Thứ năm, 12/1/2017, 21h48

Thành công với dạy học dự án

Là Tổ trưởng bộ môn ngữ văn, cùng với các đồng nghiệp của mình, những năm gần đây cô Đoàn Thị Hải Lý đã triển khai thành công chương trình dạy học dự án trong Tổ ngữ văn của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).

Cô Đoàn Thị Hải Lý (giữa) mời con trai nhà thơ Quang Dũng đến giao lưu với học sinh trong dự án thơ Quang Dũng

Cô Hải Lý xác định, dạy học dự án là phương pháp học tập trong đó người học hoàn toàn chủ động tham gia hoạt động dưới sự hướng dẫn của người dạy, nhằm tạo ra một sản phẩm hay vận dụng các kiến thức đã học để tìm hiểu, thực hành nghiên cứu một vấn đề trong học tập hay giải quyết một vấn đề trong cuộc sống.

Đánh thức cảm hứng văn chương

Theo cô Hải Lý, dạy học dự án là làn gió mới làm thay đổi không khí trong các giờ học môn ngữ văn. Chính vì vậy, nhiều dự án văn học đã đi vào chương trình dạy của cả tổ. Khác với một số trường, dự án văn học đưa ra của tổ phù hợp với các yêu cầu của học sinh chuyên văn vì vừa mở rộng kiến thức vừa đánh thức đam mê văn chương cho người học. Ở mỗi lớp, cô Hải Lý cùng tổ ngữ văn lựa chọn các dự án phù hợp với năng lực và đam mê của đối tượng, chứ không phải “phủ sóng” tràn lan. Mỗi dự án lại được chia thành nhiều dự án nhỏ để từng học sinh có thể lựa chọn tham gia theo năng lực và sở thích. Khi thực hiện, giáo viên đều tìm cách cho các em gặp gỡ người thật, việc thật là những người thân của các nhà văn, nhà thơ. Như dự án về thơ Xuân Quỳnh không chỉ giúp học sinh khối 12 học tốt bài Sóng mà còn làm cho tâm hồn văn chương được “tỉnh giấc”. Hay câu chuyện Chiếc thuyền ngoài xa trong dự án Nguyễn Minh Châu là cơ hội thuận lợi để tiếp xúc văn bản khi được các em đưa lên sân khấu với hình hài khác. Cũng nằm trong chương trình giảng dạy, dự án thơ Quang Dũng lại là một nét chấm phá riêng về vẻ đẹp hào hoa của những vần thơ người lính trong đoàn quân Tây Tiến thời gian khó nhưng oai hùng.

Các dự án hấp dẫn không chỉ thay lời muốn nói cho những tiết học đơn điệu, khô khan mà còn chắp cánh cho những năng lực văn chương chưa có cơ hội tỏa sáng. Không còn những bài học thuộc lòng vô nghĩa theo kiểu từ chương mà thay vào đó là một không gian thực sự văn học để tâm hồn được khơi gợi và đốt cháy.

Cánh cửa mở ra nhiều dự án

Chia sẻ về sự khởi nguồn, cô Hải Lý bộc bạch: “Bắt đầu từ năm học 2010-2011, tôi sớm nhận ra năng lực của học sinh lớp mình phụ trách từ các buổi sinh hoạt lớp. Các em có khả năng tổ chức hoạt động rất tốt, một số em hát hay và rất nhiều học sinh có khả năng sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, nhiều em có năng lực cảm thụ văn học tốt…”. Để thực hiện dạy học dự án, cô Hải Lý giới thiệu thêm tài liệu để học sinh tham khảo, hướng dẫn các em làm quen với chương trình dạy học dự án, và cho các em được lựa chọn những dự án nhỏ phù hợp với khả năng. Tùy vào năng lực mà mỗi cá nhân tự nguyện đăng kí tham gia dự án nhỏ. Ví dụ, học sinh có giọng đọc tốt, thì cho lên sân khấu ngâm thơ, học sinh nào có năng lực cảm thụ văn học tốt thì đăng kí viết lời bình, cảm nhận về thơ của các tác giả… Chưa dừng lại ở đó, tổ ngữ văn còn bắt tay với các tổ bộ môn khác để thiết kế thêm các dự án dạy mới. Đó là “Dự án biển đảo” hoành tráng đa sắc màu giúp các em học sinh vừa được bổ sung kiến thức trong sách vở vừa có thêm kiến thức thực tiễn. Đây cũng là cách phát huy thế mạnh tổng hợp của 3 bộ môn ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân.

Các dự án dạy học của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất sát với yêu cầu chuyên môn, không chỉ dừng lại ở mức độ ngoại khóa thông thường mà thật sự chuyên sâu theo nghiệp vụ.

Theo đánh giá chung, các dự án dạy học của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất sát với yêu cầu chuyên môn, không chỉ dừng lại ở mức độ ngoại khóa thông thường mà thật sự chuyên sâu theo nghiệp vụ. Cô Hải Lý tâm sự: “Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy không chỉ với môn ngữ văn, dạy học bằng dự án là hướng dạy học tích cực ở trường phổ thông. Việc dạy học bằng dự án đem đến nhiều hiệu quả và ý nghĩa trong phương pháp dạy học, cũng là hướng dạy học phù hợp với đối tượng học sinh chuyên ở trường Trần Đại Nghĩa”. Khi được hỏi về các “đối tác” trên bục giảng của mình, cô Hải Lý bộc bạch: “Học sinh trường Trần Đại Nghĩa có nhiều thế mạnh về học tập, nhất là ngoại ngữ và một số môn khoa học tự nhiên. Hầu hết các em có khả năng thuyết trình tốt, tiếp thu kiến thức nhanh”. Tuy nhiên, theo cô, đối với bộ môn ngữ văn hầu hết các em chưa thực sự đam mê, chưa say với văn chương như thế hệ của mình. Môn học này dù được quan tâm nhưng cũng không có nhiều cơ hội bằng các môn khác. Tuy nhiên, với phương pháp dạy học theo dự án, cô đã cố gắng góp một làn gió mới giúp các em có thêm sinh khí học tập và đánh thức các tâm hồn văn chương chưa đủ đam mê.

Năm học này, dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng chúng tôi biết cô Hải Lý đang ấp ủ thêm một dự án liên môn ngữ văn - lịch sử - nhạc về chủ đề Tây Nguyên. Chắc chắn những bài học trên lớp và cả những bài học không có trên bục giảng của cô sẽ giúp các em học sinh thêm yêu, đam mê bộ môn khoa học về con người để hướng tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Phan Ngọc Quang