Thứ ba, 12/9/2017, 21h22

“Tâm huyết trao đời - Tôi dạy học”: Chỉ vì một câu nói

Việc giữ cho sĩ số học sinh ổn định trong suốt năm học luôn là một thử thách không nhỏ đối với mọi giáo viên chủ nhiệm. Có cả 1001 lý do để các em bỏ học. Nào học kém, chán học. Nào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nào chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa bố mẹ. Nào chuyện mâu thuẫn bạn bè. Nào chuyện mối quan hệ thầy trò bị tổn thương…

Đã thành lệ, một ngày mới với tôi ở trường bao giờ cũng bắt đầu bằng việc đến lớp chủ nhiệm sớm để xem xét tình hình chuyên cần của trò.

Sáng ấy, vừa đặt chân tới cửa lớp 6B, có học sinh báo tin trò Nụ bỏ học. Tôi sững sờ không tin đó là sự thật. Bởi tôi biết lâu nay, Nụ vẫn là một học sinh ngoan hiền, chăm chỉ, học lực luôn ở tốp dẫn đầu của nhóm nữ, được nhiều bạn bè quý mến, thầy cô tin yêu. Vậy điều bất thường gì đã xảy ra với Nụ?

Tôi quyết định đến thăm nhà em ngay tối đó. Gia đình em đón tôi trong không khí thật chân tình, ấm áp. Bố em làm cán bộ tín dụng của xã. Mẹ làm đội phó đội sản xuất nông nghiệp. Là con út, Nụ được cả nhà cưng chiều, tạo mọi điều kiện tốt nhất để em tập trung học tập. Khi nghe tôi trình bày chuyện Nụ định thôi học, ông bà tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc. Ông gọi Nụ đến hỏi lý do. Nụ chỉ một lặng hai nín. Gặng mãi, em đỏ mặt khóc. Tôi tìm cách gặp riêng, song em vẫn một mực không tiết lộ lý do nghỉ học. Tôi rời nhà em với tâm trạng day dứt, thất vọng. Tiện đường, tôi vào thăm luôn nhà trò Hợi, trò Hương, trò Duyên. Thật may khi các em đã cho tôi hay một thông tin ít ai nghĩ tới.

Hôm ấy, trong giờ Toán, cô Thương gọi Nụ phát biểu cách chứng minh một kết luận trong bài tập hình. Luống cuống thế nào, Nụ đã nhầm lẫn cách đọc tên các ký hiệu toán học. Đáng ra phải nói góc thì Nụ lại đọc nhầm thành cạnh. Vốn tính nóng nảy, cô bực mình nói lớn: “Tôi hỏi cô: nếu râu anh Thắng cắm vào cằm cô Nụ có được không?”. Cả lớp được phen bật thành tiếng cười, tiếng vỗ tay như phá đám, còn Nụ thì đỏ bừng mặt, ngồi thụp xuống khóc thút thít. Cô Thương cũng vô tư hòa tiếng cười cùng cả lớp. Cô đâu hay rằng câu nói vui cùng thái độ ấy của mình đã vô tình khiến Nụ cảm thấy bị xúc phạm, bêu riếu bởi sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Nụ và Thắng (chả là lâu nay trong lớp các bạn hay gán ghép Nụ với Thắng). Và thế là chuyện Nụ bỏ học đã xảy ra.

Không thể để một học sinh như Nụ phải dở dang chuyện học tập chỉ vì một câu nói vui của cô giáo, tôi quyết tìm mọi cách đưa em trở lại học đường. Vừa nhiều lần đến nhà tìm lời hơn lẽ thiệt thuyết phục em, vừa nói với gia đình khuyên răn em, trao đổi với bạn bè tâm sự, rủ rê em, thậm chí đưa cả cô Thương đến gặp xin lỗi; song em vẫn một mực không chịu đến lớp. Cuối cùng, dù rất không muốn nhưng vì tương lai của Nụ, tôi đành động viên em chuyển sang học lớp 6A không có cô Thương dạy Toán, em mới chịu cắp sách trở lại trường.        

Sau này, tốt nghiệp Sư phạm, em đựợc phân về dạy cùng trường với tôi và cô Thương. Kỷ niệm đó chẳng ai muốn nhắc lại song trong ký ức mỗi người, nó thực sự còn hằn sâu bài học nhớ đời: “Khi đã gắn mình với nghiệp trồng người, mọi lời nói cử chỉ phải luôn mô phạm, mẫu mực. Chỉ cần một chút hời hợt, một khoảnh khắc vô tâm, một lời nói thiếu kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả sư phạm khôn lường. Nếu may mắn khắc phục được thì cái giá của nó thật không rẻ chút nào”.

(Còn tiếp)
NGƯT Nguyn Ngc Ký