Thứ ba, 8/8/2017, 21h35

“Tâm huyết trao đời – tôi dạy học”: Bất ngờ được làm chủ nhiệm lớp

Dạy mà không được làm chủ nhiệm; khoảng trống ấy luôn thao thức trong tôi. Ban Giám hiệu trường không phải không nhận ra điều đó. Song các thầy vì lo sức khỏe tôi không bình thường lại không có “nghiệp vụ sư phạm” nên tôi đành chịu cảnh không được giao công việc mà mình khát khao mong đợi.

Thật tình cờ! Khi năm học 1971-1972 vừa bắt đầu chừng hơn một tháng, thầy Đôn dạy Toán kiêm chủ nhiệm lớp 6C chẳng may bị bệnh đột xuất phải nằm viện điều trị dài ngày. Tôi đang dạy Văn lớp này. “Cơ may” đến, tôi liền được nhà trường giao “thế chỗ” thầy Đôn và tiếp nhận công việc mà mình chờ đợi bấy nay.

Tôi háo hức lao vào công việc làm chủ nhiệm lớp từ đấy. Công việc đã hút của tôi không biết bao nhiêu thời gian, tâm sức song cũng trả về cho tôi biết bao niềm vui không gì đo đếm được. 

Khi làm giáo viên đứng lớp, tôi cảm thấy mình mới giữ vai trò người cha. Giờ gánh vác vai trò chủ nhiệm, tôi sung sướng nhận ra mình thực sự được làm cả “mẹ” các em nữa. Vất vả, gian nan, bận bịu đấy. Song cũng hân hoan ngập tràn hạnh phúc đấy. Ngay sau mấy ngày nhận lớp chủ nhiệm, tôi đã xúc động viết tặng các em bài thơ chất nặng nỗi niềm tâm huyết của tôi:

Đàn chim nhỏ của tôi

Ơi đàn chim nhỏ của tôi

Các em là những hoa tươi mới trồng

Các em là ánh mai hồng

Là chồi non biếc là dòng suối tơ

 

Với em tôi cất lời thơ

Vì em tôi nguyện say sưa suốt đời

Ơi đàn chim nhỏ của tôi

Các em là vạn niềm vui tháng ngày

 

Nụ cười mắt sáng thơ ngây

Long lanh mang cả trời mây xóm làng

Tay em đưa bút nắng tràn

Chân em tới lớp rộn ràng bướm theo

 

Ơi đàn chim nhỏ nâng niu

Mỗi em là mỗi thương yêu đợi chờ

Mỗi em là mỗi vần thơ

Thiết tha ngân mãi từng giờ trong tôi.

 

Để hiện thực hóa tình cảm đó, tôi khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng lại nề nếp mọi mặt của lớp 6C.

Việc đầu tiên, tôi cho kiện toàn lại ban cán bộ lớp. Cùng với đội ngũ lớp trưởng, lớp phó, tôi cho cả lớp bầu các cán sự bộ môn. Để các em xác định rõ vai trách trách nhiệm với những việc cụ thể cần làm, tôi văn bản hóa mọi nội dung rồi giao cho từng thành viên.

Vấn đề cơ sở vật chất của lớp cũng là điều luôn khiến tôi trăn trở. Làm thế nào để học sinh không phải xô đẩy nhau chạy chỗ mỗi lúc trời đổ mưa khi mái lớp lỗ chỗ những viên ngói vỡ? Làm thế nào để các em đỡ co ro, run rẩy, bình tĩnh ngồi học mỗi trận gió mùa Đông Bắc tràn về khi những chiếc cửa sổ cũ kỹ đã rã rời trống hoác? Làm thế nào để mặt đất nền lớp bằng phẳng hơn, đỡ gồ ghề lồi lõm để các em đi lại sinh hoạt, trực nhật dễ dàng hơn; việc kê bàn ghế cũng không còn cảnh cập kênh xiêu vẹo? Làm thế nào để cả lớp không em nào phải ngồi những chiếc ghế hỏng chân, xếp gạch làm chân giả mà không ít lần đã xảy ra sự cố “sập quỵ” ngay trong giờ học khiến cả lớp nhốn nháo?

Tôi đem chuyện này trình với Ban Giám hiệu. Song lực bất tòng tâm khi đây là vấn đề chung của cả trường và nhiều trường ở nông thôn miền Bắc vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Tôi về họp ban cán sự lớp rồi cả lớp bàn kế hoạch quyết định tự thay đổi chính mình. Nhận rõ ý nghĩa to lớn, thiết thực và cấp bách của việc này, em nào cũng bừng bừng khí thế giơ tay biểu quyết tham gia thực hiện.

Tôi quyết định chọn ngày chủ nhật ra quân. Lớp được phân thành 3 nhóm. Một nhóm lo sửa mái lớp do các em nam có bố là thợ xây tham gia. Một nhóm lo tu sửa bàn ghế và các cửa sổ lớp do các em nam có bố là thợ mộc tham gia. Hai nhóm này, trước đó mấy ngày tôi đến tận nhà trao đổi thuyết phục, các phụ huynh tỏ ra rất hăng hái ủng hộ. Hôm thực hiện, họ không chỉ trực tiếp đến hướng dẫn các em làm, xắn tay cùng làm mà còn ủng hộ luôn vật liệu.

Nhóm sửa nền lớp, em lớp trưởng Thanh Xuân chỉ huy, tôi bao quát chỉ đạo hướng dẫn. Để công việc diễn ra hiệu quả trong không khí thi đua, vui vẻ, sáng tạo, tôi cố vấn chia nền lớp thành 4 phần, mỗi tổ tự lo sửa nền lớp của tổ mình. Riêng phần bục giảng, mỗi tổ cử 2 em cùng tham gia.

Sau một ngày lao động cật lực với tâm sức và mồ hôi của cả thầy, trò và phụ huynh, bộ mặt lớp 6C đã thay da đổi thịt thật dễ thương. Mái không còn chỗ dột. Các cửa sổ được vá sửa tươm tất. Bàn ghế không còn chiếc nào “khuyết tật” nữa. Vui nhất là cái nền lớp giờ đã không còn “ổ gà ổ vịt”. Cô hiệu trưởng Thuần từ khu tập thể đi qua liền ghé vào thăm. Khi cô nhận ra nền lớp giờ không chỉ bằng phẳng mà còn xuất hiện những cái trôn bát được các em khéo léo chôn xuống rất nghệ thuật ghi dấu điểm cố định chỗ mỗi chân bàn chân ghế được định vị theo hàng ngang lối dọc tăm tắp như hàng quân khiến cô tấm tắc hết lời:

- Hay lắm! Lớp 6C sáng tạo dám nghĩ, dám làm thế là tốt lắm. Sửa được nền lớp theo ý tưởng này không chỉ giúp việc di chuyển, trực nhật dễ dàng mà việc sắp xếp bàn ghế cũng luôn được cố định, nề nếp, rất khoa học và rất sư phạm. Lòng yêu lớp, yêu trường cũng bắt nguồn từ những việc làm nho nhỏ nhưng ý nghĩa lớn lao này đây. Có lẽ nhà trường sẽ phát động các lớp học tập và làm như lớp 6C mới được.

Lời cô hiệu trưởng vừa dứt, cả lớp dậy lên tiếng reo hò vỗ tay náo nức.

(Còn tiếp)
NGƯT
Nguyễn Ngọc Ký