Thứ năm, 1/2/2018, 21h45

Thất nghiệp do năng lực hạn chế

Đây là nhìn nhận của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Sương Nguyệt Anh (Q.10) vừa qua.

Một học sinh nam đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Tại chương trình, nhiều học sinh chia sẻ rất thích học ngành du lịch nhưng ngại không có sức khỏe để đi nhiều. Đặc biệt, các em hỏi: “Để trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế cần những điều kiện gì?”. ThS. Nguyễn Văn Định (đại diện Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) cho rằng không nhất thiết học du lịch là phải đi nhiều. Ngành du lịch có 3 nhóm dịch vụ, gồm: dịch vụ cơ bản (nhà hàng, khách sạn); dịch vụ bổ sung (du lịch, giải trí…) và dịch vụ đặc trưng (hướng dẫn viên…). Để trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải tốt nghiệp CĐ chuyên ngành và có chứng chỉ hướng dẫn viên quốc tế bên cạnh vốn ngoại ngữ. “Du lịch là trải nghiệm và kinh nghiệm có được sự trải nghiệm lúc còn ngồi trên giảng đường. Nếu chọn được nghề phù hợp và sống với đam mê thì các em sẽ thành công”, ông Định nhắn nhủ.

Tương tự, nhóm học sinh lớp 11A2 hỏi: “Ngành truyền thông đa phương tiện phải học những gì và cơ hội việc làm như thế nào?”. TS. Lê Mạnh Hải (Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Hùng Vương) giải thích: “Truyền thông đa phương tiện là chuyên ngành của ngành công nghệ thông tin. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở nhiều lĩnh vực như lập trình game, phát thanh, truyền hình, quảng cáo… Đây là những ngành học mũi nhọn hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Số tín chỉ đào tạo ngành này là 120 (650.000 đồng/tín chỉ, tức khoảng 20 triệu đồng/năm)”. Một học sinh nam băn khoăn: “Ngành khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm khác nhau như thế nào?”. TS. Lê Mạnh Hải trả lời: “Ngành kỹ thuật phần mềm là chuyên ngành khá hẹp của ngành công nghệ thông tin, đào tạo chuyên sâu về lập trình. Ngành khoa học máy tính thì rộng hơn, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, lập trình web, lập trình di động…”. Trong khi đó, em Ngô Triệu Kim Yến (lớp 12A3) lo lắng: “Hiện có quá nhiều người học ngành quản trị kinh doanh trong khi lao động ngành này đang bị bão hòa, ra trường sẽ thất nghiệp”. Với vấn đề này, ThS. Nguyễn Văn Nhật (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) thừa nhận nhân lực ngành quản trị kinh doanh những năm gần đây có chững lại và thực tế số người thất nghiệp còn hạn chế về năng lực, kỹ năng... Trong quản trị kinh doanh có những chuyên ngành hẹp như quản trị kinh doanh tổng hợp, marketing, kinh doanh online… “Vì thế ngay từ bây giờ các em phải xác định sở trường của mình để chọn hướng đi phù hợp”, ông Nhật khuyên. Ông Nhật cũng cho biết, tại Trường ĐH Ngân hàng những năm gần đây hơn 90% sinh viên tốt nghiệp có vị trí và công việc phù hợp, trong số đó có không ít trở thành giảng viên ngành quản trị kinh doanh.

Giải đáp thắc mắc của học sinh về chính sách học bổng của trường, bà Lê Hồng Ngọc (đại diện Trường ĐH FPT) khẳng định sinh viên có thể “săn” học bổng dễ dàng từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng ở các nội dung: văn nghệ, thể thao và các ngành truyền thông đa phương tiện, du lịch, quản trị… Ngoài ra, trường còn có học bổng Nguyễn Văn Đạo với mức 30%, 50% và 100% + dành cho sinh viên có điểm cao đầu vào. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Khôi (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cũng cung cấp nhiều thông tin cần thiết về nhóm ngành sức khỏe (dược, y đa khoa và điều dưỡng). Theo ông Khôi, ngay từ năm nhất, sinh viên có thể kiến tập, thực tập ở các bệnh viện và phòng khám đa khoa của trường để tích lũy kinh nghiệm, và đây là điểm cộng khi đi xin việc làm.

Trần Anh