Thứ năm, 12/1/2017, 21h43

Thầy Tuấn của người nghèo

Làm nhịp cầu nối thiện nguyện trao hàng ngàn suất quà cho học sinh, đồng bào nghèo, hỗ trợ khoan giếng ở những nơi tưởng chừng không thể đưa nước đến; bảo trợ nuôi ba anh em học trò nghèo mồ côi; xây nhà cho người nghèo, dựng nhà giúp dân sau bão đổ… Ở đâu có khó khăn, ở đó có mặt anh. Anh là Phạm Minh Tuấn, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Thầy Phạm Minh Tuấn trao quà cho học sinh nghèo Hướng Hóa

Từ khoan giếng trên đỉnh núi

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa) bảo: “Không có cái giếng khoan của anh Tuấn và các cộng sự, không chỉ các em mầm non mà cả học sinh tiểu học và giáo viên ở điểm trường lẻ Hướng Choa cũng rất vất vả. Mùa đông phải xách từng can nước ở con suối cách điểm trường gần cây số đường đất cheo leo, trơn trượt. Mùa hè nước cạn, phải đi xa hơn. Để có được một can nước phục vụ sinh hoạt, các giáo viên cắm bản vất vả gấp trăm lần”. Hướng Choa là một trong 6 điểm, anh Tuấn đã làm nhịp cầu thiện nguyện để đưa nước về cho dân bản và các em học trò điểm lẻ còn lam lũ ở huyện Hướng Hóa. Hỏi lý do chọn khoan giếng cho bà con thay vì bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác, anh Tuấn cười hiền: “Từng có một quãng thời gian đủ dài bám bản để tôi hiểu rằng, không có nỗi vất vả nào bằng vất vả thiếu nước trong mùa hè”. Thấm nỗi nhọc nhằn của những giáo viên cắm bản, làm sao có được giếng nước giúp đồng nghiệp cũng như bà con có nước sinh hoạt luôn là nỗi trăn trở trong anh. Nhiều đêm thao thức, anh đưa suy nghĩ ấy lên facebook, thông qua bạn bè để kêu gọi. Anh bảo, mạng xã hội là ảo nhưng cuộc đời luôn thực. Nhiều bạn bè kết nối và chung tay hỗ trợ. Nhưng chuyện kêu gọi kinh phí chưa phải là điều khó nhất. Còn phải đi khảo sát địa điểm, nhờ người có kinh nghiệm tư vấn xem khoan ở đâu, khoan cách nào để có nước. Đơn cử như giếng ở thôn Cu Vơ  thuộc xã Hướng Linh (Hướng Hóa), cả thầy lẫn thợ mất ăn mất ngủ nguyên tuần lễ, mũi khoan sâu ngót trăm mét mới tìm thấy nước. Ông Hồ Văn Tèng, Trưởng thôn Cu Vơ phấn khởi kể lại: “Điểm trưởng thôn trước đây không có nước. Xây dựng đã 6 năm mà giáo viên phải đi xách từng xô nước suối rất cực nhọc. Nay có giếng, không chỉ giáo viên và học sinh có nước sinh hoạt mà bà con trong thôn cũng có nguồn nước để sử dụng, khỏi mất thời gian đi tìm nước ở suối sâu, thời gian để dành lên rẫy lên nương trỉa cây lúa, chăm cây sắn”.

Đến xây trường, bảo trợ trẻ mồ côi

Kết nối xây trường là một trong những việc làm anh Tuấn chú trọng. Hai năm, đã có 3 phòng học dành cho trẻ mầm non ở Hướng Lộc được đầu tư xây dựng với tổng số tiền khoảng hơn 500 triệu đồng. Ở miền rừng thiêng nước độc, có chứng kiến hết thiệt thòi của lũ học trò ngồi co ro trong những mái nhà tranh tre nứa lá mới hiểu hơn tấm lòng của người thầm lặng mang đến cho các em căn phòng ấm giữa tứ bề gió núi mưa ngàn. Cũng từ niềm thấu hiểu đó, đã có hàng chục ngôi nhà được anh kết nối hỗ trợ xây mới và sửa chữa. Rồi hàng trăm chuyến từ thiện trao quà gồm áo quần, cặp sách, gạo, nước mắm… được chuyển đến tận tay bà con. 

Cách nay hai năm về trước, từ ngày mẹ mất, bố bỏ đi biền biệt, căn nhà sàn của ba anh em Hồ A Ran (lớp 2, điểm trường Tiểu học Cu Vơ, xã Hướng Linh) càng trở nên trống trải. Ba anh em côi cút dựa vào ông bà nội không còn sức lao động. Cuộc sống của các em là những ngày quay quắt đói. Cô Hoàng Thị Hồng Lam - vợ anh Tuấn kể, nhiều lúc thấy các con đói run mà chảy nước mắt. Rồi cô Lam bàn với chồng, nhận bảo trợ cho các cháu. Kể từ ngày đó, hàng tháng đôi lần, người dân Cu Vơ lại thấy vợ chồng anh đèo nhau mang theo lỉnh kỉnh muối, gạo, dầu ăn đến thăm anh em A Ran. Căn nhà từ ngày có thêm bố mẹ nuôi của Hồ A Ran bớt cảnh côi cút. Anh nói, trước mắt mình gắng được chừng nào hay chừng ấy, chỉ sợ mai này các con lớn, tiềm lực không đủ.

Sinh ra và lớn lên ở Hải Lăng, tốt nghiệp Trường Đại học TD-TT Đà Nẵng anh Tuấn lại chọn miền núi Hướng Hóa để gắn bó đến nay đã 13 năm. Gần 2 năm làm nhịp cầu kết nối, anh đưa đến cho người nghèo hàng tỷ đồng. Hỏi anh về niềm tin mà các mạnh thường quân trao cho mình. Anh nói, đó là làm việc có kế hoạch, trao đến tận tay người cần và trao được thứ họ thật sự cần!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên