Thứ ba, 27/9/2016, 22h12

Thể dục tự chọn phát triển sở trường học sinh

Không còn những tiết học thể dục bắt buộc không đúng sở trường, học sinh ở một số trường trên địa bàn Đà Nẵng đã có cơ hội phát huy năng lực của mình qua những môn thể thao yêu thích do các em tự chọn. Đây là phương thức dạy học môn thể dục nằm trong định hướng nhân rộng của Sở GD-ĐT Đà Nẵng.

Thể dục tự chọn giúp học sinh nâng cao thành tích hơn. Ảnh: Học sinh Đà Nẵng (phải) thi đấu môn bóng rổ tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016. Ảnh: Hàn Giang

Nhằm giúp học sinh có thể phát huy được năng khiếu, sở trường trong môn học thể dục để rèn luyện thể lực, cải thiện sức khỏe, cách đây 2 năm, hai trường ở Đà Nẵng là THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Ngô Quyền đã áp dụng việc dạy môn thể dục theo chuyên đề tự chọn. Những tiết học thí điểm ấy đã mang lại luồng sinh khí mới cho học sinh, thay vì phải học những tiết thể dục bắt buộc đầy ám ảnh bởi không thuộc sở thích, năng khiếu của mỗi em. Thanh Hiền (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) hào hứng kể: “Dù biết thể dục là môn học cần thiết để nâng cao sức khỏe nhưng không phải phân môn nào của thể dục em và các bạn cũng có thể học được và học tốt. Từ việc môn học không thuộc sở thích, năng khiếu của mình, nhiều khi tiết thể dục trở thành nỗi ám ảnh mệt mỏi của chúng em. Hai năm nay, nhà trường cho chúng em tự chọn, em đã chọn môn aerobic mà mình rất thích. Nhờ đó thấy mình tập trung học có hiệu quả hơn, kết quả cũng đạt tốt hơn rất nhiều so với trước”.

Thầy Lê Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho biết: “Hai năm qua trường tổ chức thí điểm cho học sinh học thể dục theo năng khiếu, sở thích, thể lực của từng em. Theo đó các em có thể chọn một trong 9 môn như: bơi, đá cầu, bóng rổ, cầu lông, aerobic… Việc lựa chọn này đã giúp chất lượng giờ dạy học tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Qua đó học sinh phát huy được năng khiếu của mình; kỹ thuật của các em tốt hơn, thành tích cao hơn. Đặc biệt là đã tạo được sự hứng thú của thầy và trò trong các giờ học”.

Loại bỏ những môn thể dục không an toàn

Ở bậc ĐH, dạy học thể dục theo chuyên đề, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy năng lực, nâng cao thành tích cũng đã được triển khai. ThS. Võ Đình Hợp (Trưởng khoa Giáo dục thể chất, ĐH Đà Nẵng) cho biết: Hiện ĐH Đà Nẵng đang áp dụng 5 học phần môn giáo dục thể chất. Sắp tới dự kiến sẽ rút lại 4 học phần và đẩy mạnh tính tự chọn giúp sinh viên chọn được môn học phù hợp với khả năng. Ngoài những môn điền kinh, thể dục là bắt buộc theo chương trình của Bộ GD-ĐT, sẽ loại bỏ những môn thể dục không an toàn như xà đơn, xà kép, tập trung vào những môn thể dục tự do như ngã, nhào lộn… để rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Bước vào năm 2, sinh viên sẽ có 2 học phần tự chọn, với những môn như cầu lông, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật…, các em có thể đăng ký học liên tục giúp hình thành kỹ năng. 

Thầy Vinh cho biết thêm: “Lâu nay nhắc đến học sinh trường chuyên, nhiều người nghĩ ngay đến những con mọt sách. Nhưng với việc tổ chức môn thể dục tự chọn, các em được giải tỏa tâm lý, vượt qua bản thân để thể hiện sở trường của mình nên thành tích của các em đã chiếm vị trí cao hơn so với các kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố trước đây. Gần đây nhất, năm học 2015-2016, trường đứng thứ 2 toàn đoàn”.

Năm học 2016-2017, được Sở GD-ĐT Đà Nẵng khuyến khích, một số trường THCS cũng bắt đầu áp dụng phương pháp dạy thể dục theo chuyên đề như Trường Lý Thường Kiệt, Tây Sơn, Nguyễn Huệ (Q.Hải Châu)… Ông Hồ Anh Dũng (chuyên viên Bộ môn giáo dục thể chất, Sở GD-ĐT Đà Nẵng) nhận xét, thể dục là môn khoa học dạy theo năng khiếu của học sinh. Việc cho học sinh học liên tục một môn trong suốt năm học theo sở thích giúp các em hình thành kỹ năng và thuần thục môn thể thao mình yêu thích. Trên cơ sở đó, việc phát triển phong trào, chuyên môn, chọn được vận động viên có chuyên môn, cải thiện thể trạng của học sinh được thuận lợi hơn.

Với việc đưa thể dục vào dạy học theo chuyên đề tự chọn, nhân rộng ở các bậc học, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đang kì vọng sẽ giúp học sinh phát huy hết khả năng về năng lực sở trường của mình, cải thiện thể lực đồng thời đào tạo những thế hệ học sinh có thành tích cao tại các cuộc thi TDTT. Hướng đến mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải cho giáo viên và học sinh.

Vĩnh Yên