Thứ hai, 12/10/2015, 15h39

Thay đổi từ tiết học âm nhạc truyền thống

Khách mời biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc

Với sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên, các em học sinh  lớp 10A2 Trường THPT Trưng Vương đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị trong tiết học liên môn văn học - lịch sử với chủ đề “Từ ca dao đến âm nhạc truyền thống dân tộc”.

Các loại hình văn hóa dân gian là thể thống nhất

Tiết học được bắt đầu bằng việc các nhóm học sinh với tên gọi Phở Việt, Tre Xanh, Hủ Tiếu, Bánh Xèo giới thiệu về mình bằng những bài vè ngắn gọn. Tuy còn vụng về, nhưng các bài vè đều rất dí dỏm, thể hiện được sự tinh nghịch rất riêng của tuổi học trò. “Nhóm tôi sáu cái bánh xèo, mỗi người một vẻ… mười phân vẹn mười”, “Một N, hai K, ba T tạo thành một nhóm vẹn toàn hay ghê”… Sau phần giới thiệu, các em được tham gia phần chơi giải đố, mỗi ô chữ đều có những bức tranh gợi nhớ đến những bài ca dao quen thuộc mà các em đã được học trong các bài học trước đây như bức tranh gia đình với câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Công cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”; bức tranh gừng và muối gợi nhớ câu: “Ai ơi chua ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, “Muối ba năm muối hãy còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay”... Đây là phần chơi khiến nhiều học sinh thích thú, liên tiếp giơ tay xin được đọc các câu ca dao có chủ đề liên quan đến bức tranh. Thậm chí, nhiều em còn đọc những câu ca dao vốn không nằm trong bài học nhưng được biết đến qua tài liệu hoặc sách báo.

Tương ứng giai đoạn phát triển này, cô Nguyễn Thị Phượng (giáo viên bộ môn lịch sử) giới thiệu về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mà ca dao là một trong những bộ phận không tách rời thuộc thể loại này. Cùng với các triều đại lịch sử, các loại hình văn hóa dân gian cũng được phát triển rất đa dạng với nhiều thành tựu nổi bật thể hiện tri thức, quan niệm, tín ngưỡng của người Việt trong giai đoạn này. Các học sinh đã không khỏi ngạc nhiên khi biết nguồn gốc, ý nghĩa và cách thức thực hiện những bức tranh Đông Hồ; sự ra đời của các loại hình biểu diễn dân gian đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc tại một số vùng miền ngày nay như tuồng, chèo…; ý nghĩa của các loại hình kiến trúc được thể hiện trong các đình, chùa, đền, miếu... Không những thế, giáo viên bộ môn lịch sử còn giúp học sinh hiểu được các loại hình văn hóa dân gian luôn tồn tại và phát triển không tách rời, hòa quyện với nhau tạo thành một thể thống nhất, thể hiện tri thức, suy nghĩ, văn hóa của con người qua từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, văn hóa dân gian còn có sự giao thoa giữa các tộc người tạo nên sự đa dạng, phong phú trong thể thống nhất đó.

Các em học sinh thích thú khi biểu diễn nhạc cụ bằng… chum

Nhạc cụ đi liền cùng sự phát triển

Để minh chứng cho sự giao thoa giữa các tộc người trong văn hóa dân gian, nhóm Tre Xanh đã thuyết trình về đàn T’rưng - một trong những nhạc cụ dân tộc còn tồn tại đến ngày nay. Bài thuyết trình được thể hiện bằng những câu hỏi - đáp có quà nên được tất cả các nhóm cùng hưởng ứng. Thông qua phần hỏi - đáp, các em được biết đến nguồn gốc, khu vực, dân tộc sử dụng loại đàn T’rưng, thứ tự các âm và sự khác nhau giữa đàn T’rưng dân gian với đàn T’rưng hiện đại. Nhiều em không khỏi ngạc nhiên khi biết được nguồn gốc sử dụng của loại đàn này không phải để biểu diễn mà được dân tộc Ba Na, Gia Rai xưa dùng để đuổi chim, bảo vệ mùa màng và tuyệt đối không được sử dụng trong nhà vì tin rằng điều đó sẽ xua đuổi các vị thần linh ra khỏi nhà…

Nhóm Tre Xanh thuyết trình về đàn T’rưng

Thú vị nhất trong tiết học liên môn chính là phần biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc do những nghệ sĩ được trường mời đến. Dù có thể đã được tiếp xúc trước đó nhưng đây là lần đầu tiên học sinh cảm nhận được sự thú vị trong các loại hình âm nhạc dân tộc, biết được sự biến tấu của nhạc cụ dân tộc để đi cùng thời đại. Các em được nghệ sĩ hướng dẫn cách dùng chén để tạo ra âm thanh như trong các bài nhã nhạc cung đình Huế, được giới thiệu về các loại đàn. “Rất thú vị khi em biết được đàn bầu không chỉ để chơi các loại nhạc buồn mà có thể biến tấu tùy theo khả năng và tâm trạng của người nghệ sĩ. Không chỉ thế, đàn bầu cũng khiến thế giới phải ngạc nhiên khi chỉ với 1 dây mà có thể kết hợp được với các loại nhạc cụ khác để chơi những bài nhạc kinh điển của thế giới có âm vực cao, tiết tấu nhanh”, Bảo Trân (học lớp 10A2) cho biết.

Không chỉ thế, tiết học với sự kết hợp cùng âm nhạc dân tộc đã giúp nhiều em học sinh đánh giá, nhìn nhận lại các giá trị truyền thống. “Giới trẻ chúng em luôn mải tìm kiếm những điều mới mẻ, chạy theo các nhạc cụ hiện đại của thế giới. Sau tiết học này, em có suy nghĩ khác hơn về âm nhạc dân tộc. Có thể, em sẽ xin ba mẹ cho học một loại nhạc cụ dân tộc để góp phần bảo tồn, phát triển âm nhạc dân tộc, đưa nhạc cụ dân tộc ra ngoài thế giới”, Ngọc Trâm (học lớp 10A2) chia sẻ.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Các loại hình văn hóa dân gian luôn tồn tại và phát triển không tách rời, hòa quyện với nhau tạo thành một thể thống nhất, thể hiện tri thức, suy nghĩ, văn hóa của con người qua từng giai đoạn phát triển.