Thứ năm, 1/2/2018, 22h01

Thận trọng khi dùng đường bắp

Đường bắp từng được các nhà dinh dưỡng khuyến cáo dành cho người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường, không muốn tăng ký nhưng loại đường này không phải hoàn toàn đều có lợi cho sức khỏe.

Nên sử dụng đường ăn theo chỉ dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng. Ảnh: I.T

Lợi trước hại sau

Một lần được tham gia hội thảo tư vấn về sức khỏe do một tổ chức y tế và dinh dưỡng đăng cai, bà Lê Thị Bằng, ngụ ở Q.9 mới biết tới loại đường bắp. Theo giải thích của chuyên gia dinh dưỡng, loại đường này là kết quả của quá trình chế biến đường tinh luyện từ những trái bắp (ngô) tự nhiên nên có tên thường gọi là đường bắp (hay đường ngô) dạng lỏng. Nếu đường chúng ta đang sử dụng hàng ngày là đường sucrose được làm ra từ cây mía thì đường bắp là loại đường nhân tạo không chứa đường sucrose (được ghi trên nhãn là sugar-free) còn gọi là đường hóa học. Đúng như các chuyên gia tư vấn, đường hóa học alcohol có độ ngọt hơn đường kính, tổng hợp từ những chất có trong tự nhiên được dùng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm như bánh, nước ngọt, kẹo, thực phẩm đóng hộp, mứt và thạch, sản phẩm từ sữa và hàng loạt thức ăn và uống khác. Lợi thế của đường nhân tạo là không gây sâu răng, giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát đường huyết (vì không chứa carbohydrate). Một số nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng chừng mực thì loại đường này an toàn cho sức khỏe.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đường nhân tạo alcohol giúp kiểm soát cân nặng do chứa ít năng lượng so với đường tinh là 2kcal/g đường và có thể làm tăng đường huyết vì có chứa carbohydrate nhưng do cơ thể không hấp thu hoàn toàn loại đường này nên ít làm rối loạn đường huyết hơn đường tinh thông thường. Người bệnh đái tháo đường có thể dùng đường alcohol nhưng vẫn phải theo dõi toàn bộ mức carbohydrate trong các bữa ăn.

Bà Bằng khoe: “Đường bắp giá rẻ lắm, 1 ký chỉ 10.000 đồng, đường có dạng lỏng như nước nên dễ tan hơn đường mía. Nhờ xài loại đường này mà tôi không còn tăng ký và bệnh tiểu đường cũng không còn nặng như trước”. Tuy nhiên gần đây theo lời khuyên của mấy đứa con trong gia đình, bà lại đang lo lắng vì quá lạm dụng loại đường không rõ nguồn gốc này.

BS Trần Anh Tường - Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV Ung bướu TP.HCM) trao đổi, mặc dù các chất tạo ngọt nhân tạo và các loại đường thay thế có thể giúp kiểm soát cân nặng nhưng không phải vì thế mà chúng ta dùng thoải mái mà tốt nhất là sử dụng ở mức độ vừa phải. Theo BS Tường, thực phẩm được tiếp thị là sugar-free không có nghĩa là hoàn toàn không có calorie. Sử dụng quá nhiều thực phẩm sugar-free, chúng ta có thể vẫn tăng cân nếu các thành phần khác trong sản phẩm có chứa năng lượng. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa các loại đường thay thế, hầu như không mang đến lợi ích cho sức khỏe bằng các loại thực phẩm tự nhiên như rau và trái cây.

Đường bắp áp đảo đường mía tinh luyện

Điều đáng nói và lo ngại hơn là loại đường này lại được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều ngõ ngách khác nhau mà chủ yếu từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Lào và nhất là Trung Quốc. Theo các bạn hàng kinh doanh tại Q.Tân Bình, đường bắp có giá rẻ chỉ 10.000 đồng/1 kg. Tuy nhiên muốn mua nhiều phải đặt hàng trước 1 tuần lễ, đại lý sẽ cho xe chở đến tận các nơi kinh doanh buôn bán lẻ. Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho biết: “Loại đường này của Trung Quốc có thể thay thế đường trắng nhập khẩu là bởi nhu cầu của các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, nước ngọt. Xu hướng các doanh nghiệp sử dụng loại đường này ngày càng nhiều vì nó có độ ngọt cao hơn và giá lại rẻ hơn”.

Điều lo ngại hơn là hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh nước ngọt, nước giải khát, bánh kẹo đang lạm dụng đường bắp vì giá thành rẻ nên chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu công tác hậu kiểm đối với các doanh nghiệp sản xuất lơ là thì rõ ràng chất lượng các loại sản phẩm được “phôi thai” từ đường bắp khó đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nếu không nói là có nguy cơ độc hại ở dạng tiềm ẩn.

Theo bà Châu, hiện giá đường trắng trong nước đang ở mức 14.000 đến 18.000 đồng/kg, trong khi đường bắp có giá rẻ hơn, chỉ khoảng 12.000 đồng/kg nhưng độ ngọt cao hơn đường trắng 1,1-1,3 lần. Đó chính là lý do các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước ngọt chọn đường bắp thay thế cho đường trắng.

Loại đường này khi vào Việt Nam lại không bị đánh thuế nhập khẩu. “Đường bắp Trung Quốc nhập vào Việt Nam đang được hưởng mức thuế ưu đãi, trong khi đường trắng nhập khẩu nằm trong hạn ngạch phải chịu mức thuế 5%”, bà Châu cho biết. Các nhà kinh tế cảnh báo, nếu nhập khẩu tràn lan thì loại “đường nước” này sẽ bóp chết ngành sản xuất đường và người nông dân trồng mía đang chịu thiệt hại từ nhiều phía như hiện nay. 

Một câu hỏi được đặt ra, ngoài việc tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt về sản xuất đường nội địa thì điều người tiêu dùng vẫn đang lo lắng chính là loại đường này ít nhiều có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hùng Thắng - Giám đốc Công ty Tư vấn sức khỏe dinh dưỡng Toàn Thắng cảnh báo: “Một số thông tin cho rằng, đường chiết xuất từ bắp theo phương pháp thủy phân cùng với các chất hóa học có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Loại bắp dùng để chiết xuất thành đường lỏng là bắp biến đổi gen nên càng phải cẩn trọng và kiểm nghiệm kỹ loại sản phẩm này. Nói về sản phẩm đường bắp có nguồn gốc từ nước ngoài, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay: “Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại của đường chiết xuất từ bắp bằng phương pháp thủy phân nên các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này. Điều đó vừa tạo an toàn cho người sử dụng vừa giúp các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh”.

Phương Đăng