Thứ tư, 21/10/2015, 08h46

Tài tử nhí - Từ đồng ra phố: BÀI 1: Ba thế hệ “Đồng Thanh Quán”

Gia đình tài tử Đồng Thanh Quán

Cuộc sống trước đôi bờ thiếu đủ nhưng gia đình tài tử ba thế hệ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) với hơn chục thành viên vẫn miệt mài truyền lửa đam mê đờn ca tài tử cho bà con nông dân.

20 năm trước, vợ chồng ông Phạm Thành Thiên và bà Huỳnh Thị Đông dắt díu con nhỏ từ Hậu Giang ngược về Bình Phước với hy vọng tìm miền đất hứa, hành trang mang theo không có gì quý ngoài cây đàn và lời ca tiếng hát.

Những tâm hồn đồng điệu

Từ ngày gia đình đặt chân đến thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, phong trào văn nghệ ở địa phương trở nên rôm rả, ai ai cũng háo hức tham gia. Những ngày đầu lập nghiệp, đối mặt với nhiều thử thách, cơm muối cháo rau nhưng ông Thanh và bà Đông vẫn cứ nghêu ngao đàn hát.

Cung oán cung thương như một chất keo kết dính những con người có tâm hồn đồng điệu như ông Thanh và bà Đồng. Tháng ngày gian khó, dẫu bữa ăn chỉ có dĩa rau chén mắm hay mớ măng luộc, vậy mà tình cảm vẫn keo sơn, mặn nồng, gia đình hòa thuận. Đến đời con, chén cơm cũng lúc lưng lúc đầy nhưng tình cảm với đờn ca tài tử thì luôn chứa chan.

Những tưởng tâm hồn ấy chỉ gặp nhau trong những trích đoạn cải lương, trở thành đôi bạn tri kỷ tri âm mà họ luôn có nhau trên mỗi bước đường đời. Lời ca tiếng đàn lại xui đôi bạn trẻ Phạm Thành Khánh (con trai đầu ông Thanh) và chị Nguyễn Bích Tuyền gặp nhau và viết nên câu chuyện tình tuyệt đẹp.

Cái ăn thiếu trước hụt sau nhưng các thành viên vẫn hát ca yêu đời. Có lẽ trong họ sẵn có một tình yêu nghệ thuật. Hiện nay, các thành viên của Đồng Thanh Quán mỗi người một nghề, thu nhập bấp bênh. Người làm rẫy, người mua bán nhỏ, kẻ là “thợ đụng”… “Ca hát cho vui thôi chứ tiền thù lao không đủ nuôi sống gia đình, lo được cho bản thân đã là ngon lành lắm rồi nên phải bươn chải kiếm cái ăn, cái chữ cho con”, anh Khánh tâm sự.

Anh Khánh cho biết thêm, thừa hưởng gien di truyền từ bố mẹ, năng khiếu đàn, ca cải lương của các con, cháu được bộc lộ từ khi còn rất nhỏ. Lên 5, lên 7 hầu như đứa nào cũng ca được bài bản và đàn được một số nhạc cụ. Từ anh chị em đến các con, cháu không một ai học qua trường lớp mà chủ yếu học lóm, tự mày mò. “Anh em chúng tôi lớn lên trong lời ca tiếng đàn của ba mẹ. Trong giấc ngủ của anh em tôi và các con chúng tôi bây giờ, những giai điệu trầm bổng luôn bên tai. Dù bữa ăn đạm bạc nhưng được nuôi dưỡng bằng lời ca, tiếng đàn nên tí tuổi đầu đã gắn bó với bộ môn này như máu với thịt”, Khánh bộc bạch.

Bà Đồng nhớ lại: “Hồi trẻ tui với ổng (ông Thanh - PV) mê cải lương lắm, tía má sai đi đâu, mua thứ gì mà trên đường đi nghe ai ca cải lương là đứng lại nghe cho bằng hết, vì vậy mà bị đánh đòn hoài. Nhờ đó mà tôi thuộc được nhiều câu, nhiều bài cổ từ nhỏ. Sinh mấy đứa con, rồi có cháu nội ngoại, đứa nào cũng “máu” văn nghệ chẳng kém cha mẹ, ông bà nó. “Gia đình có ai hướng các cháu nó đâu, đứa nào thích ca hát thì tham gia. Niềm đam mê của tụi nó mình đâu có cấm được nhưng có theo nghề ca hát thì cũng phải học hành cái đã”, bà Đồng chia sẻ.

“Càng nhiều show diễn, càng… nghèo”

Cái tên Đồng Thanh Quán ra đời cách đây khoảng 6 năm với mục đích “giữ lửa” và phát triển đờn ca tài tử trong giới trẻ địa phương. Khánh cho hay: “Đồng là tên mẹ. Thanh là tên của người con trai út (Phạm Duy Thanh) và Quán là quán cà phê nhỏ của gia đình. Vào mỗi tối thứ bảy, tại Đồng Thanh Quán có chương trình ca cổ phục vụ khách”.

Thành viên của Đồng Thanh Quán không ai khác là các thành viên trong gia đình, cả ba thế hệ. Nhắc đến gia đình tài tử Đồng Thanh Quán, người ta lại nhớ ngay đến ngón đàn điêu luyện của ông Thanh và cô con gái út Phương Linh. Hay nhớ đến giọng ca mùi tai, tiếng đàn réo rắt của Phạm Thành Khánh, là người lèo lái Đồng Thanh Quán. Lúc bấy giờ Đồng Thanh Quán cũng được mời diễn đám ma, đám cưới nhưng thu nhập chẳng là bao. Đồng Thanh Quán cũng được mời đi diễn ở các chương trình lớn nhỏ khắp miền Đông, miền Tây nhưng thù lao chuyến nào cũng không đủ trang trải cho việc đi lại. Thế nên, mới có chuyện ngược đời là show diễn càng nhiều thì càng nghèo, càng nợ rồi sau đó “cày” ngày “cày” đêm để trả nợ, xong nợ lại đi diễn.

Thế hệ thứ ba làm nên tên tuổi của Đồng Thanh Quán gồm các bé: Phạm Ngọc Sơn, Phạm Thị Ngọc Hân, Phạm Thị Minh Trang, Phạm Thị Ngọc Chi; Phạm Thị Duy Anh, Phạm Thị Minh Nhựt, Phạm Thị Ngọc Nhi, Phạm Ngọc Khánh… Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm bởi những buổi lên rẫy mưu sinh chẳng mấy ai tin chúng sở hữu những ngón đàn, lời ca mùi mẫn, ca có bài bản và đặc biệt diễn xuất như những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm. Cháu Minh Trang, con của anh Khánh khoe: “Sau giờ học, con cùng các anh chị và em đi rẫy trỉa đỗ, nhổ cỏ hoặc hái củi. Lúc nghỉ ngơi, tụi con còn vào vai tập hát các trích đoạn ngắn và hướng dẫn kỹ thuật cho nhau, nhờ vậy mà tụi con thuộc nhiều vở, nhiều câu và mau tiến bộ”.

Những đêm sáng trăng, ngoài vườn điều của gia đình trải một tấm bạt, kéo điện đón bà con yêu thích đờn ca tài tử về sinh hoạt và giao lưu. Đó cũng là buổi biểu diễn phục vụ và dạy đàn, hát cho lớp trẻ. Hỏi chuyện thù lao, anh Khánh nói: “Ai có trái cây vườn, củ khoai, củ sắn luộc thì mang sang, ai khá hơn thì bánh ngọt, trà chanh… góp vui chứ không có tiền bạc gì cả”.

Những năm gần đây, gia đình tài tử Đồng Thanh Quán đã gặt hái được nhiều thành công, từ các sân chơi phong trào đến sân chơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mỗi thành viên lớn, nhỏ đều tự ý thức rằng, giải thưởng chỉ là niềm động viên, khích lệ tinh thần để cùng nhau gìn giữ và phát triển phong trào đờn ca tài tử.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Anh Khánh tâm tư: “Sống ở vùng sâu vùng xa, đời sống tinh thần của người dân đã có nhiều cải thiện rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Muốn đẩy mạnh phong trào, phát triển sân chơi đờn ca tài tử tại địa phương chẳng dễ vì không có điều kiện. Đồng Thanh Quán không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà là tự hào của tỉnh Bình Phước khi đại diện tỉnh tham dự Festival Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu năm 2014 và mang về chiếc huy chương vàng danh giá”.