Thứ năm, 7/12/2017, 23h56

Tại sao em từ bỏ khi chưa bắt đầu?

Vừa rồi tôi gặp lại một em học sinh cũ ngày trước, nay em học lớp 12. Em cho biết đang chuẩn bị thi học kỳ 1, trước áp lực thi cử cũng như ráo riết bổ sung kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia, em đã căng thẳng và lo lắng dù học lực khá. Em nói với tôi: “Chắc em không thi lấy điểm để vào ĐH đâu thầy, vì em thấy đề thi những năm trước khó quá và nhiều kiến thức em còn thiếu cần phải ôn lại mà còn rất ít thời gian. Vì vậy, em chỉ thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp, sau đó xin đi làm…”. Tôi hỏi em rằng: “Em đã cố gắng hết sức chưa?”. Em trả lời chưa cố gắng hết sức. Nghe vậy, tôi khuyên: “Em đã chưa cố gắng hết sức cho ngày hôm nay. Em không vạch mục tiêu cụ thể cho từng môn thi... thì sao biết kết quả không tốt được?”. Tôi viện dẫn câu nói mà mọi người hay dùng “Chiến thắng được bản thân mình là vượt qua được tất cả”, và nhắc tới  Fukuzawa - một nhà tư tưởng của Nhật Bản - đã từng nói trong cuốn sách Khuyến học: “Tôi chưa gặp được người nào đã từng nói “hoàn thành kế hoạch trong mười năm cả” mà sau này thực hiện được những gì đã nói. Những kế hoạch lâu dài nghe có vẻ rất tuyệt vời nhưng đến thời hạn thì không thực hiện nổi. Hiếm khi thấy người nào nói thực hiện ngay “trong tháng này” hay “ngay bây giờ bắt tay vào thực hiện””. Ông Fukuzawa không tin những kế hoạch xa sẽ thành công nếu không bắt đầu ngay bây giờ. Tôi khuyên em cần can đảm đối diện với thất bại, nếu có thi rớt thì mình biết thực lực, quen với thi cử. Chưa thi em có thể chưa biết khả năng của mình, chưa so sánh được điểm số mà trường học tuyển sinh vào như thế nào, tại sao em từ bỏ khi chưa bắt đầu?... Em học sinh im lặng!

Tôi lại nhớ đến câu của nhà văn Oriana Fallaci từng nói trong cuốn sách Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra để nhắc cho em thấy rằng mình phải can đảm dù phía trước có nhiều khó khăn đang chờ. “Hãy dũng cảm lên con! Con nghĩ hạt cây không cần dũng cảm để xuyên thủng mặt đất và đâm chồi ư? Chỉ cần một cơn gió cũng đủ quật gãy chồi cây, chỉ cần bàn chân của một con chuột nhắt là đủ nghiền nát nó. Nhưng nó vẫn đâm chồi và đứng vững, rồi trưởng thành để phát tán những hạt khác. Và trở thành một phần của cánh rừng”. Và, sau hai ngày suy nghĩ, em đã gặp tôi và nói: “Em sẽ can đảm và muốn trở thành một phần của cánh rừng, thưa thầy”.

Đôi khi chỉ bằng một lời động viên đơn giản cũng giúp một người nào đó can đảm bước về phía trước. Do đó, chúng ta hãy động viên thật nhiều với những người xung quanh.

Nguyễn Minh Thanh
(giáo viên THCS)