Thứ tư, 28/10/2015, 10h14

Tài tử nhí - Từ đồng ra phố: Bài cuối: “Hạt nhân” của tài tử Nam bộ

Tài tử nhí Lan Tường (thứ hai từ trái sang)

Dù ở đồng hay phố, cuộc sống gia đình còn lắm chông gai, gập ghềnh nhưng gia đình tạo mọi điều kiện để các tài tử nhí “cháy” hết mình với nghệ thuật đờn ca tài tử.

Chiếc đàn sến Lego

Lê Minh Khôi, tài tử nhí được phát hiện mới đây cũng là một trong những gương mặt sáng giá của đờn ca tài tử Nam bộ. Minh Khôi hiện đang học lớp 4 Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Không chỉ học giỏi, đặc biệt là hai môn toán và ngoại ngữ, Minh Khôi còn khiến bạn bè ngỡ ngàng qua giọng ca và ngón đàn khá điêu luyện.

Quê gốc của gia đình thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An, mảnh đất có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh và sản sinh ra những giọng ca vàng cũng như soạn giả cải lương. Được biết, ông cố của Minh Khôi chơi được nhiều nhạc cụ và ông nội được biết đến là một tay guitar phím lõm. Thế hệ sau, anh Lê Minh Hùng - ba Minh Khôi cũng chơi guitar phím lõm khá thành thục và niềm đam mê ca hát của Minh Khôi cũng có ảnh hưởng từ người cô thứ hai, một giọng ca ngọt ngào nhưng vì nhiều lý do khách quan không đến được với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Không ai hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng bản thân Khôi đến với tài tử cũng rất tự nhiên và đam mê. Tình yêu đờn ca tài tử, tài năng sẵn có, Minh Khôi ngày càng tiến bộ rõ rệt sau thời gian tham gia học đàn sến cùng thầy, nhạc sĩ cổ nhạc Quốc Trung. Nhờ được giảng dạy bài bản, cộng với dày công khổ luyện, Minh Khôi có thể đàn được nhiều bài vọng cổ (nhịp 16, 32), bài Nam xuân, Nam ai, Bắc (Tây thi), oán (văn thiên tường, phụng hoàng… Ngoài ra, Khôi còn chơi được nhiều bản ngắn ở các sân khấu chuyên nghiệp.

Dù chỉ mới đến với đờn ca tài tử vài năm gần đây nhưng cái tên Minh Khôi đã được giới chuyên môn chú ý. Minh Khôi đã tham dự cùng Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Củ Chi tại giải Hoa sen vàng TP.HCM năm 2015 và mang về cho huyện giải đặc biệt, riêng Khôi được trao giải khuyến khích (độc tấu đàn sến 20 câu Đảo ngũ cung). Trong năm 2015 này, Minh Khôi cũng được Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) mời tham gia Cuộc thi đờn ca tài tử do tỉnh này tổ chức. Một lần nữa tên tuổi của Minh Khôi lại xướng lên khi em góp phần mang lại giải A cho huyện này. Về cá nhân, em cũng đã xuất sắc giành giải A sau khi thuyết phục được Ban giám khảo và khán giả mộ điệu bằng tiết mục độc tấu 6 câu vọng cổ nhịp 16.

Tuy không chính thức tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử nào nhưng em vẫn thường xuyên gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt cùng với các nhóm khi có điều kiện. Anh Minh Hùng cho biết thêm, khi rảnh rỗi, tôi vẫn thường đưa cháu Khôi đi xem các chương trình về đờn ca tài tử như Vầng trăng cổ nhạc, các chương trình sân khấu cải lương. Khi tham gia sinh hoạt đội, nhóm hoặc du lịch gần xa, Minh Khôi không thể quên “bạn” của mình là cây đàn. “Lúc còn bé, cháu tự tay làm cho mình cây đàn sến với những mảnh lắp ráp Lego, dây đàn là dây thun trông rất ngộ nghĩnh. Khi ấy, người lớn chỉ nghĩ đó là một sáng tạo rất trẻ con chứ đâu nghĩ gì về năng khiếu cũng như đam mê của con”.

Lê Minh Khôi đàn cho bạn ca

Theo đánh giá của các bậc thầy về đờn ca tài tử, Minh Khôi có khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt và thường xướng âm thuộc trước các bài bản nên rất thuận lợi cho việc học đàn.

Con nhà tông

Cặp đôi tài tử Minh Tùng - Thu Hồng (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) tự hào vì có cô con gái nhỏ Lan Tường vừa học giỏi, vừa ca hay nối nghiệp cầm ca. Những buổi giao lưu, biểu diễn ở thành phố hay các tỉnh vào ngày cuối tuần, Lan Tường cũng được ba mẹ đưa đi. Theo Lan Tường: “Tình yêu nghệ thuật đờn ca tài tử được nhen nhóm và lớn dần theo năm tháng từ những lần đi cùng ba mẹ”. Trông vẻ ngoài nhút nhát, kiệm lời nhưng khi đứng trên sân khấu, Lan Tường tự tin, chững chạc. Cô bé còn gây ấn tượng với khán giả mộ điệu qua giọng ca ấm, lối diễn xuất khá chuyên nghiệp.

Gặp tài tử nhí Lan Tường mới đây tại Nhà Văn hóa Thanh niên, khi em đang cùng các anh chị tập lại tiết mục chuẩn bị biểu diễn. Đến với đờn ca tài tử chưa lâu nhưng Lan Tường đã chứng tỏ mình qua các trích đoạn, các bài bản cổ được giới chuyên môn cho là khó “nuốt”.

Hay như nữ tài tử nhí Thúy Duy - người con của mảnh đất An Minh, Kiên Giang cũng là con nhà tông, đang nỗ lực học văn hóa, học đàn hát thực hiện ước mơ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cha mẹ em, nghệ sĩ Quốc Trạng - Kim Khoa (đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang) đã dìu dắt em vào con đường ca hát. Cô bé 11 tuổi này ngày càng tiến bộ, thuộc nhiều làn điệu và trích đoạn cải lương không thể không nhắc đến công sức của gia đình tài tử Út Nhỏ, nơi Thúy Duy đang theo học. Đến với cuộc thi Hò xự xang xê cống do Đài PT-TH Bạc Liêu tổ chức năm 2015, Thúy Duy cũng đã giành được giải cao.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Những người đi trước kỳ vọng vào một thế hệ tài năng như các cháu Minh Khôi, Lan Tường, Thúy Duy… Không chỉ đàn giỏi, hát hay mà các cháu còn học giỏi, tự mình vượt qua khó khăn, thử thách để đến với nghệ thuật đờn ca tài tử. Các bạn trẻ chính là “hạt nhân” của tài tử Nam bộ, đại diện cho một thế hệ trẻ có đủ tâm và tài để kế thừa, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.