Thứ năm, 25/5/2017, 22h07

Thay đổi chương trình, SGK Ngữ văn THPT: Bài cuối: Cần có chương trình theo hướng mở

Nhằm góp ý cho việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa (SGK) sắp tới, trong số báo trước chúng tôi đã nêu ra 5 vấn đề còn hạn chế của SGK hiện hành. Ở số báo này, chúng tôi xin có thêm một số ý kiến khác.

SGK Ngữ văn cần phải trình bày đẹp, hình ảnh minh họa nhiều… mới hấp dẫn người học. Ảnh: Anh Khôi

SGK phải hấp dẫn người học

Chúng tôi đã khảo sát đối tượng học sinh THPT về 2 mặt và rút ra những kết luận sau. Về hình thức: cách trình bày, chất liệu giấy và màu sắc của SGK Ngữ văn đáng phải được chú trọng. Vì bản chất môn ngữ văn luôn đi liền với tính thẩm mỹ, cái đẹp. Nhưng SGK hiện hành trình bày quá đơn giản, giấy đen và chỉ thuần một màu. So sánh với SGK các môn khác (như lịch sử, địa lý) thì còn thua xa tính hấp dẫn. Về nội dung: do yêu cầu giảm tải quá nhiều nên nhiều bài học quá giản lược, đơn giản. Cần đưa thêm nhiều hình ảnh minh họa, nhiều bài tham khảo theo chùm đề tài. Ví dụ như bài về kiến thức Thơ mới, về nhóm Tự lực văn đoàn... kiểu như SGK lớp 11 nâng cao. Cũng phải chú ý cập nhật nội dung. Sau nhiều lần tái bản nhưng nội dung vẫn không có gì thay đổi. Trong khi đó, ví dụ, có tác giả đã mất vài năm vẫn chưa thấy đưa vào tiểu dẫn.  

Thống nhất nguyên tắc trích dẫn ngữ liệu 

Cũng do có tính tích hợp (hiểu theo nhiều nghĩa) nên môn ngữ văn cũng có hai hướng mục đích đưa ngữ liệu vào SGK. Hướng đưa văn bản vào để làm ngữ liệu cho mục đích dạy học ngữ văn. Hướng lựa chọn văn bản dựa trên cơ sở từ tiến trình văn học sử, cùng với vị trí, đóng góp của các tác giả, để xem xét và lựa chọn tác giả nào nên đưa vào chương trình. Dù theo mục đích gì thì cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc: có tính khoa học, phù hợp đối tượng người học, có tính giáo dục, phản ánh đúng trọng tâm nội dung tác phẩm...

Cái khó ở đây cho người biên soạn SGK là thời lượng của mỗi bài học thì ít (từ 1 đến 2 tiết), mà kiến thức trọng tâm thì quá nhiều. Chẳng hạn hầu hết các tác phẩm văn học đưa vào chương trình THPT chủ yếu được dạy và học 2 tiết. Trong khi đó có quá nhiều tác phẩm rất dài. Vậy phải soạn làm sao để chuyển tải được trọng tâm mà không bị cho là cắt xén tùy tiện, đưa ngữ liệu làm sao để không bị cho là không tiêu biểu? Theo chúng tôi, cần lấy tiêu chí đặc trưng thể loại tác phẩm để thống nhất một cách soạn, cách trích dẫn. Theo hệ thống thể loại, ở chương trình THPT gồm các dạng văn bản (chúng tôi không chia theo cách các nhà lý luận vẫn làm) như: thơ (phú, văn tế...); truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký ( tùy bút); kịch và chính luận (nghị luận).

Văn bản thơ và nghị luận thường là ngắn, nên trích dẫn toàn bộ văn bản. Nếu gặp những văn bản dài thì cũng cần trích dẫn hết, phần được học in chữ lớn, phần không yêu cầu học nên quy ước chữ in nghiêng, hoặc in nhỏ hơn. Như thế người học có điều kiện tiếp xúc với toàn bộ văn bản. Hoặc nếu không thì chỉ cần trích một phần văn bản tiêu biểu nhất là được. Không cần thiết phải tách ghép tùy tiện.

Với văn bản là tùy bút, bút ký, có văn bản ở dạng này được viết theo câu chuyện (như tự sự), cũng có văn bản viết rất tự do, phóng túng, không ra đầu đuôi câu chuyện. Cần thấy ở đây, bản chất của thể loại này là ở chất nghệ thuật, ở phong cách người viết. Vì thế khi soạn, nên có cắt xén, lựa chọn những đoạn văn bản hay để học.

Với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch thì cần chú ý đặc biệt hơn ở tính nội dung câu chuyện của nó. Vì thế, với truyện ngắn, nên trích làm sao cho người học thấy được toàn bộ văn bản theo cách: phần nội dung yêu cầu được học thì in chữ lớn, trích thêm phần hấp dẫn (không yêu cầu học) của tác phẩm bằng chữ in nhỏ (hoặc in nghiêng), phần không cần thiết thì viết thêm theo dạng tóm tắt. Soạn như thế người học có điều kiện tiếp xúc với toàn bộ nội dung văn bản truyện, không học hết nhưng lại có điều kiện tiếp xúc với những đoạn hấp dẫn của truyện. Với tiểu thuyết và văn bản kịch, đây là dạng văn bản có dung lượng tác phẩm rất lớn. Không thể đem cách soạn của truyện ngắn vào đây được, mà nên soạn theo cách: giới thiệu tác phẩm, tóm tắt, nêu vị trí đoạn trích và chỉ trích ngữ liệu phần được học.

Việc trích dẫn ngữ liệu dựa trên nguyên tắc trên đem đến nhiều cái lợi. Người soạn chuyển tải được trọng tâm nội dung tác phẩm. Người dạy và học vừa có cái nhìn bộ phận và toàn thể của văn bản. Mục đích giáo dục cơ bản và nâng cao cũng có điều kiện thực hiện. Ngoài ra nó cũng tốt cho người tự học, thay vì phải tìm kiếm thêm kiến thức về văn bản ngoài SGK để học, thì họ có thể học ngay trong chính các văn bản đã trích dẫn ở SGK.

Kiểm tra - đánh giá theo hướng mở

Ngoài việc đảm bảo tính nhân văn và ứng dụng vào thực tế đời sống, chương trình, SGK môn ngữ văn cần phải đánh giá đúng vị trí tác giả, tác phẩm trong tiến trình lịch sử. Phải cơ sở vững bền của văn hóa dân tộc, vừa có sự cập nhật đổi mới theo xu thế thời đại, thế giới. Vì vậy từ nội dung chương trình đến hình thức trình bày SGK môn ngữ văn cần luôn phải có sự điều chỉnh hợp lý.

Trước nhất, cần có chương trình theo hướng mở, và khi soạn SGK cũng nên có nhiều tác phẩm của một tác giả, về một chủ đề, chủ điểm, về một giai đoạn văn học, trào lưu văn học… để người dạy, người học tự lựa chọn. Giảm bớt những tác phẩm quy định bắt buộc giống nhau về đề tài, thể loại. Chẳng hạn: Hai bài về hai con sông (lớp 12) chỉ cần học một bài là đủ; Tăng thêm những bài thơ hay của Xuân Diệu, thay vì chỉ học “Vội vàng”; đưa thêm những truyện ngắn đặc sắc khác của Nam Cao như “Đời thừa” hoặc “Đôi mắt” thay vì chỉ học “Chí Phèo”; Thêm những bài thơ viết về đề tài quê hương đất nước (như ngoài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Đất nước” - Nguyễn Khoa Điềm, nên yêu cầu thêm “Quê hương” của Giang Nam); Về người lính, thay vì chỉ bắt buộc học tác phẩm quy định và học cái gì thì thi cái ấy. Như thế sẽ làm phong phú hơn cho chương trình, vừa thỏa mãn sự yêu thích của người học, người dạy. Muốn vậy thì việc kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi theo hướng mở.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh TP.HCM)