm của Bác Hồ mong có thêm cơ hội cống hiến cho xã hội dù chỉ là một phần nhỏ bé của mình.

Bài, ảnh: Hương Thủy