Thứ tư, 20/3/2013, 17h03

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Y tế

Sáng nay, 20-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT)giai đoạn 2012-2020”. Các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ , Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đã quán triệt Nghị quyết số 21, trong đó nêu rõ: BHXH và BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT trong cả nước còn một số hạn chế, yếu kém. Diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động; số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về BHXH và BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT tế còn có thiếu sót. Quản lý và sử dụng quỹ BHXH chưa chặt chẽ, quỹ BHYT tế luôn tiềm ẩn nguy cơ thâm hụt; thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh còn gây bức xúc cho người bệnh,...

Đáng lo ngại, ở tất cả các tỉnh thành đều có tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH. Đến cuối năm 2012, số nợ BHXH là 4.639 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng thuộc diện nợ khó đòi.

Nghị quyết 21 đưa ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia. Để đạt mục tiêu nói trên, hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương và các địa phương trong cả nước về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cũng như trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết 21 của Bộ chính trị.

Tại đầu cầu TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy đề xuất, cần phải bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH và BHYT cho người lao động; bổ sung quy định về xử phạt trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có hành vi chiếm dụng tiền lương trích đóng BHXH, BHYT của người lao động không nộp vào quỹ BHXH và BHYT. Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi điều kiện hưởng Bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với mục đích, ý nghĩa khi xây dựng chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, tránh hành vi lợi dụng khe hở của chính sách để hưởng lợi. Đề nghị có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT; xác định mức sống trung bình để có phương án hỗ trợ người dân tham gia theo quy định; nâng cao hiệu quả tham gia và sử dụng BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện đối với các hộ cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và hộ gia đình làm kinh tế cá thể.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định công tác BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các ngành cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH và BHYT; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH và BHYT, chú ý mở rộng đối tượng tham gia BHXH; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH và BHYT.

H.Hiệp (SGGP)