Thứ tư, 2/5/2012, 11h05

Tăng cường hỗ trợ tiếng Việt cho HS dân tộc

Để hỗ trợ TV cho HS DTTS, phải có chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng (ảnh minh họa). Ảnh: L.T.T

Thực tế giáo dục ở các tỉnh miền núi nhiều năm qua cho thấy, không chỉ học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) bậc tiểu học cần hỗ trợ tiếng Việt (TV) trong quá trình học tập mà HS bậc THCS cũng rất cần hỗ trợ TV để tiếp thu lượng kiến thức ngày một nhiều theo trình độ từng lớp.
Thông thường HS DTTS khi bước qua bậc THCS đã có một số “vốn liếng” TV cơ bản được trang bị từ bậc tiểu học. Tuy vậy, vốn TV này của các em chưa đủ để tiếp thu khối lượng kiến thức ngày một gia tăng theo các môn học của bậc học này như toán, lí, hóa, sinh, văn, đạo đức, công nghệ…Dẫu có cố gắng nghe được nội dung bài giảng của thầy cô thì các kĩ năng khác như nói, viết, đọc của các em vẫn còn rất hạn chế. Bởi ngôn ngữ chủ yếu các em giao tiếp hàng ngày vẫn là tiếng mẹ đẻ (TMĐ).
Điều này cũng dễ hiểu, vì môi trường tiếng chính của các em là TMĐ. Các em chỉ có 4-5 giờ/24 giờ mỗi ngày và 6 ngày/tuần là ở lớp, nơi các em có thể sử dụng TV. Thời gian còn lại các em giao tiếp với gia đình và cộng đồng bằng TMĐ. TV như là một ngôn ngữ thứ hai được dùng song song với TMĐ. Do đó việc không thông thạo TV trở thành rào cản trong quá trình các em học tập. Vì các em sử dụng TV chưa thạo nên trong các bài làm hoặc khi nói mắc khá nhiều lỗi phát âm, dùng từ, đặt câu, viết văn bản…
Một lí do khác làm hạn chế khả năng sử dụng TV của HS DTTS là tâm lí rụt rè, ngại giao tiếp với bạn bè và thầy cô bằng TV. Có thể các em sợ sai. Trong khi đó, từ ngữ trong các bài học hàng ngày của các em là các từ ngữ khoa học, hành chính, văn học; nhiều khái niệm, định nghĩa trừu tượng, cao xa mà các em không thể nào lĩnh hội được bài, nếu không được hỗ trợ bằng TV (vì vốn từ TMĐ của các em không có những từ này).
Khảo sát một loạt giáo án ngữ văn lớp 7 trên trang web giaoan.violet.vn, chúng tôi nhận thấy rằng ngay ở học kì I lớp 7 đã có 9 bài thơ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc là Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, Thiên Trường vãn vọng, Côn Sơn ca, Nguyên Tiêu, Tĩnh dạ tư, Hồi hương ngẫu thư, Vọng lư bộc bố, Mao ốc vị thu phong sở phá ca. Nội dung của các giáo án này đa dạng. Có giáo án thì dài lê thê như các bài bình giảng văn thơ cổ cho sinh viên đại học. Có bài lại quá ngắn, chỉ nêu đại ý của bài thơ, không giải nghĩa từ. Trong một giáo án Nam quốc sơn hà có ghi “tuyệt nhiên định phận tại thiên thư” (ghi đúng là “tiệt nhiên”), tức là giáo viên không phân biệt được từ “tuyệt” và “tiệt” trong tiếng Hán. Với kiểu giáo án ấy và bấy nhiêu bài thơ bao gồm phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ với ngót 200 từ gốc Hán cùng nội dung, ý nghĩa sâu xa của các tác phẩm bất hủ ấy làm sao các em HS có thể hiểu và ghi nhớ hết được. Chưa kể các em phải nhớ bản dịch nghĩa, phải thuộc bản dịch thơ. Thử hỏi HS DTTS nói TV chưa thạo liệu “ngốn” được bao nhiêu phần trăm kiến thức trên.
Để kiểm chứng thực tế, chúng tôi tiếp tục khảo sát hai trường THCS vùng ven ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), nơi có khoảng 40 đến 50% HS DTTS theo học. Những giáo viên trực tiếp giảng dạy ở đây cho biết rất vất vả để “tải” hết số lượng từ ngữ Hán Việt cho các em theo đúng chương trình. Để các em hiểu được bài, trong một tiết học, giáo viên phải dành thời gian rất nhiều để giải nghĩa từ, câu chữ và nội dung bài thơ. Kết quả là các thầy cô thường bị “cháy” giáo án, tức kéo dài thời gian tiết học. Mặc dù giáo viên đã cải tiến nhiều cách dạy mới và tăng giờ dạy phụ đạo nhưng vẫn có 50% HS DTTS không tiếp thu được nội dung bài học. HS DTTS vùng ven đã vậy thì HS DTTS vùng sâu, vùng xa sẽ như thế nào?
Việc khảo sát thí điểm nói trên chỉ để phản ánh một phần khó khăn của HS DTTS khi học TV và các môn học khác. Vì vậy, tìm ra một giải pháp tối ưu để khắc phục rào cản ngôn ngữ TV là mối quan tâm của các nhà quản lí giáo dục và giáo viên đứng lớp hiện nay.
Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều công trình, dự án quan tâm đến việc hỗ trợ TV cho HS DTTS như Dự án dạy TMĐ như một chuyển ngữ (2000-2004), Dự án dạy TMĐ của HS dân tộc như một môn học (từ 1980 đến nay), Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất… Hầu như mỗi dự án đều có cách làm riêng và đã có thành công nhất định trong việc khảo sát thực trạng, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục bằng các phương pháp mới, hiện đại, cải tiến, sáng tạo… Song thực tế hiệu quả đem lại chưa cao. Vì dự án chỉ đầu tư trọng điểm cho một số lớp, một số tỉnh, trong một thời gian nhất định để tạo tiền đề. Sau khi kết thúc dự án, hết kinh phí, mọi việc đâu lại vào đó, như kiểu đá ném ao bèo; các đơn vị giáo dục và giáo viên lại chuẩn bị tham gia một dự án khác.
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên có một chương trình dài hạn chứ không phải giới hạn trong thời gian của một dự án để tìm ra phương pháp, cách thức hỗ trợ TV cho HS DTTS bậc THCS. Cụ thể là phải có chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với HS DTTS, nhất là việc linh hoạt trong việc phân bố thời lượng chương trình học, tiết học, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng HS DTTS. Giáo viên đứng lớp cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt, có thể sử dụng TMĐ thành thạo và hiểu sâu sắc đặc điểm HS DTTS để hỗ trợ TV cho các em. Bên cạnh đó điều kiện cơ sở vật chất phải bảo đảm đủ để GV áp dụng các biện pháp, hình thức dạy học tích cực.
Nguyễn Tiến Dũng
(Trường CĐ Sư phạm Gia Lai)
Giáo viên đứng lớp cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt, có thể sử dụng TMĐ thành thạo và hiểu sâu sắc đặc điểm HS DTTS để hỗ trợ TV cho các em…