Thứ bảy, 19/8/2017, 21h51

“Tâm huyết trao đời - Tôi dạy học”: Niềm vui ngày bé Ngọc Ánh chào đời (Tiếp theo kỳ trước)

Một hôm đưa bé về quê ngoại ở huyện Nam Trực thăm ông bà ngoại, người làng Đô Đò tíu tít vây quanh, ai cũng tranh được ôm, được cưng nựng. Một người thốt lên:

- Trông bé Ngọc Ánh dễ thương như búp bê thế này ai dám tin đây là con Ký Nhiễu. Vậy mà lúc đầu nhà cụ Khúc cứ lo…

- Ơ, sao bà biết tên cháu vậy? - Bà xã tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Thì tên ở đây chứ đâu! - Người đàn bà trạc trung niên, mặc áo gụ bạc có mái tóc búi gọn phía sau gáy chỉ vào chỗ chiếc váy ngắn màu hoa lý nổi bật hai chữ Ngọc Ánh đỏ tươi được thêu nơi ngực cháu.

- Ồ, mẹ Nhiễu cũng khéo tay đáo để nhỉ? - Một cụ bà tóc đã hoa râm chít khăn mỏ quạ trên đầu tấm tắc.

- Dạ, không phải cháu thêu đâu. Đây chính là tác phẩm đầu tay của bố cháu đấy ạ!

- Ủa, thế anh Ký dùng chân mà thêu được à? - Tiếng xầm xì lan truyền.

- Vâng! Chân anh ấy khéo lắm. Nào khâu vá, thêu thùa. Nào bế nựng con ngủ. Nào xay bột nấu cháo, cho con ăn. Thương vợ vất vả, hàng ngày anh ấy còn đảm đang cả việc chăm sóc vườn rau, và cả đàn heo nái nữa đấy! - Nhiễu vui vẻ lên tiếng.

- Trời, bằng chân anh ấy làm những việc ấy thế nào được nhỉ?

Mấy người ngạc nhiên cùng đặt câu hỏi. Bà xã tôi lại được dịp thổ lộ:

- Với đàn heo anh ấy làm hai việc: dùng chân tỷ mẩn ngồi thái cây chuối làm thức ăn thô, và việc thứ hai là nấu cám. Xoong cám lớn nặng cả chục ký. Việc đun thổi thì bình thường. Khó nhất là lúc bê xuống vùi vào hung tro. Người dùng tay cũng không đơn giản. Bằng chân vậy mà anh ấy cứ làm ngon ơ. Anh nghĩ ra cách uôn một thanh sắt phi 6 theo hình cầu vòng có móc ở hai đầu. Khi cần, anh móc thanh sắt vào hai quai xoong. Chân trái đứng trụ; chân phải luồn giữ, nhấc bổng xoong cám đặt xuống vị trí mong muốn; cứ thế dùng bàn cùi xúc tro nóng phủ lên cho xoong cám nhừ.

Tiếng tấm tắc xuýt xoa lại vang lên:

- Anh ấy sáng kiến thật đấy!

- Thế còn việc chăm vườn rau anh ấy làm thế nào nhỉ?

- Vâng! Ngày ngày anh ấy coi việc chăm sóc vườn rau như một thú vui giải trí.

Bà xã say sưa tiếp tục mạch “khoe khoang” chồng.

- Sáng tinh mơ trước khi đến lớp, dù trời lạnh đến đâu anh cũng lội xuống ao; một chân đứng, một chân cứ thế vẩy nước lên vườn. Khi ngồi soạn bài, chấm bài cứ khi nào thấy mền mệt là anh lại ra vườn ngắm nghía, nhổ cỏ, vạch từng chiếc lá bắt sâu, cầm cây chép dăm cho đất tơi xốp. Chả thế mà vườn rau nhà cháu lúc nào cũng mơn mởn. Su hào, cải bắp, mùng tơi, rau diếp, cà chua, cà giòn… mùa nào rau ấy cứ ăn thoải mái.

- Bà con biết không, vừa rồi tôi xuống nhà chơi còn bắt gặp chuyện chú ấy cùng cô Nhiễu đi mót rạ về làm đồ đun bếp mới cảm động chứ! - Bà chị dâu vừa từ đâu về cũng vội góp lời.

- Chuyện thế nào, chú kể cho bà con nghe đi! - Tiếng mấy bà lại thúc giục.

- Vâng, cảm ơn sự quan tâm của mấy bà. - Nể lời mọi người, tôi đành dè dặt chia sẻ. - Bà con biết đấy, mới sinh con được ít ngày, một hôm đi dạy về qua mấy thửa ruộng xã viên vừa gặt, thấy phần gốc rạ còn khá cao, cô ấy liền dừng lại xin cắt mót về đun bếp. Được ông tổ trưởng cho phép, buổi chiều cô ấy mang liềm ra mấy mảnh ruộng cắt lấy cắt để từng bó rồi ôm lên đường phơi. Thấy vợ vất vả quá, tôi liền nghĩ cách dùng một cánh cửa nhỏ, buộc dây vào đó rồi bảo Nhiễu mang ra ruộng. Rạ cắt đến đâu cô ấy xếp lên cánh cửa đến đó. Đầu dây kia, tôi quàng qua bụng cứ thế lôi vào bờ, dùng chân hất lên đường phơi. Cũng không ít lần bị ngã lên ngã xuống vì vấp gốc rạ hoặc bị sụt bùn. Có lần sóng soài giữa ruộng; mặt mũi bị sặc bùn; Nhiễu phải vội vàng chạy đến “cấp cứu”. Mỗi lần như vậy, Nhiễu lại “bắt” tôi phải dừng ngay cái việc “bất đắc dĩ” này để về nhà chơi với con. Dù khắp người dính đầy bùn đất hòa cùng những giọt mồ hôi chảy ròng ròng, tôi vẫn “ngoan cố” cự tuyệt “mệnh lệnh” của cô ấy. Và càng làm càng hăng hái phấn khích. Mọi người qua đường nhìn thế, tỏ ra rất ái ngại. Song với tôi thì đó lại như một trò giải trí mới; được gắn mình với đồng ruộng, với thiên nhiên tôi vui lắm bà con ạ!

Vừa lúc bà xã đưa tay đón bé Ngọc Ánh từ tay mấy bà, cười vui:     

- Vâng, các bà mừng cho. Thương vợ thương con chỉ bằng chân mà việc gì anh ấy cũng làm được cả đấy ạ!

- Thế là nhà cụ Cửu Khúc có phúc rồi. Lúc đầu, ai cũng lo lấy cậu Ký cô Nhiễu sẽ khổ, sẽ khó có tương lai. - Mấy bà già cùng lên tiếng.

Khi bắt đầu đi học, Ánh siêng năng lắm. Ở trường về đến nhà là lao vào bàn học. Tối đến cha mẹ chỉ bận tâm việc đốc thúc cháu phải đi ngủ sớm chứ chẳng lúc nào phải giục học cả. Một đêm trăng suông, Ánh giật mình dậy, tưởng trời đã sáng, vội đòi cắp sách đi học. Nhà không có đồng hồ, chúng tôi giải thích thế nào cũng không chịu. Thế là tôi đành dẫn Ánh đến trường. Tới nơi mới nghe tiếng gà gáy, hai bố con phải đợi hơn hai tiếng đồng hồ cổng trường mới mở.

Không chỉ chăm học, Ánh còn rất chăm làm. Những năm học tiểu học, cứ chiều chiều học xong bài vở là xách giỏ đi bắt ốc sên, đập ngóe về nấu cám “bồi dưỡng” cho đàn heo con. Có ngày mang về cả ký “thực phẩm” tươi sống giá trị này. Đàn heo nhà tôi nhờ vậy lớn nhanh trông thấy. Mới hơn tháng tuổi có con đã nặng tới hơn 10kg. Những ngày mùa, Ánh lại tranh thủ cùng bạn bè đi mót lúa. Trong khi bạn bè chỉ mót được chừng hai ba cân, còn Ánh nhờ chịu khó, có ngày mót được cả yến lúa.

Suốt thời gian đi học, Ánh làm lớp trưởng (riêng 3 năm trung học phổ thông làm Bí thư chi đoàn) và luôn là học sinh giỏi. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam Ninh, sau vài năm dạy ở quê, khi chúng tôi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Ánh được nhận về dạy Toán ở trường THCS Phan Tây Hồ, Gò Vấp. Với năng lực và nhiệt tình vốn có, Ánh được bầu giữ chức Bí thư đoàn trường và có năm đã giành giải nhất cuộc thi Bí thư đoàn giỏi của quận. Hiện nay, Ngọc Ánh là hiệu trưởng có uy tín một trường trung học cơ sở quận Gò Vấp. Chồng của Ánh là chàng trai cùng làng đã từng 7 năm gắn bó với Trường Sa, nay là sỹ quan cao cấp một đơn vị của Quân khu 7. Hai con gái đều ngoan hiền giỏi giang; một cháu đã ra trường đi làm.

(Còn tiếp)
NGƯT
Nguyn Ngc Ký