Thứ hai, 12/2/2018, 12h04

Tặng sách ngày Tết

1. Cách đây mấy năm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng có bài viết rất hay “Sách của con đâu?”. Sau khi chia sẻ và có chút than thở về việc lì xì đầu năm mới bằng tiền, nhà văn đề xuất: “Vậy cách hay nhất là không lì xì bằng tiền, mặc dù điều đó có thể bị coi là đi chệch khỏi hình thức ban đầu của nó. Nói có sách mách có chứng: Vài năm trở lại đây, tôi thấy có nhiều người dùng sách làm quà tặng đầu năm thay cho “hồng bao”. Trẻ con ngày nay được tặng sách nhiều em mặt mày rạng rỡ chứ không xìu xuống như bánh mì gặp nước. (…) Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú cậu mợ hay bạn của ba mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao “Sách của con đâu?” thay vì “Tiền lì xì của con đâu?”. Chỉ riêng sự thay đổi đó thôi đã đủ để các bậc phụ huynh mỉm cười, để các nhà văn hóa bớt băn khoăn than thở “văn hóa đọc đang xuống cấp””.

Quả là một gợi ý tuyệt vời. Nhiều người đã nói đến sự tầm thường hóa phong tục tặng lì xì tiền vào năm mới. Từ chỗ chủ yếu mang ý nghĩa chúc phúc, cầu may mắn, bây giờ tục lì xì trở nên (sự) cho chác thuần túy, người tặng chưa hẳn thấy vui, người nhận thì chưa hẳn hiểu được ý nghĩa vốn có của nó mà mong nhận được càng nhiều càng tốt. Không chỉ vậy, sự biếu xén vụ lợi, hối lộ cũng mượn danh lì xì mà len lỏi vào tập tục này.

Hưởng ứng ý tưởng tặng sách nhân ngày Tết, một “nhà sách trên mạng” đã tổ chức một trò chơi khá thú vị. Trang này viết: “Cùng chúng tôi chia sẻ suy nghĩ của bạn về nét văn hóa “Tặng sách ngày Tết”, cũng như chọn cho mình 1 quyển sách mà bạn mong được lì xì trong Tết này bằng cách comment vào phần chia sẻ bên dưới… Thể lệ: chia sẻ gồm 2 phần: chia sẻ của bạn về nét văn hóa “Tặng sách ngày Tết”; tên cuốn sách mà bạn muốn được “Lì xì” vào Tết này…”. Dĩ nhiên, khi thực hiện trò chơi này, nhiều người mong sẽ nhận được một cuốn sách nào đó mà mình yêu thích, mình đang tìm và cũng có thể là quyển sách mà người thân mình đang muốn có. Một trò chơi hay và hay hơn là diễn ra vào dịp Tết, khi người ta tất bật với chuyện ăn uống, đi du lịch, chơi bời…

2. Tôi rất ấn tượng khi đọc được trên mạng internet về câu chuyện tặng sách của Trường THCS Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng). Từ nhiều năm nay, hằng năm, sau những ngày nghỉ Tết, vào sáng chào cờ đầu năm mới, đều tổ chức “Ngày hội tặng sách đầu Xuân”. Sau lời phát động của hiệu trưởng, từng thầy cô nâng niu những tác phẩm đã được chuẩn bị trong những ngày nghỉ Tết để hôm nay được tận tay mình trao tặng. Từng học sinh, từng khối lớp mang lên từng chồng sách đã được gói ghém, trân trọng mang đặt lên bàn tặng sách… Có giáo viên chia sẻ, mỗi quyển sách được đặt lên bàn là một niềm vui được nhân lên như “những thông điệp của tình yêu thương, tình bạn và tình người nồng ấm…”. “Ngày Hội tặng sách” thường được kéo dài một tuần để thầy cô và học sinh có thời gian tìm sách, chọn sách mang tặng. Sau đó, sách được đưa vào thư viện, được chọn lọc trở lại và phục vụ cho độc giả của trường ở tủ sách dùng chung…

Câu chuyện về tặng sách này rất có ý nghĩa. Trước hết, hoạt động tặng sách được diễn ra trang trọng, ấm áp, thể hiện sự quý trọng sách của cả người tặng lẫn người chứng kiến, để rồi khi sách được sử dụng sau đó hẳn mỗi người sẽ thấy trách nhiệm của mình là phải gìn giữ từng trang sách, phải đọc sách một cách thiết thực, từ đó gieo vào lòng tình yêu sách. Hoạt động tặng sách dĩ nhiên có thể diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, nhưng tạo thành một lễ hội với tình cảm và sự trân trọng như thế có lẽ ít có. Hơn nữa, nó lại diễn ra ngay vào dịp sau Tết Nguyên Đán, với mong muốn bắt đầu một năm mới là “hãy cho đi”, “hãy năng đọc sách”, “hãy yêu quý sách”… Điều đó hẳn có ý nghĩa biết bao, không chỉ đối với học sinh mà còn đối với giáo viên và phụ huynh, không chỉ trong tình yêu với sách mà còn trở thành một thông điệp sống giàu tính nhân văn.

3.  Nên tặng sách gì trong dịp Tết? Hẳn cũng phải đắn đo ít nhiều. Chọn sách tặng trong dịp này phải có ý nghĩa riêng, đặc biệt, chứ không đơn giản như một số dịp khác. Vài năm trước, nhiều người quan tâm đến loại sách dạy làm giàu, với mong muốn năm mới thì gợi mở cách làm giàu, như là lời chúc tấn tài tấn lộc. Gần đây, một số người chú ý nhiều hơn đến những sách dạy làm người, những loại sách mang tính chiêm nghiệm cuộc đời, các hồi ký của các nhân vật nổi tiếng, các tập tản văn hay những tiểu thuyết vui vẻ, ý nhị…

Người tặng sách dĩ nhiên phải chú ý thói quen, sở thích, nhu cầu… của người nhận. Một cuốn sách hay nhưng đến tay một người không quan tâm đến lĩnh vực đó thì cái hay đã giảm đi rất nhiều, bởi họ không đọc hoặc đọc qua loa hay chỉ đọc bằng một thái độ hời hợt thì cái hay chẳng thấm đến người nhận như người tặng mong mỏi. Vậy nên với một người yêu sách nhưng ít đọc sách thì nên tặng một ấn bản thật đẹp, nếu họ đọc thì càng tốt, không thì để trưng bày cũng hay. Hoặc một người hay nghiên cứu thì những loại sách khảo cứu, từ điển hẳn họ sẽ rất quý, bởi có ích cho họ trong công việc. Kể cả chọn một tiểu thuyết thì cũng nên chú ý đến tính cách và sự quan tâm của người nhận, chứ không nhất thiết tặng một cuốn đang đắt hàng, gây đình đám hoặc của một tác giả nổi tiếng thì người ta thích đâu…

Với trẻ em, sách dạy làm người, truyện thiếu nhi, những cuốn về khoa học thường thức, sách lịch sử… hẳn là rất cần cho trẻ. Nên chọn những cuốn được viết rõ ràng, văn trong sáng, dễ đọc, được trình bày bắt mắt vừa phải, của những cây bút tử tế và của những nhà xuất bản có uy tín. Hẳn chúng ta sẽ rất vui nếu quà Tết là một vài cuốn sách được trẻ nhỏ đón nhận nồng nhiệt, đọc ngấu nghiến đến độ quên tiền lì xì, và ta hiểu rằng những mầm non đó sẽ lớn nhanh, sẽ cứng cáp, bởi các em đang được nuôi dưỡng bằng những cách thức tốt đẹp, những tình cảm tốt đẹp!

Tặng một cuốn sách thôi, cũng có thể nói lên nhiều điều. Với cả người tặng và người nhận. Nhất là trong dịp Tết!

Nguyn Minh Hi