Thứ tư, 20/1/2010, 08h01

Thể chất HSSV Việt Nam: Còn thua xa với tầm khu vực

Nhận định về thể lực HSSV Việt Nam, PGS. TS Trần Văn Dần, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục - Sức khỏe - Môi trường, Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Thể lực của HSSV Việt Nam đã có những bước cải thiện rõ rệt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so sánh với các nước khu vực thì thể lực của HSSV Việt Nam chưa đạt.
HSSV Việt Nam vẫn thấp bé, nhẹ cân
Trong đề tài nghiên cứu về thực trạng thể chất SV (19 - 20 tuổi) tại TP.HCM (với 9.575 SV của 18 trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn TP.HCM), TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM có đưa ra những so sánh về thực trạng thể chất SV TP.HCM với một số nước: Chiều cao và cân nặng ở nam và nữ đều kém hơn thanh niên Quảng Tây (Trung Quốc); chỉ số BMI (dùng để tính toán mức độ béo phì) xếp loại bình thường theo phân loại của tổ chức y tế thế giới; chỉ tiêu công năng tim xếp lại kém theo bảng phân loại của Ruffier; sức mạnh chân kém hơn thanh niên Singapore, còn tố chất khéo léo thì tốt hơn ở nam và kém hơn ở nữ; sức mạnh chân và sức bền của SV TP.HCM đều kém hơn thanh niên Nhật Bản.
Vấn đề bệnh học đường, theo PGS. TS Trần Văn Dần, hai bệnh phổ biến nhất là cận thị và cong vẹo cột sống. Theo hai báo cáo mới nhất trong năm 2009 tại TP. Hà Nội, tỷ lệ HS Hà Nội bị cận thị chiếm khoảng gần 37% và một báo cáo nghiên cứu tại Hải Phòng thì số HS bị cận thị chiếm 36%. Tỷ lệ HS Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ dao động từ 15 đến 25%. Nguyên nhân được thống nhất là kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao HS và tư thế ngồi chưa đúng. Một số yếu tố khác như ánh sáng thiếu, mang vác nặng cũng làm gia tăng bệnh học đường của HS. Hiện HS tiểu học nước ta mang quá nhiều sách. Trong khi quy định với 40kg trọng lượng cơ thể, thì chỉ nên mang tương đương 1/10, thì nhiều HS tiểu học nước ta nặng vẻn vẹn 25kg phải đeo cặp tới tới 4kg!
Đội ngũ cán bộ y tế thiếu, yếu
Một thực trạng được các nhà nghiên cứu đưa ra là cán bộ y tế trường học hiện vẫn kiêm nhiệm. Trình độ từ trung cấp y tế còn rất ít, đặc biệt tập trung ở những tỉnh đồng bằng. Vì vậy họ không hề biết về 5 nội dung, 8 nhiệm vụ đối với y tế trường học. Tại nghiên cứu thực trạng cán bộ y tế trường học của nhóm tác giả Lê Thị Thanh Xuân, bộ môn y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện tại 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Bình, Đồng Nai trong 2 năm đã chỉ ra một thực tế khi bị những triệu chứng như ho, sốt… thì có 33% các em HS tự chữa, không em nào tìm tới phòng y tế trường học. Bà Trần Quỳnh Anh, thành viên nhóm khảo sát cho biết: “Hầu như các trường chúng tôi đến đều có phòng y tế, cán bộ y tế, có tủ thuốc nhưng bên trong thì không đủ số thuốc cần thiết hay trang thiết bị y tế, thậm chí có nơi bên trong tủ thuốc không có gì(!). Những cán bộ y tế thì gần như không có khả năng tự khám những bệnh học đường”.
Theo TS. Lê Thị Thanh Xuân, điều này xuất phát ở chức danh của cán bộ tế trường học. Tuy là cán bộ y tế nhưng họ lại không được hưởng phụ cấp của ngành y tế trong khi cán bộ y tế làm cho các cơ sở sự nghiệp vẫn có lương, phụ cấp nghề nghiệp (từ 25 đến 30%). Đối với vùng cao, đời sống cán bộ y tế học đường ổn định hơn, họ có thể sống với mức lương 500 đến 700 nghìn đồng/tháng.
Nghiêm Huê