Chủ nhật, 8/11/2015, 09h13

Thành công - phải có năng lực và đam mê

Tuần qua, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - sáng tương lai”do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tiếp tục diễn ra tại Trường THCS-THPT Hoa Sen (TP.HCM). Khác với những đơn vị trước chỉ có học sinh lớp 12, tại Trường THCS-THPT Hoa Sen có sự tham dự của học sinh các khối 9, 10, 11, 12.

Nhiều cách để phát hiện năng lực bản thân

Tự nhận là học sinh tiêu biểu và dễ thương của lớp 12A2, em Dương Quốc Anh thắc mắc: “Làm thế nào để phát hiện và phát huy được năng lực của bản thân khi lựa chọn nghề nghiệp?”. Câu hỏi này lập tức nhận được sự đồng tình của rất nhiều học sinh bởi đây là vấn đề được các em quan tâm nhất hiện nay. Trả lời câu hỏi này, ThS. Đào Lê Hòa An (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) khẳng định có rất nhiều cách để phát hiện ra năng lực của bản thân. ThS. Hòa An cho biết: “Em có thể tự suy nghĩ và đánh giá năng lực của bản thân, xem mình có điểm mạnh nào, có khả năng gì... Sau khi làm qua bước này, em có thể xác nhận lại một lần nữa bằng cách thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 15-20 người gần gũi mình nhất để xem họ đánh giá như thế nào về kỹ năng, kiến thức, tính cách nổi trội mà em có. Ngoài ra, em cũng có thể lên mạng, tìm các trắc nghiệm MBTI (Myers-Briggs Type Indication), đó là những câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để xác định tính cách của con người, từ đó đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Và khi đã phát hiện ra mình có những khả năng gì thì các em cần phải tiếp tục rèn luyện khả năng đó, không để nó mất đi”.

ThS. Đào Lê Hòa An đang phân tích về các phương pháp phát hiện ra năng lực bản thân

Em Nguyễn Hồng Phương (học lớp 12A2) hỏi: “Có phải ngành tâm lý nếu không giỏi thì sẽ… khó sống được với nghề?”. Với câu hỏi này, ThS. Hòa An cho biết không riêng gì ngành tâm lý, tất cả các ngành nghề nếu muốn thành công, muốn bước tới đỉnh cao đều cần phải có năng lực và đam mê. ThS. Đào Lê Hòa An đã chia sẻ về một trong những tình huống rất “oái oăm” mà mình gặp phải gần đây nhất: Tôi từng nhận được cuộc điện thoại lúc… 2 giờ sáng của một bạn nữ ở tuổi teen đang trong tình trạng chán nản đến mức muốn tự tử vì mới chia tay người yêu. Bằng những kỹ năng nghề nghiệp, tôi bình tĩnh thuyết phục, kịp thời ngăn chặn ý định tự tử của bạn nữ đó. “Đối với ngành tâm lý, các em không nên nghĩ rằng vẻ hào nhoáng bề ngoài có thể giúp họ đứng trước nhiều người chia sẻ các vấn đề về tâm lý. Trên thực tế, một người làm ngành tâm lý luôn gặp phải những tình huống khó khăn, những góc khuất nghề nghiệp mà không phải ai cũng biết. Nếu muốn theo đuổi ngành tâm lý, em cần phải có kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chia sẻ, nói năng lưu loát, đồng thời phải có sự nhạy cảm để kịp thời xử lý các tình huống”, ThS. Hòa An nói.

Không “đua” theo bằng cấp

Khi đã phát hiện ra mình có những khả năng gì thì các em cần phải tiếp tục rèn luyện khả năng đó, không để nó mất đi.

Quan tâm tới công việc thiết kế các sản phẩm thuộc lĩnh vực truyền thông, nhưng em Đặng Quốc Trung (học lớp 12A8) lại “ngại” thi vào các trường ĐH có khối ngành mỹ thuật - kiến trúc. Quốc Trung cho biết: “Em chỉ muốn học chuyên về các hoạt động quảng cáo, thiết kế in ấn, đồ họa 2D, 3D…, trong khi các trường ĐH có đào tạo lĩnh vực này lại có đầu vào rất gắt gao, khối lượng môn học nhiều nên em sợ mình không thi và theo nổi. Em nghe nói ngành công nghệ truyền thông đa phương tiện (Multimedia) không yêu cầu về bằng cấp, liệu có đúng không? Nhu cầu nhân lực của ngành này ra sao?”. Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Tâm (Phó giám đốc Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) cho hay: Ngành công nghệ truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam hiện đang bắt đầu phát triển và được nhiều người quan tâm. Đây là ngành học hội tụ được những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, đem lại nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt là không yêu cầu nhiều về bằng cấp, quan trọng là bạn chứng tỏ được bản thân mình bằng hiệu quả công việc. Các chuyên ngành thiết yếu của công nghệ đa phương tiện như: Đồ họa, quảng cáo, in ấn, thiết kế website, truyền thông tương tác, hoạt hình, đồ họa 3D, trang trí nội thất, thiết kế games… đã đáp ứng các yêu cầu đa dạng thuộc mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp và các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn chuyên nghiệp. Để theo đuổi ngành này, bạn cần có niềm đam mê về công nghệ và nghệ thuật cũng như có khao khát làm ra những sản phẩm đa phương tiện chất lượng cao cho xã hội. Sau khi tốt nghiệp người học có thể hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo đa phương tiện ở các vị trí: Thiết kế đồ họa 2D/3D, thiết kế hoạt hình, thiết kế games, thiết kế/phát triển web, thiết kế sản phẩm R&D, thiết kế giao diện, sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số… Hoặc nếu muốn, bạn có thể học tiếp lên trình độ cao hơn ở nước ngoài.

“Hiện nay, cùng với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp muốn đẩy mạnh quảng cáo để bán hàng, do đó công nghệ truyền thông đa phương tiện luôn là ngành nằm trong top những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Thậm chí, nhiều bạn đã có thể tìm được việc, được doanh nghiệp mời về làm việc khi còn là sinh viên”, ông Tâm khẳng định.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Học sinh sẽ mạnh dạn hơn khi lựa chọn ngành nghề

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cảnh (Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hoa Sen) cho biết: “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai’ là chương trình hướng nghiệp đầu tiên được trường phối hợp tổ chức trong năm nay. Các em học sinh đang trong quá trình tìm hiểu bản thân để lựa chọn bước đi phù hợp nên những thông tin được Ban tư vấn cung cấp rất thiết thực cho các em. Tôi tin rằng, sau buổi tư vấn, các em sẽ mạnh dạn hơn khi lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình”.