Chủ nhật, 25/10/2015, 22h10

Tài tử nhí - Từ đồng ra phố: Bài 3: Tuổi nhỏ, tài cao

“Tiểu tài tử” Thế Thanh trong chương trình “The Voice Kid”. Ảnh: THU NGA

Trần Nhựt Đức và Nguyễn Trương Thế Thanh (huyện Bình Chánh) đã đến với đờn ca tài tử mang về nhiều giải thưởng lớn khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Cuộc dạo chơi của Nhựt Đức

Chỉ một thời gian ngắn đến với đờn ca tài tử, Trần Nhựt Đức (sinh năm 2003, tại ấp 3 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã mang về nhiều giải thưởng danh giá. Với Nhựt Đức, đó là một bước đệm để em được sống cùng giai điệu ngọt ngào của vùng đất Nam bộ.

Lên 4, Nhựt Đức đã tập tành ca cải lương, tuy chưa tròn vành rõ chữ nhưng thật sự có tố chất, năng khiếu của một nghệ sĩ. Từ niềm đam mê đờn ca tài tử của con, gia đình hun đúc, tạo điều kiện để con được đến gần hơn với bộ môn nghệ thuật này. Anh Trần Văn Hết (sinh 1968), cha của Đức chia sẻ: “Cuộc sống gia đình chẳng khá giả gì nhưng sẵn sàng cho con được sống cùng niềm đam mê với dòng nhạc dân tộc mà ít nhiều bị giới trẻ quay lưng”. Thời trai trẻ, anh Hết cũng mê đờn ca đến quên mọi thứ, kể cả gia đình. Nhưng rồi cái nghèo mãi đeo bám, hình ảnh cha mẹ già vất vả mưu sinh khiến anh Hết không thể tiếp tục sống “tài tử”.  Từ bỏ đam mê thật không dễ chút nào nhưng cũng phải cố gắng, như anh bảo: “Bỏ nó như xa một người thân”. “Chị gái nó cũng mê nghệ thuật lắm, ước mơ trở thành diễn viên kịch nói. Con nó có năng khiếu, có đam mê thì mình ủng hộ, miễn sao học hành cho đàng hoàng. Đờn ca sẽ tô điểm cho cuộc đời thêm ý nghĩa chứ không phải ai cũng có thể nuôi sống gia đình”, anh Hết chiêm nghiệm.

Với năng khiếu sẵn có, cộng với tình yêu nghệ thuật, Đức được ông Tư Hồng, một bậc thầy về đờn ca tài tử của xã mở lời nhận làm học trò. “Đó là niềm vinh dự cho con. Được thầy Tư Hồng truyền dạy nhiều làn điệu cổ nhạc. Như một cuộc dạo chơi, càng học con càng khám phá được nhiều điều thú vị từ đờn ca tài tử”, Đức chia sẻ. Ngoài cổ nhạc, Đức còn có cơ hội học guitar phím lõm từ thầy Tư Hồng. Đến nay, em đã đàn thành thạo nhiều bài bản. Đức chia sẻ: Em dành thời gian tập luyện đờn ca tài tử  vào những ngày hè hoặc tối cuối tuần, thời gian còn lại đều dành cho việc học”.

Được đánh giá là một giọng ca triển vọng nhưng mãi đến năm 2014, Đức mới đăng ký tham dự cuộc thi Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới được tổ chức tại huyện Bình Chánh. Ở cuộc thi này, một lần nữa Đức chứng minh tài năng của mình khi xuất sắc giành giải nhất. Ngoài ra, Đức còn giành nhiều giải cao ở các cuộc thi uy tín, sân chơi chuyên nghiệp. Đức nói: “Đó là món quà mà con dành cho ba mẹ, thầy Tư Hồng và tất cả những người luôn sát cánh bên con, tạo điều kiện để con đến với bộ môn này”.

Cả cuộc đời dành trọn cho đờn ca tài tử, nghệ nhân Tư Hồng tự hào vì có những thế hệ học trò tài năng, đặc biệt là mang trong người tình yêu đờn ca tài tử mà theo ông: “Đó là những nghệ sĩ thực thụ”. Nghệ nhân Tư Hồng nhận xét về học trò của mình: “Đức là một đứa sáng dạ, chịu khó, biết chấp nhận thử thách để vượt qua. Với sự khổ luyện, hy vọng mai này cái tên Trần Nhựt Đức sẽ có trong danh sách những gương mặt triển vọng của đờn ca tài tử Nam bộ”.

“Tiểu tài tử” Thế Thanh

Nguyễn Trương Thế Thanh, một trong 10 ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu năm 2014 (lớp 7, Trường THCS Bình Chánh) cũng là một thần dân của đờn ca tài tử. Nhắc đến Nguyễn Trương Thế Thanh, người yêu đờn ca tài tử nhớ ngay đến cậu bé có gương mặt bầu bĩnh, hiền khô, nụ cười tươi sáng hồn nhiên.

Kém may mắn hơn Nhựt Đức, Thế Thanh lớn lên trong tình cảm rạn nứt của cha mẹ. Không thể cứu vãn được, họ chia tay, em được người cô nuôi nấng và dạy dỗ. Phòng trọ mà gia đình Thế Thanh đang ở hiện nay được bà con lao động xóm nghèo gọi là “phòng đờn ca tài tử”, để phân biệt với các phòng khác. Cái ăn thiếu trước hụt sau nhưng từ nhỏ, Thế Thanh đã được gia đình tạo điều kiện đến với bộ môn này qua Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã. Chỉ sau vài buổi học, các cô bác phát hiện ở Thế Thanh có một giọng ca thiên phú, một tình yêu nghệ thuật lạ kỳ nên dành nhiều tâm huyết để đào tạo bài bản. “Kỹ thuật xử lý từng làn điệu, lên xuống giọng, lấy hơi… của Thế Thanh rất chuyên nghiệp, như thể thằng bé sinh ra là để ca cải lương”, nghệ nhân Tư Hồng nhận xét.

Trần Nhựt Đức trong chương trình đờn ca tài tử “Lời tự tình của dân tộc, của quê hương”. Ảnh: T.AN

Gia đình nội, ngoại không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng ít nhiều Thế Thanh có ảnh hưởng từ người ông của mình. “Ông cũng đờn ca phong trào góp vui ở trong xóm. Cháu Thanh mê ca hát, đến chỗ đám tiệc gì có nhạc nhiếc ì xèo là nó vào xin ca, riết rồi ai cũng biết. Người ta nói nó có giọng ca “ngọt” hiếm có”, người cô Nguyễn Ngọc Thúy kể.

Giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của vùng đất phương Nam màu mỡ như đã nhen nhóm tình yêu và lớn dần theo cậu bé mê đàn hát quên cả ăn uống khi đến bữa. Từ các chương trình ca cổ phát trên đài tiếng nói, đài truyền hình, Thế Thanh cất giọng hát theo và thuộc lòng nhiều bài, bản đến các nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp cũng phải thán phục. Mới đây, tại cuộc thi Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới, Thế Thanh đã chinh phục Ban giám khảo và “rinh” đến hai giải: Giải nhất đơn ca và giải Tài tử nhỏ tuổi nhất. Ngoài ra, Thế Thanh cũng đã bổ sung vào bộ sưu tập giải thưởng của mình, trong đó có: Huy chương bạc Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất ở Bạc Liêu; “Tài năng trẻ” Liên hoan đờn ca tài tử TP.HCM, giải Bông sen vàng năm 2013…

Dù ở cái tuổi còn rất nhỏ nhưng Thế Thanh và Nhựt Đức có một niềm đam mê cháy bỏng được sống, được hòa mình cùng âm nhạc dân tộc với hy vọng góp một phần công sức của mình trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thật đáng trân trọng.

Trần Tuy An

Học giỏi, hát hay

Đam mê đờn ca tài tử nhưng Nhựt Đức và Thế Thanh không xao nhãng việc học ở trường và nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường THCS Bình Chánh (cả hai em đang học lớp 7). Đức - Thanh là thần tượng của chị em, bạn bè không chỉ về tài năng đờn ca mà còn ở gương học tập. Hiện tại cả hai được mời tham gia rất nhiều chương trình lớn, nhỏ. Đây là cơ hội để tài tử nhí trau dồi thêm kỹ năng biểu diễn, đến với sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các em luôn ý thức việc học là quan trọng hơn hết.