Thứ hai, 23/4/2012, 09h04

Thay đổi tư duy quản lý ký túc xá

SV nội trú tại KTX Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ăn trưa tại căng tin ngày 20-4

Ngày 20-4, đại biểu 16 ký túc xá (KTX) khu vực TP.HCM và Cần Thơ đã cùng bàn giải pháp phát triển KTX, nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên (SV). Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem KTX là môi trường giáo dục để xây dựng, quản lý tốt. Mà đã là giáo dục thì cần được đầu tư để phát triển.
Xem KTX là cơ sở giáo dục
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình nhấn mạnh, giáo dục ĐH góp phần đào tạo cho xã hội những công dân tri thức, không chỉ có kiến thức mà còn bao hàm cả vốn sống, văn hóa. Đối với những SV xa nhà, KTX là môi trường tốt để rèn luyện, trau dồi các phẩm chất đó. Trong mục đích chung đào tạo những tri thức tương lai thì công tác KTX giữ vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh học trên giảng đường, phần lớn thời gian SV ở KTX. Với học chế tín chỉ, vai trò của chi đoàn dần được thay thế bởi các câu lạc bộ đội nhóm và những hoạt động của các đội nhóm này chủ yếu diễn ra tại KTX. Chính vì vậy, KTX còn góp phần giáo dục chính trị tư tưởng cho SV.
Trước đây, đội ngũ quản lý KTX chưa được chuẩn hóa. Những nhân viên, giảng viên nào “có vấn đề” là được “đẩy” sang làm công tác quản lý KTX chính vì vậy chưa tạo được hiệu quả. Đại diện KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dẫn chứng, cả một thời gian dài KTX phải vận hành trong điều kiện đội ngũ yếu kém như vậy. Khi lớp cán bộ quản lý này về hưu, ban quản lý KTX mới có điều kiện bắt tay xây dựng bộ tiêu chuẩn cán bộ nhằm chuẩn hóa đội ngũ từ nhân viên bảo vệ đến cán bộ quản lý, kể cả những dịch vụ khác.
Ông Nguyễn Thiện Duy (Giám đốc KTX Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng đội ngũ quản lý tạo nên sức sống cho KTX, cần được quan tâm. Theo ông Duy, dù chúng ta đã có chuyển biến trong tư duy quản lý KTX nhưng chưa nhiều, vì vậy cần có sự thay đổi lớn. Nên xem KTX là nơi giáo dục SV bên cạnh tổ chức Đoàn hội. Và nếu đã xem đây là môi trường giáo dục thì Nhà nước cần đầu tư. Ông Trần Thanh An (Giám đốc KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đồng tình, bên cạnh công nghệ thông tin thì yếu tố con người hết sức quan trọng trong khâu quản lý SV. Nhưng thực tế hiện nay, đội ngũ quản lý KTX muốn được nâng cao nghiệp vụ lại gặp khó khăn do không có trường chuyên đào tạo hay giáo trình chuyên môn về lĩnh vực này. Trong điều kiện đó, việc tạo cơ hội cho đội ngũ quản lý được tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước sẽ là phương án nâng cao nghiệp vụ tốt nhất. “Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng KTX để đây không chỉ là nơi ở mà còn là môi trường rèn luyện SV, dạy các em làm người. Để được như vậy, bản thân những nhân viên làm công tác KTX cũng phải như một người thầy, rất cần được tu dưỡng rèn luyện học tập” - ông An nói.
Tăng cường đầu tư
Để phát triển hoạt động KTX, Giám đốc KTX Trường ĐH kinh tế TP.HCM  Nguyễn Thiện Duy đề nghị có những chính sách hỗ trợ thiết thực. Chẳng hạn, có thể giảm giá điện nước cho SV. Hiện KTX thu theo kiểu SV xài bao nhiêu tính phí bấy nhiêu, nếu điện nước lên giá, SV cũng chịu mức tăng này. Nên chăng có chế độ giảm giá cho SV hoặc tăng định mức. Có một nghịch lý là SV tại 2 cơ sở KTX của trường lại chịu 2 mức giá khác nhau. Tại cơ sở KTX đường Trần Hưng Đạo (Q.1), SV chịu mức giá nước cao hơn cơ sở còn lại do nước ở đây được xử lý môi trường cao cấp hơn.
Đại diện KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhìn nhận, ở góc độ an ninh, câu lạc bộ sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý SV. Không có gì tốt bằng việc khi KTX này gặp vấn đề trở ngại gì về an ninh, thông báo kịp thời để các KTX khác ngăn ngừa hoặc hỗ trợ. Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình cũng đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đến việc tạo mối liên kết trong quản lý các KTX trên địa bàn dưới hình thức một câu lạc bộ. Câu lạc bộ không chỉ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý SV mà còn hỗ trợ nhau những lúc cần thiết. Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) khẳng định: “TP.HCM rất quan tâm đến hệ thống KTX, điển hình là việc chi ngân sách để tăng cường xây dựng KTX nhằm đảm bảo đủ chỗ ở cho SV. Vì nếu SV không có chỗ lưu trú, phải sống ở ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Về đời sống tinh thần, thành phố cũng đang triển khai xây dựng Đề án Nhà Văn hóa Sinh viên (cơ sở 2) tại Thủ Đức để tạo điều kiện nhiều hơn cho SV sinh hoạt, học tập”.
Bài, ảnh: Mê Tâm