Thứ bảy, 22/10/2016, 21h42

Tái cơ cấu kinh tế: Phải bảo đảm nâng cao chất lượng sống người dân

Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo về việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi  trường biển. Tại đây, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, tái cơ cấu kinh tế phải bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đó, về tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng: Năm 2016, kinh tế thế giới phục hồi chậm (tăng trưởng chỉ 3,1%). Trong khi đó, trong nước có nhiều tác động bất lợi nhưng kết quả tăng trưởng đạt 5,93% trong 9 tháng qua là tích cực. Nếu năm nay tăng trưởng khoảng 6,3% là chấp nhận được.

Cần giải thể nhanh DNNN làm ăn thua lỗ

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa như mong đợi, bên cạnh đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng (ô nhiễm môi trường, chuyển giá). Thâm hụt ngân sách vẫn cao dẫn đến nợ công tăng cao, trong đó nợ Chính phủ đã vượt trần.

Cũng theo ĐB Ngân, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước không cần nắm giữ những lĩnh vực mà tư nhân có thể  làm. Cần giải thể nhanh những doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), những khu vực kinh tế Nhà nước làm ăn thua lỗ.

ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cũng cho rằng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, quyết liệt thoái vốn những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để lấy vốn đầu tư cho phát triển, bởi đây là nguồn vốn lớn, đồng thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Cần cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng chết rồi mà không chôn”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.

ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng cho rằng, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua chưa có sự thay đổi căn bản về mô hình tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng chưa nhanh, bền vững, thực chất. Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm được yêu cầu này. Từ bài học rơi vào bẫy thu nhập trung bình của các nước, Việt Nam cần vạch ra được kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu cụ thể không đi vào vết xe đổ này. “Tái cơ cấu kinh tế phải bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vì vậy bên cạnh vấn đề tăng trưởng phải tính đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch cho người dân”, ĐB Quốc nêu.

Phải có tập đoàn đầu đàn, tạo sự lan tỏa

Theo ĐB Quốc, cần có cơ chế khuyến khích để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn phát triển, phải có tập đoàn đầu đàn, tạo sự lan tỏa. Còn nếu thiếu vắng các doanh nghiệp đầu đàn, thành lập ồ ạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nền kinh tế không thể mạnh lên. Nên thành lập ủy ban quản lý vốn của các DNNN; ở địa phương cũng phải thành lập. Mục tiêu là để quốc gia ít nhất cũng có 2-3 tập đoàn lớn mạnh. “Việt Nam chưa có đô thị nào phát triển thực sự mạnh, trở thành đòn bẩy đối với các địa phương khác. 63 tỉnh thành như 63 đứa con, nguồn lực Nhà nước không thể đầu tư dàn đều, phải có sự đầu tư trọng điểm để tạo một số trung tâm kinh tế - tài chính lớn, là nơi tạo đòn bẩy, sức lan tỏa phát triển cho các vùng khác, tỉnh thành khác. Cần tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền ra sao để phát triển một số đô thị lớn ở Việt Nam, là trung tâm của khởi nghiệp quốc gia”, ĐB Quốc nêu.

Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

“Lập ngân hàng cổ phần rồi để Nhà nước phải mua lại 0 đồng, Nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm. Chúng ta phải thay đổi cơ bản cách thức quản trị. Anh nào đã cổ phần hóa rồi thì dứt khoát phải lên sàn, dứt khoát phải công bố thông tin. Chính phủ sẽ đốc thúc rất quyết liệt. Anh nào trốn tránh thì trước hết công khai lên để dân biết. Doanh nghiệp thua lỗ trước đây thường xin cơ chế nọ kia. Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả, dứt khoát phải xử lý”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Ngoài ra, cũng cần xác định ngành nghề trọng điểm của mình, là kinh tế biển, là du lịch hay ngành gì, cần xác định Việt Nam không thể cạnh tranh về công nghiệp. “Tóm lại, tôi cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế phải xác định, xây dựng được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn; một số đô thị phát triển; ngành nghề, sản phẩm chủ lực của Việt Nam nhằm cạnh tranh với thế giới”, ĐB Quốc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, phải có đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công. Phải tập trung đầu tư, phát triển một vài đô thị thực sự phát triển mạnh để tạo sức lan tỏa, là bệ đỡ cho sự phát triển của cả một vùng cũng như cả nước. Không thể đầu tư dàn trải cho tất cả các địa phương.

Còn theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thì, phải thay đổi tư duy trong hoạt động quản lý, điều hành để có thể thực sự tái cơ cấu nền kinh tế. Kết quả thực hiện cổ phần hóa DNNN là hết sức chậm, khó khăn...

H.Tr/TT/SG