Thứ tư, 18/1/2017, 15h00

Tạo nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước hiện nay là 2,3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (tuổi từ 15-24) là 7,1%, cao gấp 3 lần tỷ lệ chung. Tạo việc làm cho thanh niên sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động trong năm 2017.

Một lớp học nghề tại trường Cao đẳng công nghiệp Hải Phòng

Khó tìm việc

Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH), năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình thị trường lao động và các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường lao động còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là việc làm cho thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn là vấn đề nổi cộm. Hiện còn trên 200.000 sinh viên có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp hoặc không có việc làm.

Tại phiên giao dịch việc làm mới đây, bạn Hoàng Thúy Liên, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2016 cho biết: “Tốt nghiệp đại học, chuyên ngành kỹ thuật điện, tôi đã nộp hồ sơ vào vài công ty, nhưng chưa tìm được việc đúng chuyên ngành đã học, nên giờ vẫn làm việc thời vụ. Thông tin tìm kiếm việc làm hiện nay do bạn bè giới thiệu hoặc qua một số trang mạng. Còn tại sàn giao dịch việc làm chủ yếu tuyển lao động có trình độ phổ thông”.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong các phiên dịch việc làm, tỷ lệ thanh niên đến tìm việc khá đông. Tuy nhiên, không ít bạn sinh viên, thanh niên thiếu kỹ năng xin việc. Do đó, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội thành lập phòng tư vấn về làm hồ sơ, kỹ năng xin việc để nâng tỷ lệ thành công kết nối việc làm.

Còn theo đánh giá của Tổ chức lao động Thế giới (ILO), khảo sát mới đây cho thấy, sinh viên mất gần 8 tháng mới tìm được việc làm ổn định, còn lao động có trình độ trung học phổ thông cần thời gian dài hơn–trung bình là 17,8 tháng. Khoảng 80% lao động trẻ làm công việc dễ bị tổn thương hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương.

Cải cách hệ thống dịch vụ việc làm

Bối cảnh hội nhập với những xu hướng thay đổi mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, áp lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tối ưu hóa tất cả các hoạt động. Những yếu tố này dẫn đến số lượng người lao động thất nghiệp sẽ gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật và đáp ứng kịp thời; hiệu quả kết nối cung - cầu lao động thấp. Do đó, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo tiền đề cho lao động trẻ có điều kiện khởi nghiệp và tiếp cận việc làm bền vững. 

Hiện nay, hệ thống giới thiệu việc làm còn tản mạn. Do đó, Bộ LĐTBXH sẽ cải tổ hệ thống sàn giao dịch việc làm để có sự gắn kết. “Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải bám vào thị trường lao động, xác định nhu cầu thị trường lao động từng ngành nghề, từng lĩnh vực trong thời gian ngắn hạn và dài hạn để định hướng cho sinh viên, thanh niên. Từ đó phân luồng cho học sinh từ phổ thông co sở.

Với phương châm “Khởi nghiệp và việc làm cho thanh niên là tiềm năng và động lực phát triển của đất nước”, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với UBND các cấp trong năm 2017 đổi mới giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên. 

Theo đó sẽ xác định, đánh giá nhu cầu của thị trường lao động, từ đó định hướng cho thanh niên, sinh viên tiếp cận thị trường lao động và dịch vụ xã hội. 

Bên cạnh đó, thanh niên với phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm sẽ là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các trường nghề đẩy mạnh giới thiệu và tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận những công nghệ mới, những ngành nghề mới để giảm tải số thanh niên thất nghiệp.

Bài và ảnh: Xuân Cường/ Tin tức