Thứ bảy, 18/3/2017, 01h47

Tại sao phải học?

Tôi được Đoàn trường giao nhiệm vụ đảm trách tiết học ngoại khóa, nội dung là nói với học sinh “Tại sao phải học?”. Khi biết Báo Giáo dục TP.HCM có diễn đàn Sống có trách nhiệm, tôi liền nghĩ ngay rằng, trách nhiệm đầu tiên của tuổi trẻ là học. Vậy là tôi xin mạnh dạn chia sẻ bài nói chuyện của mình ra đây.

Giới trẻ phải có trách nhiệm làm chủ cuộc sống của mình thông qua việc học tập (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Thời nào cũng vậy, xã hội muốn tiến bộ cần phải có học vấn. Đời xưa quý trọng chuyện học. Thời nay cũng vậy!

Ngày xưa, kẻ sĩ đi học với mục đích chính là sửa mình, tu thân; thứ đến là công danh; sau rốt mới đến lợi (lộc, tức vật chất). Thứ bậc xếp sẵn vậy rồi nên bậc trí giả không có lợi vẫn học; không có danh vẫn học - học để biết làm người (Làm người nào phải dễ. Chẳng thế mà đức Khổng Tử đã phải thốt: “Vi Nhân nan”). Dương Hùng, bậc đại Nho đời Hán, đã quan niệm về sự học: “Đại nhân học chi vị đạo, tiểu nhân học chi vị lợi” (cái học của bậc đại nhân là vì đạo, cái học của kẻ tiểu nhân là vì lợi).

Đó là chuyện học ngày xưa? Còn ngày nay? Đến khi tốt nghiệp ĐH, mỗi người sẽ học khoảng 16 năm. Tại sao phải học, sống chết cũng phải học, có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi như thế chưa? Hãy thử hỏi cha mẹ những câu như vậy, và câu trả lời thường là: - Không đi học thì con làm được trò trống gì. - Hay, sao mày lại có những suy nghĩ vớ vẩn như thế, trẻ thì phải lo mà học đi không suy nghĩ linh tinh. - Không đi học thì ở nhà làm ruộng nhé. - Đi học sau này cố gắng đi làm để có một cuộc sống ổn định. - Hay học để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, sánh vai cùng cường quốc năm châu (xa vời quá).

Thường là những câu trả lời như vậy khiến ta không phục nhưng mà rốt cuộc lại, ta vẫn phải đi học. Chẳng phải lúc 6 tuổi, lơ ngơ đứng trước cổng trường tiểu học, chúng ta khóc lóc hỏi mẹ: “Sao con phải đi học?”. Mẹ bảo: “Học thì làm cô giáo. Không học thì ở nhà làm ruộng!”. Làm cô giáo đương nhiên thích hơn làm ruộng. Vì thế nên chúng ta đi học. Lí do đơn giản như vậy nhưng lại là kim chỉ nam của tất cả chúng ta trong hành trình học tập dai dẳng. Học trước tiên để có cái nghề. Bạn có thể không đi học trường lớp nhưng để có cái nghề, bạn nhất định phải học - bằng một cách nào đó khó khăn hơn.

Nhưng trên thực tiễn, có nhiều con đường đi đến thành công, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, xã hội và phụng sự Tổ quốc. Bên cạnh những người nổi tiếng, những người thành đạt được đào tạo với trình độ học vấn cao, có nhiều người không được thông qua đào tạo chính quy tại các trường ĐH, CĐ, nhưng họ vẫn đi đến tương lai tươi sáng, trở thành người hữu ích và đóng góp rất nhiều cho xã hội. Vậy thì học để làm gì? Bỏ 1/3 thời gian trong 16 năm trẻ trung của cuộc đời không chỉ để lấy một tấm bằng. Không có đối tác làm việc nào gặp nhau lại hỏi: “Xin chào, bạn có biết cách giải hệ phương trình chứa căn thức không” cả. Steve Jobs hay Bill Gates chắc chắn sẽ không còn nhớ kiến thức môn hóa học hay sinh học... Cũng không có nhà tuyển dụng nào hỏi bạn về cách sử dụng con lắc đồng hồ khi tuyển dụng sales cả. Vì thế, chúng ta học giải phương trình hay dòng điện xoay chiều không phải để nhớ nó cho đến già. Chúng ta học để rèn luyện trí não, tư duy, tìm tòi và sáng tạo. Bạn học nhiều phương pháp giải phương trình chính là luyện tập để bạn có thể xử lí những tình huống phát sinh trong công việc và cuộc sống.

Do đó chúng ta phải học, học để đạt được những điều sau: Thứ nhất, học để độc lập: Chúng ta thu nhận kiến thức để trưởng thành và trở thành một con người độc lập về tài chính và suy nghĩ. Chỉ khi có độc lập, bạn mới được tự do sống, suy nghĩ và hành động bằng cách của bản thân mình. Chỉ khi có độc lập, tự do bạn mới trở thành người hạnh phúc. Tóm lại, để hạnh phúc, bạn nhất định phải học - bằng nhiều cách. Thứ hai, học để thưởng thức cuộc sống: Cuộc sống ngày càng phát triển, kiến thức thường thức ngày càng nhiều, quá trình học dưới ghế nhà trường chính là điều kiện rất tốt để bạn hiểu biết rất nhiều cuộc sống. Thứ ba, học để trưởng thành: Người ta muốn trưởng thành thì phải học, học tất tật, từ sách vở đến những bài học không có trên giảng đường. Người nào cũng muốn hạnh phúc, vậy thì, ngày hôm nay thấy mình trưởng thành hơn ngày hôm qua, đó là cảm giác hạnh phúc. Thứ tư, học để biết yêu: Nếu bạn cho rằng tình yêu là bản năng, yêu thì cần gì học thì bạn đã sai rồi. Tình yêu cũng cần phải học. Thứ năm, học để sống lâu hơn: Tuổi thọ con người ngày một nâng cao là nhờ có lao động trí tuệ. Thực tế cho thấy những người lao động trí tuệ thường xuyên có tuổi thọ cao hơn những người lao động chân tay.

Tóm lại, các em phải có trách nhiệm làm chủ cuộc sống của mình. Mà cuộc sống thì ai chẳng muốn được như những điều vừa trình bày - muốn được như vậy thì các em phải học. Vì học tập là một quá trình không bao giờ ngừng nghỉ nên hãy cố gắng học thật nhiều để biết rằng ta vẫn là con ếch ngồi trong đáy giếng.

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT
Võ Văn Kiệt, Phú Yên)