Thứ hai, 20/4/2009, 09h04

Thầy hụt hơi, trò quen đối phó

Nhiều giáo viên vẫn chưa kịp thích ứng với vai trò dẫn dắt, định hướng sinh viên nghiên cứu, thảo luận. Không ít sinh viên đăng ký học nhiều tín chỉ nên bỏ môn này, học môn khác hoặc học đối phó. Đây là những rào cản cần khắc phục để tạo đà cho việc thực hiện quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ sớm hoàn thiện.

> Đào tạo tín chỉ, dục tốc khó đạt

Thầy hụt hơi 
Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều mà có đối thoại với SV.  Ảnh: Lan Hương
Một SV năm thứ 4 của Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Không ít giờ thảo luận khá tẻ, giảng viên vào lớp buông ngay một câu: “Các em có vấn đề gì muốn hỏi không?".
"Nhưng nhiều khi thầy trò ngồi nhìn nhau nửa tiết mới có SV đưa ra câu hỏi và bắt đầu trao đổi". 
Bên cạnh đó, nhiều giảng viên thiếu kiến thức thực tế nên trả lời thuần lý thuyết, không khiến SV “tâm phục khẩu phục”.  
Hoặc có trường hợp, SV đặt câu hỏi nhưng giảng viên bỏ qua, không trả lời. 
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội thừa nhận: “Có thể, có giảng viên chưa thay đổi thói quen dạy kiểu đọc - chép, giờ thảo luận buồn tẻ... nhưng số đó chắc chắn không nhiều.”  
Hải Anh, SV ĐH Luật Hà Nội lại nêu một ví dụ khác: “Nhiều khi chính giảng viên và giáo trình cũng “đánh nhau chan chát”, thậm chí giảng viên còn gạch chéo vào giáo trình do chính các đồng nghiệp trong trường viết. Nhưng đến lúc thi thì bọn em phải theo quan điểm của… thầy trưởng bộ môn nên rất ấm ức.” 
Theo ông Hòa thì SV không nên đồng nhất quan điểm của trưởng bộ môn với đáp án. Hơn nữa, đáp án nhiều trường hợp là đáp án mở.
Sinh viên: Vẫn thói quen đối phó 
SV Trường ĐH Thương mại tranh thủ thời gian nghỉ, thảo luận nhóm tại sân trường.
Ảnh: Lan Hương
Trên diễn đàn của SV Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), một trong những chủ đề “hot” nhất là: “Thầy cô ơi, học tín chỉ vất vả quá!” 
Nickname Moise cho hay, học cả ngày, lại còn bài tập cá nhân, bài tập nhóm. Số lượng môn học quá nhiều, có khi phải bỏ môn này để học môn khác. 
Vì vậy, Kim Hoà, SV khoa Triết cho rằng, SV thường chuẩn bị bài theo kiểu đối phó, thầy cũng chẳng có nhiều thời gian chữa bài nên không hiệu quả. 
"Nếu chương trình 4 năm được xây dựng là 120 tín chỉ thì mỗi tuần sẽ có 15 giờ tín chỉ. Để thực hiện được tốt, SV phải làm việc thực tế 60 giờ mỗi tuần, đó là chưa kể giờ giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng", ông Hòa cho biết. 
Tuy nhiên, hầu hết chương trình của các trường đều trên 200 đơn vị học trình. Khi chuyển đổi  theo qui định của Bộ GD - ĐT, đều vượt 120 tín chỉ. 
Do vậy, ĐH Luật Hà Nội đã xây dựng hẳn một chương trình mới chỉ có 120 tín chỉ, trong đó có 25% là tín chỉ tự chọn. 
Nhiều SV phải học liên tục 6 tiết/buổi hoặc học 3 tiết đầu buổi sáng và 3 tiết cuối buổi chiều.  
Nhưng số lượng chỗ ngồi trong thư viện có hạn, phòng học trống không nhiều nên SV cứ “vật vờ” ở sân trường chờ đợi đến giờ học. 
Thang điểm 4 "thúc" SV học  
Chuyển sang học chế tín chỉ, điểm tổng kết của SV sẽ được tính theo hệ chữ, rồi quy đổi sang hệ số 4,0.
Nhiều SV lo lắng, quy điểm từ thang 10 sang hệ chữ sẽ thiệt thòi hơn vì phổ điểm của từng mức khá rộng. Vì thế, một SV đạt 7,5 hay 8,4 đều đạt loại B, trong khi chỉ cần cao hơn một chút, lên 8,5 là đạt loại A. 
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Nói “thiệt thòi” ở 1 môn nhất định thì có thể đúng, chứ không thể “thiệt thòi” ở tất cả các môn.  
Mỗi chương trình đào tạo 5 năm có từ 50 đến 70 môn học, nếu áp dụng lý thuyết xác suất thì sẽ thấy chẳng có ai bị “thiệt thòi” cả".
Cũng theo ông Sơn, đánh giá điểm theo thang 10 có ưu điểm là chi tiết hơn, nhưng tính phân loại không cao, còn cho theo thang 4 (5 loại điểm A, B, C, D, E) thì "thô" hơn, nhưng tính phân loại cao hơn.  
“Tính phân loại là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy SV cố gắng, ví dụ, sự khác biệt giữa điểm B và C là rõ rệt hơn hẳn giữa 7 và 6. SV đạt điểm C sẽ cảm thấy phải cố gắng hơn nhiều để đạt điểm B” – ông Sơn khẳng định. 
Minh Thuý, SV Trường ĐH Thương mại lại băn khoăn: “Nếu vậy, SV biết mình có đạt điểm cao thì cũng chỉ “đồng hạng” với người người kém mình tới gần 1,0 nên một số bạn chỉ học cầm chừng.” 
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho rằng: “Cho điểm chữ là bắt chước hơi máy móc nước ngoài. Các nước khác cho điểm chữ  thường dựa trên đánh giá của giảng viên. Điểm chữ phân loại tỉ lệ do ông thầy định ra và cân đối giữa các nhóm SV. Chẳng hạn top 5% SV điểm cao nhất lớp được điểm A, 10% tiếp theo được điểm B". 
Lan Hương (Vietnamnet)
Bài 3: Con nhà nghèo cũng có thể học theo học chế tín chỉ