Thứ năm, 6/9/2012, 10h09

Thắp niềm tin cho trẻ khiếm thị

Một giờ thực hành của cô và trò Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu

Để những đứa trẻ khiếm thị có thể đi đứng, tự chăm sóc bản thân hoặc làm được những công việc đơn giản hằng ngày, các giáo viên (GV) đã phải tốn không ít thời gian, công sức mới mong giúp được các em trở thành người bình thường.
Những đứa trẻ đặc biệt
-Con mấy tuổi rồi?
-Ạ! On í ổi (Dạ! Con chín tuổi)
Nếu không có lời “phiên dịch” của GV chăm sóc, người ngoài chắc sẽ chẳng thể nào hiểu nổi em bé đang nói gì. Em là Nguyễn Thị Thanh Hiếu, 9 tuổi, hiện đang là học sinh (HS) lớp 1. Lúc sinh ra, Hiếu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng rồi cơn sốt năm 2 tuổi đã khiến cho mắt của em bị mù, chân cong, hai bàn tay co cứng không thể cầm nắm được vật gì. Không chỉ thế, Hiếu còn bị bại não dẫn đến tật nói ngọng, mọi âm thanh em phát ra đều rất khó nghe nếu người nghe không tinh ý và thiếu sự kiên nhẫn. Và để có thể hiểu được “ngôn ngữ riêng” của Hiếu, các GV ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phải tập nghe từng chữ, nhìn các cử động từ cơ miệng em phát ra, dạy nói những câu thật ngắn gọn và dễ hiểu.
Lâu nay, khi nhắc tới người khiếm thị, người ta chỉ hình dung rằng đó là những người có vấn đề về mắt, không thể nhìn hoặc nhìn được rất ít về thế giới xung quanh. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, bên cạnh các vấn đề về mắt, trẻ khiếm thị còn mắc thêm các tật về vận động, nhận thức, thính giác, thậm chí là cả chứng bệnh tự kỷ. Không năm học nào, các thầy cô ở đây lại không tiếp nhận những trẻ mà đến cả những người thân trong gia đình đều cho là “bất trị”. Bé Trọng Tấn, 11 tuổi, có vấn đề về nhận thức nên vẫn lẹt đẹt 3 năm lớp 1. Khó khăn lắm, các cô mới dạy cho em biết đọc chữ nổi Braille. Nhưng Tấn sẽ chỉ đọc mãi một dòng chữ phía trên nếu GV hướng dẫn không dịch chuyển tay em xuống đọc tiếp dòng chữ phía dưới. Không mắc vấn đề về nhận thức nhưng Đại Dương, 13 tuổi lại bị chứng suy giảm cả thính giác lẫn thị giác. Ban đầu, em có thể đọc được chữ in bình thường trên sách, có thể nghe nếu sử dụng máy trợ thính. Nhưng theo thời gian, chút khả năng nghe, đọc ít ỏi bị yếu dần, thậm chí đang có nguy cơ biến mất. Những dòng chữ nhảy múa trước mắt Dương cũng dần được thay thế bằng những nét chữ với các ký hiệu dấu chấm nổi. Hiện tại, tuy có thể nghe được lời GV nói nếu được ngồi bên cạnh nhưng chẳng bao lâu nữa, em sẽ phải làm quen với cách ra dấu hiệu dành cho những người khiếm thính. Tuy nhiên, khác với những người khiếm thính bình thường có thể dùng mắt để nhìn, những ai muốn “nói chuyện” với Dương buộc phải dùng tay của chính em để diễn tả điều mình muốn nói.
Hiếu, Tấn, Dương chỉ là ba trong số rất nhiều đứa trẻ khiếm thị đa tật tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, vừa dạy dỗ, vừa chăm sóc một đứa trẻ khiếm thị lại đa tật càng khó gấp nhiều lần. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những HS học theo chương trình tiểu học của bộ không được ở lại lớp quá 1 năm. Nhưng bà Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đăc biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, trẻ khiếm thị có thể sẽ phải mất từ 2-3 năm/ lớp nếu gặp vấn đề về nhận thức. Thậm chí, một số em tuy được xét lên lớp 2 nhưng nhận thức không bằng HS lớp 1. “Với những đứa trẻ thuộc diện này, chúng tôi không kỳ vọng có thể dạy các em đọc viết, tính toán thành thạo như yêu cầu của chương trình mà chỉ cố gắng để các em có thể tự phục vụ được những nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho cá nhân mình”, bà Vân khẳng định.
Học cách thích nghi

Các em khiếm thị trong một buổi trải nghiệm cuộc sống

Tuy là GV dạy trẻ khuyết tật nhưng GV tại Trường Phổ thông đăc biệt Nguyễn Đình Chiểu rất ít người có “gốc gác” từ khoa giáo dục đặc biệt, vốn là nơi đào tạo GV dạy trẻ khuyết tật. Họ đa phần đều là những GV từng theo học ngành mầm non, giáo dục tiểu học thuộc Trường CĐ Sư phạm TP.HCM trước đây. Vì thế, để có thể dạy trẻ khiếm thị, họ phải dành rất nhiều thời gian để tự học, không ngừng đổi mới phương pháp trong giảng dạy. Cũng là GV nhưng họ phải đảm trách cả việc chăm sóc, dạy dỗ, hiểu tâm lý của từng đứa trẻ để dạy chúng nên người. Cá biệt có thầy Nguyễn Phi Hùng từng theo học ngành kỹ thuật công nghiệp của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ban đầu về trường chỉ với ý định lập một xưởng in chữ nổi giúp cho trẻ khiếm thị, nhưng 24 năm qua thầy gắn bó cùng ngôi trường này với nhiệm vụ chẳng liên quan tới chuyên ngành được học: Dạy định hướng. Công việc luôn đòi hỏi trẻ phải “căng” hết mọi giác quan để có thể đi đứng, phân biệt trên dưới, trái phải, xác định được những vật cản gây nguy hiểm trong quá trình di chuyển, nhưng khó khăn nhất vẫn là dạy trẻ di chuyển trên đường phố. Những lúc như vậy đòi hỏi GV hướng dẫn phải có sự nhanh nhạy bởi với địa bàn có mật độ giao thông dày đặc như TP.HCM, trẻ có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Có lần, thầy Hùng hướng dẫn một HS đi qua ngã tư Nguyễn Duy Dương - Nguyễn Chí Thanh, một chiếc ô tô màu đen lao vút qua khi đèn giao thông vừa hết tín hiệu dừng. Nhanh như cắt, thầy lao về phía trước che chắn cho HS, sự nguy hiểm chỉ cách thầy trò trong gang tấc. “Điều đáng buồn là nhiều người đi đường còn chưa có ý thức nhường đường cho người khiếm thị mà thường cố tình chạy lách qua. Đó là lý do khiến không ít lần trẻ bị cán gãy cây chỉ đường hoặc thọc gậy vào bánh xe người khác” thầy Hùng tâm sự. Cũng như thầy Hùng, cô Nguyễn Thị Thu Sương, từng theo học ngành sư phạm mầm non được phân công phụ trách dạy kỹ năng sống cho trẻ. Với một đứa trẻ bình thường, chúng có thể bắt chước những công việc người khác làm nhưng trẻ khiếm thị thì buộc các GV phải cầm tay chỉ việc và vận dụng hết tất cả các giác quan còn lại để cảm nhận và học hỏi. Ngoài dạy trẻ cách tự chăm sóc cá nhân, cô còn hướng dẫn trẻ làm những công việc đơn giản hằng ngày như ủi quần áo, may vá, nấu ăn… “Vì không thể nhìn thấy nên những tai nạn nhỏ như đập trứng gà bị rớt ra ngoài, cầm dao cắt rau bị đứt tay hay bị điện giật lúc ủi quần áo khi thực hành ở nhà là điều khó tránh khỏi. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy thương các em vô hạn”.
Việc dạy trẻ biết chữ, biết tính toán cũng là một quá trình gian nan đòi hỏi sự kiên trì của các GV dạy mầm non, tiểu học, nhất là với những trẻ có vấn đề về nhận thức. 15 năm dạy học, cô Phạm Thị Thu Vân đã chứng kiến không ít những câu chuyện dở khóc dở cười với những đứa trẻ thuộc diện này. Chuyện các em đánh nhau, phá phách, viết ngược, học chữ quên trước quên sau hay chỉ thích học toán mà không thích học chữ là điều không chỉ xảy ra một hai ngày trong lớp học. Những lúc như thế, các cô phải tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, giúp trẻ sử dụng tối đa các chức năng còn lại để kích thích việc học hành, giúp trẻ phát triển tư duy và khả năng sáng tạo như những trẻ bình thường khác. Đổi lại, họ nhận được rất nhiều tình cảm từ học trò: Là những cánh thiệp tự tay các em làm với lời chúc giản dị; là ly nước tự tay các em đi lấy hay chỉ đơn giản là cái cầm tay cùng câu nói “Da cô hôm nay nhăn nheo quá!”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để họ thấy ấm áp lắm rồi…
Bài, ảnh: Ngọc Anh