Thứ ba, 10/4/2018, 20h55

Thế mạnh của giáo viên dạy văn biết sáng tác

Sáng tác thơ văn thuộc về năng khiếu bẩm sinh, không thể tự nhiên mà có. Vì vậy, giáo viên văn có năng khiếu sáng tác có nhiều thế mạnh trong giảng dạy bộ môn này. Trong quá trình tìm hiểu, phân tích cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ trong tác phẩm đòi hỏi giáo viên phải có sự rung động, sự tinh tế cần thiết. Tại sao tác giả dùng từ này, hình ảnh này mà lại không dùng từ khác, hình ảnh khác trong văn cảnh? Ví dụ,  từ “gợn” trong câu thơ của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Tại sao tác giả không dùng các từ như “vỗ, dội, phả, lượn…” mà dùng từ “gợn”?

Qua việc thẩm văn bằng trí tuệ, bằng cảm xúc thì sẽ mang đến cho học sinh nhiều cung bậc cảm xúc trong quá trình đến với tác phẩm. Giáo viên luôn phát hiện ra cái mới, cái độc đáo nhiều khi tưởng chừng không còn gì để phân tích thêm. Khi tiếp xúc tác phẩm, giáo viên có năng khiếu sẽ cảm sâu hơn, đồng điệu hơn với tác giả. Đó chính là quá trình “đồng sáng tạo” với tác giả trong giảng dạy văn chương.

Có thể nói, giáo viên văn biết sáng tác sẽ có cách truyền ngọn lửa yêu văn học cho học sinh. Những giờ dạy trở nên sinh động, rất văn chương và cũng rất gần gũi đời thường. Theo đó, giáo viên sẽ hướng dẫn cách tìm đề tài thiết thực, gắn liền với những năm tháng học trò. Đó là bóng mát cây bàng trong sân trường; mùa lá đỏ rụng về cội như tấm thiệp hồng gửi lại cho nguồn cội của mình. Đó là màu đỏ thân thương đến nao lòng của chùm hoa phượng trong sân trường, báo hiệu mùa hạ về và cũng là mùa chia tay bè bạn, mùa xa mái trường từng gắn bó để bay xa…

Đã là giáo viên dạy văn, tôi nghĩ rất cần năng khiếu sáng tác. Tiếc thay, như có người từng nói về thực trạng này: Thợ dạy văn rất nhiều mà thầy dạy văn quá ít! Điều đó cũng dễ hiểu vì sao học sinh ngày càng xa rời môn văn. Một môn học lẽ ra các em thích học vì có biết bao điều bổ ích trong đó.

Lê Đc Đng