Thứ năm, 12/1/2017, 21h26

Thanh toán BHYT: Gặp khó do vướng thông tư

18% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), mệnh giá BHYT còn thấp, còn hiện tượng chênh lệch dịch vụ BHYT giữa các vùng miền… Đó là những khó khăn mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2017 tổ chức chiều 12-1. Hội nghị diễn ra tại 700 điểm cầu với sự tham gia của hơn 12.000 cán bộ y tế...

Người dân tới Bệnh viện Q.Thủ Đức làm thủ tục khám chữa bệnh

Khó mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: “Số người tham gia BHYT là 78,5 triệu, tương đương với 81,7% dân số, vượt chỉ tiêu đề ra 2,8%, so với năm trước tăng 4,3%. Còn hai địa phương có số người tham gia BHYT còn thấp (dưới 70%) là Bình Thuận và Kiên Giang”.

Mặc dù số người tham gia BHYT ngày càng tăng, nhưng theo Bộ Y tế việc mở rộng đối tượng còn lại rất khó khăn. Báo cáo cho thấy, năm 2016, vẫn còn khoảng 18% người dân chưa tham gia BHYT, chủ yếu là người cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận: “Đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp, tỷ lệ chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại xã mới đạt khoảng 3-4% tổng chi KCB BHYT, nếu tính cả tuyến huyện mới đạt tỷ trọng 32%, trong khi tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB BHYT của tuyến huyện và xã là 72%”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả ngành y tế đã đạt được trong thời gian qua. “Năm qua, thiên tai, nhân tai xảy ra nặng nề nhưng các chỉ tiêu quan trọng của đất nước cơ bản đã hoàn thành. Vấn đề này có sự đóng góp trực tiếp của ngành y tế. Ngành y tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện, thực hiện tốt chức năng của ngành và không ngừng nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn những kết quả năm 2016 của ngành y tế, Thủ tướng cho rằng ngành đã làm tốt công tác y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh; Thực hiện đồng bộ giải pháp giảm quá tải BV và nâng cao dịch vụ KCB; công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm có tiến bộ, tăng cường kiểm tra xử lý sai phạm, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm giảm… Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra một số tồn tại như: Tình trạng quá tải trong BV vẫn chưa được khắc phục căn bản; Quản trị BV còn bất cập nên để xảy ra một số sự việc không đáng có; Cải cách thủ tục hành chính trong KCB chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, còn tồn tại bệnh nhân và người nhà xếp hàng rồng rắn…

Ngoài khó khăn này, tư lệnh ngành y tế cũng nêu lên một số hạn chế khác, đặc biệt là tình trạng quá tải ở bệnh viện (BV). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng quá tải ở một số BV Trung ương và tuyến cuối đã bước đầu được cải thiện nhưng chưa bền vững do năng lực, chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện căn bản, nhiều cơ sở tuyến huyện còn dưới tải; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…

TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư nhất cả nước, BV quá tải là chuyện bình thường nhưng năm qua ngành y tế đã quyết liệt thực hiện giảm tải, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Thời gian qua TP.HCM đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực để nâng cao chất lượng BV, xây dựng các chương trình giảm tải BV như chỉ đạo Sở Y tế tăng cường thực hiện hợp tác KCB giữa các BV công và tư, thực hiện 14 dự án đầu tư nâng cấp BV với tổng số vốn hơn 13.000 tỷ đồng, lập quỹ KCB cho người nghèo…”.

Thủ tục còn nhiêu khê

Nói về thanh toán BHYT, sáng 12-1, các đại biểu đã có nhiều góp ý về việc sửa đổi thông tư để thực hiện hiệu quả hơn qua Hội nghị trực tuyến Góp ý sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực KCB.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Tiến tới lộ trình tính đúng, tính đủ dịch vụ y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư thực hiện chủ trương này. Chẳng hạn như khi Thông tư liên tịch 37 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành quy định thanh toán các danh mục BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc cho thấy đã đáp ứng chi phí cho các BV, chất lượng KCB tăng”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn cho rằng một số danh mục tại thông tư này so với Thông tư 43 ban hành trước đó của Bộ Y tế không đồng nhất, có danh mục thông tư này có nhưng thông tư kia lại không có khiến việc thanh toán BHYT gặp khó khăn. Từ những vấn đề này Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thủ tục thanh toán BHYT còn khó khăn, nhiêu khê.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế đề xuất: “Căn cứ thông tư, các BV xây dựng danh mục kỹ thuật KCB để trình bảo hiểm thanh toán. Tuy nhiên, chúng ta cần góp ý sửa đổi Thông tư 43 để BV thanh toán BHYT dễ dàng hơn”.

Ngoài ra, bà Kim Tiến cũng thẳng thắn: “Những quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở KCB đã cổ hủ”. Bà Tiến cho rằng, nếu BV hạng 3, 4 mà có bác sĩ giỏi thì không có lý do gì lại không cho BV phát triển, thực hiện các kỹ thuật cao như những BV tuyến trên. Chúng ta phải tạo điều kiện cho tất cả các BV, BV nào thực hiện được kỹ thuật nào thì thanh toán theo kỹ thuật đó, không nên ràng buộc theo kiểu phân hạng BV.

Dương Bình