Thứ sáu, 18/12/2009, 17h12

Thầy Võ Hải Bình bị kỷ luật buộc thôi việc là phù hợp

Trước và sau khi Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chuẩn y hình thức kỷ luật của Trường THPT Lê Quý Đôn dành cho giáo viên Võ Hải Bình, qua báo chí rộ lên hai luồng dư luận: một luồng cho rằng mức độ kỷ luật như vậy là đúng và luồng kia cho rằng quá nặng. Qua ghi nhận Báo Giáo Dục TP.HCM trích đăng một số ý kiến xoay quanh vấn đề nói trên.
* Ông Nguyễn Văn Nam (Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM): Hình thức kỷ luật buộc thôi việc ông Võ Hải Bình là phù hợp
Hành vi xử phạt học sinh của ông Võ Hải Bình trái với phương pháp sư phạm đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh. Hành vi này đã vi phạm khoản 1 điều 35 về các hành vi giáo viên không được làm trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng GD-ĐT. Đồng thời hành vi này đã vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng uy tín nhà trường và môi trường sư phạm nên đã vi phạm khoản 1, khoản 2 điều 4 về đạo đức nghề nghiệp; khoản 44 điều 6 về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo theo Quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGD&ĐT ban hành 16-4-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Là giáo viên bộ môn nhưng ông Võ Hải Bình chưa thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của giáo viên trường trung học trong việc quản lý học sinh trong lớp học. Ông đã vi phạm điểm a, d và đ của khoản 1 điều 31 Quyết định 07/2007/ QĐ-BGD&ĐT. Đối chiếu với khoản 2 điểm b điều 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; Thông tư 03/2005 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP. Vì vậy hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với hành vi sai phạm của ông Võ Hải Bình là phù hợp.
* Ông Văn Công Sang (Trưởng phòng Tổ chức Sở GD-ĐT TP.HCM): Buộc thôi việc đối với giáo viên Võ Hải Bình là đúng mức, đúng quy định
Trường THPT Lê Quý Đôn đã tổ chức kiểm điểm và họp Hội đồng kỷ luật đúng thành phần, đúng thủ tục theo Quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ điểm b, khoản 2, điều 25: “Cán bộ, công chức tuy có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng trong đội ngũ cán bộ, công chức”. Căn cứ khoản 1, điều 35 của Quyết định 07/2007/QĐ-BGD&ĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường trung học có nhiều cấp học: “Giáo viên không được có các hành vi sau đây: xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh, đồng nghiệp khác”. Căn cứ vào khoản 4, điều 6 quy định trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGD&ĐT ban hành về đạo đức nhà giáo: Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học sinh, đồng nghiệp, người khác và tại điều 8 quy định các Sở GD-ĐT “Xử lý nghiêm túc, kỷ luật thích đáng các cá nhân tổ chức vi phạm”. Đồng thời căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm năm học 2009-2010 theo Chỉ thị số 4899/CT-BGD&ĐT ngày 4-8-2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2913 và đặc biệt Trường THPT Lê Quý Đôn là trường trọng điểm xây dựng mô hình nhà trường tiên tiến. Sai phạm của giáo viên Võ Hải Bình mang tính chất cố ý, làm ảnh hưởng lớn vai trò của nhà trường XHCN trước phụ huynh và hơn 75 ngàn cán bộ, giáo viên của thành phố đã dày công xây dựng nhiều năm. Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh Phan Anh Tuấn và gia đình, phần tự kiểm điểm nhận khuyết điểm của giáo viên Bình có nhiều điểm thiếu trung thực. Thêm vào đó, theo báo cáo của nhà trường, hành vi phạt học sinh bằng hình thức thụt dầu không phải là lần đầu tiên mà là sự thể hiện có hệ thống. Từ đó, Ban giám đốc chuẩn y (100%) hình thức kỷ luật buộc thôi việc giáo viên Võ Hải Bình là đúng mực và đúng quy định.
* Ông Thành Công (Giám đốc một công ty TNHH tại TP.HCM): Thầy Võ Hải Bình thiếu chữ tâm
Qua báo chí tôi biết được thông tin về việc thầy Võ Hải Bình phạt học sinh và bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc. Tôi không phải là người trong ngành GD-ĐT nên không đi sâu vào việc hình thức kỷ luật mà ngành đã dành cho thầy. Tuy nhiên cũng thông qua báo chí, tôi nhận thấy thầy Bình là một con người chưa thể hiện lòng thương yêu học trò (qua hình phạt thầy phạt các cháu và phạt nhiều lần). Bởi, không phải ai cũng có thể thực hiện được và đủ 100 cái thụt dầu. Thử hỏi, thầy Bình hãy tự làm việc đó đi sẽ biết. Thêm vào đó, hình ảnh một học sinh thực hiện hình phạt (vô cùng phản giáo dục) trước hàng chục cặp mắt của bạn bè đồng trang lứa và thầy đứng nhìn mà không một chút cảm xúc sao? Cái tình, cái tâm của con người thầy bỏ đi đâu mà thầy lại nói vô tình và phạt để rèn luyện? Tôi nghĩ giờ thể dục, giáo viên thể dục cũng không áp dụng hình phạt như vậy với học sinh. Thầy viết thư đăng báo thì kể truyền thống gia đình và không trung thực thẳng thắn nhận lỗi một cách chân thành. Một khi mình ngụy biện cho việc làm của mình thì cố ý đổ tội lên người khác và người khác đó chính là những em học trò của thầy, thầy còn xứng đáng dạy các em hay không? Em học sinh nạn nhân của thầy đã và đang chịu đựng bệnh tật do thầy gây ra lại không có một lời nói nào. Thậm chí có người còn gán ghép em ấy là học sinh cá biệt? Thật không công bằng! Một học sinh can đảm nhận và thực hiện hình phạt của thầy, dẫu hình phạt đó quá vô lý. Còn người thầy thì không dám nhận hết tội lỗi, chỉ biết tìm mọi cách chạy tội…
* Ông Ngô Huynh (Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu): Tôi đồng tình với mức kỷ luật dành cho anh Võ Hải Bình
Dưới góc nhìn của người giáo viên cho rằng mức độ kỷ luật dành cho anh Võ Hải Bình là quá nặng, nhưng dưới góc độ quản lý hình thức kỷ luật dành cho anh Bình là quá đúng và phù hợp. Chính những việc làm sai trái (có tính hệ thống) của anh Bình đã đẩy nhà trường phải áp dụng hình thức kỷ luật này cho anh. Anh bảo: “học sinh tự chọn hình phạt”. Anh còn nói: “Tôi đã có 26 năm dạy học”. Tôi không hiểu 26 năm - một thời gian khá dài - anh Bình vẫn chưa nắm được việc nào của người thầy và việc nào của học sinh được làm trong giờ học. Một hình phạt phản sư phạm, tác dụng giáo dục ngược bị xã hội lên án và bị Nhà nước cấm bằng bao nhiêu văn bản. 26 năm đi dạy không lẽ anh không biết. Còn quy định trách nhiệm của người thầy trong lớp học đã rõ ràng, không lẽ anh không biết mà đi nói học sinh tự chọn hình phạt? Anh phạt học sinh thụt dầu đến độ đi tiểu ra máu, phải cấp cứu ở bệnh viện, để lại di chứng teo cơ. Một việc làm vi phạm quá trầm trọng. Anh xúc phạm danh dự và nhân phẩm học sinh; xâm phạm thân thể học sinh (dù là gián tiếp) quá đủ để cho anh nhận kỷ luật buộc thôi việc. Chưa nói đến sự vi phạm nhiều lần của anh.
* Nghệ sĩ Quyền Linh: Thầy Bình phạt học sinh quá nặng
Qua báo chí, tôi có biết và dù rất bận rộn với công việc nhưng vẫn luôn theo dõi vụ việc thầy Bình phạt học sinh thụt dầu 100 cái và nhận mức kỷ luật là buộc thôi việc. Tôi cũng đã từng ngồi ghế nhà trường và bản thân (cả bạn học) cũng đã từng bị thầy giáo phạt thụt dầu, nhưng chỉ bị thầy giáo của chúng tôi phạt thụt dầu 5 hoặc nhiều lắm là 10 cái. Thầy Bình bắt học sinh của thầy phải thụt đến 100 cái là quá sức. Thầy Bình cũng biết không phải em nào cũng có thể thụt đủ số lần do thầy bắt buộc. Chính vì vậy, em học sinh Anh Tuấn phải bị cấp cứu bệnh viện.
T.T.Q (lược ghi)