Thứ tư, 12/9/2012, 15h09

Thai phụ có nên đi máy bay?

BS khuyến cáo các thai phụ tốt nhất nên hạn chế đi máy bay

Trẻ sinh non thường bị suy dinh dưỡng, đồng thời dễ mắc bệnh hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ sinh non hay bị bệnh trầm cảm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sinh non, một  trong số đó là do người mẹ khi mang thai đã đi máy bay…
Máy bay biến thành… phòng sinh
Ngày 22-8-2012, chị Nedritz Masahud (32 tuổi, người Philippines) đang mang thai ở tuần thứ 28 đã cùng chồng di chuyển bằng máy bay từ Philippines đến Dubai. Khi máy bay đang bay, chị Nedritz Masahud bất ngờ chuyển dạ và sinh ra một bé trai chỉ nặng 1,2kg. Ngay sau đó, chuyến bay đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Hai mẹ con sản phụ nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ. Theo đó, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hai mẹ con chị Nedritz Masahud. Khi nhập viện, bé trai trong tình trạng suy hô hấp nặng. Người chồng của sản phụ còn có ý định thuê chuyên cơ đưa vợ và con về nước để điều trị. Tuy nhiên, các BS ở Bệnh viện Từ Dũ đã tư vấn và khuyên anh nên để vợ con lại đây điều trị vì nếu đưa về nước, trong quá trình di chuyển sẽ rất nguy hiểm cho đứa trẻ. Và người chồng đã đồng ý để Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc vợ con. Sau hơn 2 tuần điều trị, hiện sức khỏe của hai mẹ con chị Nedritz Masahud đã ổn định. Đặc biệt là bé trai đã không còn phải thở ôxy, da của bé đã hồng hào, bú tốt.
Trước đó, tại Việt Nam cũng đã xảy ra một trường hợp sinh con ngay trên máy bay. Vào khoảng 11 giờ 30 ngày 16-1-2011, chiếc máy bay của hãng Jetstar Pacific chuyến TP.HCM - Vinh đang ra đường băng chuẩn bị cất cánh thì buộc phải quay trở lại sân đỗ. Nguyên nhân là do trên chuyến bay có hành khách là bà bầu Nguyễn Thị Lập (SN 1983, Hà Tĩnh) kêu đau bụng và bắt đầu chuyển dạ. Khi máy bay đang trên đường quay trở lại sân đỗ thì chị Lập đã sinh một bé trai với sự hỗ trợ của tiếp viên và hành khách. Do sinh thiếu tháng nên bé trai chỉ nặng 2,5kg. Ngay sau đó, hai mẹ con chị Lập được chuyển đến phòng sinh, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chăm sóc.
Phải hỏi ý kiến BS khi đi máy bay
Thông thường từ lúc người mẹ mang thai đến khi sinh em bé là 9 tháng 10 ngày, tương đương với 40-41 tuần. Phần lớn các bé sẽ chào đời trong tuần thứ 40. Về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế có những em bé chào đời ở tuần thứ 38. Bé sinh ra trong tuần này không còn bị xếp vào diện sinh non. Các trường hợp sinh trước tuần thứ 38 đều là sinh non, đặc biệt là từ 32 tuần trở xuống. Ở tuần thứ 32, thai nhi chỉ nặng tối đa 2,2kg và dài 42cm. Nguy hiểm hơn, thời điểm này, phổi của thai nhi chưa sẵn sàng để trở thành một cá thể độc lập. Đó chính là lý do trẻ sinh non thường hay gặp các vấn đề về hô hấp, dễ bị nhiễm khuẩn và nhẹ cân…
Cụ thể như trường hợp của con chị Nedritz Masahud. Đúng ra phải còn từ 10-12 tuần nữa, bé mới chào đời nhưng do chào đời sớm nên bé chỉ nặng 1,2kg, bằng 1/3 trọng lượng của những trẻ sinh đủ tháng. Không chỉ vậy, bé còn bị suy hô hấp nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Từ hai trường hợp trên, BS. Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo: “Phụ nữ mang thai từ 30-32 tuần tuổi trở lên đã có thể chuyển dạ. Một số trường hợp thai nhỏ tuổi hơn cũng có thể chuyển dạ khi đi máy bay do thay đổi áp suất dẫn đến những cơn co bóp tử cung. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai nếu phải di chuyển bằng máy bay cần tham khảo ý kiến của BS để tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra”.
Theo đó, thai phụ nên đi khám thai trước khi đi máy bay. Có thể xin BS một số thuốc phòng chống ra máu hoặc co bóp tử cung để phòng sinh non trên máy bay. Nhưng tốt nhất, các thai phụ nên hạn chế đi máy bay…
Bài, ảnh: Hòa Anh