Thứ tư, 31/12/2008, 11h12

TCty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex JSC): Con đường trở thành Anh hùng

Trong những năm vừa qua, cái tên Vinaconex được mọi người biết đến như một thương hiệu xây dựng hàng đầu Việt Nam.
Mặc dù ban đầu thành lập chỉ mang tính chất tình thế, xuất phát điểm thấp, nhưng suốt 20 năm qua, Vinaconex đã nhanh chóng vươn lên, đi đầu trong nhiều lĩnh vực và ngày càng khẳng định vị thế của mình. 
Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà TCty vừa nhận được chính là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp lớn lao mà Vinaconex đã tạo ra cho xã hội.
Nhắc đến Vinaconex, người ta liên tưởng đến một thương hiệu hàng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam với những công trình to đẹp và hoành tráng vào bậc nhất nước. Nhưng ít ai biết rằng, để có được như ngày hôm nay, Vinaconex đã phải trải qua những tháng ngày khởi đầu đầy gian nan vất vả.
Gian nan khởi nghiệp
Cty Dịch vụ Xây dựng và XKLĐ (tiền thân của Vinaconex) ra đời vào ngày 27/9/1988 trong bối cảnh đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, mọi thứ đều trở nên khó khăn và thiếu thốn.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhớ lại: Lúc ra đời Vinaconex khổ lắm! Chẳng có cái gì trong tay, không vốn liếng, không tài sản. Lúc đầu chúng tôi chỉ có 6 người, xuất phát từ XKLĐ và quản lý hơn 13.000 lao động của Bộ Xây dựng ở nước ngoài. Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, lao động từ nước ngoài phải trở về trước thời hạn, công ăn việc làm trở nên thiếu hụt trầm trọng. Chúng tôi mượn được mấy gian nhà cấp 4 của Cty khác ở Hồ Tây để làm việc. Nói là làm việc nhưng đâu có việc gì để làm. Nhiều lúc thậm chí nhân viên, lao động phải đi dọn vệ sinh cho các cơ quan khác để kiếm tiền. Ai thuê cái gì làm cái đó, miễn là có tiền để nuôi nhau!  
Tháng 11/1995, khi cơn bĩ cực chưa kịp qua đi, Vinaconex có quyết định chính thức thành lập và được Bộ Xây dựng trao thêm một trọng trách hết sức nặng nề, đó là tiếp nhận một số DN khác về làm đơn vị thành viên. Các đơn vị này cũng đang trong tình trạng “ngắc ngoải” do thiếu việc làm, thiếu vốn cộng với thiết bị máy móc cũ kỹ lạc hậu do vừa kết thúc các dự án trọng điểm.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng lạ thay, càng khó khăn những người lao động Vinaconex lại càng đoàn kết, tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực quyết tâm vượt khó đi lên. Vinaconex đã chọn con đường cơ cấu lại DN, mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), liên doanh liên kết, tạo ra việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, từng bước đi lên.
Từ 1999 đến cuối năm 2005, TCty đã CPH 29 đơn vị thành viên, thành lập mới 16 Cty CP, 27 Cty liên doanh và trở thành đơn vị đầu tiên hoàn thành 100% công tác CPH. Do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác đổi mới và phát triển DN, Vinaconex đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm CPH toàn bộ TCty. Kể từ ngày 1/12/2006, Vinaconex chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần, đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình xây dựng và phát triển của mình. Và từ ngày 5/9/2008, cổ phiếu Vinaconex với mã chứng khoán VCG chính thức niêm yết trên sàn CK Hà Nội với khối lượng giao dịch chào sàn đạt mức lớn nhất thị trường.
Đột phá từ công nghệ
Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam - vị giám đốc đầu tiên và là người có công dẫn dắt Vinaconex có được như ngày hôm nay nhận xét: “Việc sắp xếp, đổi mới DN và đa dạng hoá SXKD đã tạo ra sự ổn định và tính hiệu quả cho Vinaconex. Nhưng một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên bước đột phá, là động lực thúc đẩy Vinaconex nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong làng xây dựng Việt Nam chính là việc đi tiên phong trong nghiên cứu, áp dụng KHKT, công nghệ mới, tiên tiến trong mọi lĩnh vực. Đây là khâu then chốt, đưa Vinaconex từ một kẻ đi sau nhưng lại luôn về đích sớm”.  

Vinaconex đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân:

- Hai Huân chương Độc Lập
- Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba
- Năm 2008, Vinaconex đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
- Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ liên tục trong 10 năm liền.
- Các Bằng khen của các bộ ngành, địa phương...

Vinaconex đã “trình làng” những sản phẩm bêtông dự ứng lực. Đây là sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các công trình xây dựng, là giải pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề nan giải đối với các kết cấu dầm yếu, cầu nhịp lớn, không gian rộng. Nhờ tính năng vượt trội như vậy nên bêtông dự ứng lực của Vinaconex đã được tặng Giải thưởng KHCN Nhà nước, đây cũng là giải thưởng về KHCN duy nhất đến nay trong lĩnh vực xây dựng. Những công trình tiêu biểu được tạo ra bởi công nghệ tiên tiến này phải kể đến là: khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, các cao ốc văn phòng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung tâm thể thao Mỹ Đình, sân vận động Việt Trì, khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tuyến băng tải đá vôi dài 6,8 km và băng tải ra biển dài 4 km của nhà máy xi măng Cẩm Phả... Việc thi công ống khói và silô của các nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, nhà máy trong khu CN có độ cao từ vài chục đến trên 100 m bằng công nghệ cốppha trượt cũng đã mở ra hướng đi mới và tạo tiền đề cho nghiên cứu, ứng dụng thành công phương pháp vừa nâng vừa trượt có tải trọng đến 300 tấn để trượt các silô xi măng. Đây là công nghệ thi công tiên tiến được áp dụng trong hầu hết các dự án xi măng của cả nước, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án xi măng quốc gia, làm lợi hàng trăm tỷ đồng.

Trong lĩnh vực GTVT, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, nên đến nay Vinaconex được biết đến như là nhà thầu có năng lực cạnh tranh cao. Các công trình tiêu biểu phải kể đến là: cầu Quý Cao, cầu đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc... Đặc biệt trụ và nhịp chính cầu Bãi Cháy được thi công với công nghệ hiện đại, trong đó 2 trụ cầu cao 135 m, nhịp chính dài 435 m, tĩnh không 50 m lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng và trở thành cây cầu dây văng một mặt phẳng dài nhất thế giới.

 Đối với thủy điện, tuy không phải là lĩnh vực truyền thống, nhưng Vinaconex đã liên tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới vào các dự án lớn trong cả nước. Tại các dự án này, công nghệ thi công đập và đặc biệt là thi công hầm dẫn nước đã được Vinaconex áp dụng thành công. Đó là hầm dẫn nước thủy điện Buôn Kuôp dài 10 km, đường kính rộng 7 m, lập kỷ lục về đường hầm thủy điện dài nhất Việt Nam, đường hầm dẫn nước nghiêng 25 độ của thủy điện Buôn Tua Shar...
Vinaconex cũng vừa thực hiện thành công phương pháp chia lô đấu thầu quốc tế dự án xi măng Cẩm Phả công suất 2,3 triệu tấn/năm. Nhờ áp dụng phương pháp này mà Vinaconex đã tiết kiệm được gần 30 triệu USD so với hình thức đấu thầu khác, đồng thời tạo thế chủ động đẩy nhanh tiến độ, góp phần nâng cao vị thế năng lực của DN.
Ngoài ra, Vinaconex còn ứng dụng tiến bộ KHKT trong việc đầu tư sản xuất đá ốp lát cao cấp XK, ống cốt sợi thủy tinh, kính an toàn, ống nhựa cao cấp để dẫn nước và khí trong các nhà cao tầng...
Xây giá trị, dựng ước mơ”
Nếu ai đó muốn biết tất cả những dự án lớn mà Vinaconex đã từng tham gia xây dựng từ trước tới nay, e rằng điều đó sẽ khó bởi ngay chính những người trong cuộc cũng không tài nào nhớ hết. Nhưng có một điều có thể khẳng định chắc chắn là trong số các công trình đó, có khá nhiều công trình nổi tiếng mà ai cũng biết. Đầu tiên phải kể đến là khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính, một khu đô thị văn minh hiện đại bậc nhất của cả nước, công trình biểu trưng cho cuộc sống sung túc, no đủ, khởi đầu cho kỷ nguyên sử dụng chung cư cao cấp của người dân Việt Nam, trong đó tòa nhà 34 tầng hiện vẫn được đánh giá là tòa nhà cao nhất Việt Nam.
 Đó là cầu Bãi Cháy đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, cây cầu biểu trưng cho sự lớn mạnh của đất nước trong giai đoạn hội nhập. Tiếp đến là nhà máy nước Sông Đà, nhà máy xi măng Cẩm Phả công suất lớn nhất Việt Nam, nhà máy xi măng Yên Bình. Tiếp đến phải kể tới đó là đường cao tốc Láng - Hòa Lạc rộng 121 m. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2010, con đường này sẽ hoàn thiện và trở thành con đường đẹp và rộng nhất Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Bắc Tổ quốc.
Sẽ thật là khiếm khuyết nếu không nói đến chuỗi trung tâm thuơng mại to đẹp và hoành tráng được đầu tư xây dựng khắp các đô thị lớn trong cả nước. Tiêu biểu là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền ở Hà Nội, một biểu tượng cho sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ đầu đổi mới, nơi dừng chân vui chơi, tham quan mua sắm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé thăm Thủ đô.
Và còn nhiều kỷ lục không kể hết được, nhưng có thể khẳng định một điều, đó chính là những công trình mang tầm vóc thế kỷ, những kỷ lục và ước mơ sống của người dân qua bao đời nay.
Trong thời gian tới Vinaconex sẽ khởi công và hoàn thành những dự án lớn như: khu du lịch sinh thái cao cấp Thảo Điền, khu đô thị Bắc An Khánh, thủy điện Ngòi Phát, khu đô thị du lịch Cát Giá - Cát Bà, và hàng loạt công trình mới và tầm cỡ. Đây sẽ là những kỷ lục và biểu tượng mới góp phần đưa Việt Nam chúng ta tiến cao, tiến xa hơn nữa trên bước đường hội nhập.
Ngày đầu thành lập (1988), Vinaconex chỉ với hai bàn tay trắng, không tài sản, không vốn liếng. Đến 31/12/2007, Vinaconex đã có số vốn chủ sở hữu lên đến 2.026 tỷ đồng, trong đó phần tích lũy tạo tăng vốn nhà nước là trên 1.300 tỷ đồng (chưa kể 813 tỷ đồng giá trị thặng dư do phát hành CP). Tổng tài sản của Vinaconex cũng đạt con số kỷ lục là hơn 22.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1.751 tỷ đồng và lợi nhuận đạt trên 1.816 tỷ đồng.
Năm 2008 mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, thắt chặt tín dụng… nhưng Vinaconex vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD đã đề ra:
- Tổng sản lượng đạt 14.000 tỷ đồng (tăng 2.600 tỷ so với năm 2007).
- Doanh thu đạt 9.400 tỷ đồng (tăng 2.400 tỷ so với năm 2007).
- Lợi nhuận đạt 525 tỷ đồng (tăng 49 tỷ so với năm 2007).
Tiến Dũng (dddn)