Thứ hai, 12/12/2011, 09h12

Thí điểm kiểu bê nguyên xi

Đây là chương trình thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, không phải là chương trình dạy ngoại ngữ của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Tháng 10-2011, Sở GD&ĐT TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Dịch vụ Giáo dục Poly (Hàn Quốc) thử nghiệm việc dạy tiếng Anh tại bốn trường mầm non ở TP.HCM. Đại diện Công ty Poly cho rằng chương trình tiếng Anh của họ đã rất thành công khi dạy cho trẻ tại xứ sở kim chi. Tuy nhiên, khi mỗi trường chọn ngẫu nhiên khoảng 30-40 cháu chia làm hai lớp tiếng Anh chồi (4-5 tuổi) và tiếng Anh lá (5-6 tuổi) đã gặp lo ngại từ phía phụ huynh. Họ băn khoăn không biết khi con họ bắt kịp chương trình thì có học tiếp không, hay chỉ thí điểm sau ba tháng rồi thôi? Chương trình dạy của Poly đã được Bộ và Sở GD&ĐT TP.HCM thẩm định chưa, có gây khó cho trẻ khi chưa học tiếng Việt?
Học không chuẩn thì thà không học
Phụ huynh của bé K. (Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1) cho biết: Sau khi cho bé tham gia chương trình, lúc đầu thấy bé cũng thích thú với những dụng cụ học tập như bút phát âm, sách có nhiều tranh ảnh… nhưng về nhà phát hiện bút phát âm bị nhiễu, sợ bé đọc theo sẽ sai nên tôi xin ngừng tham gia chương trình. Tôi muốn bé rèn chữ viết tiếng Việt, muốn học tiếng mẹ đẻ, biết nhận mặt chữ, biết đọc rành tiếng Việt rồi mới cho học tiếng Anh.
Tương tự, một phụ huynh có bé đang học lớp lá ở Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) cũng lo lắng: “Nghe qua chương trình thí điểm này, chúng tôi nghĩ vừa học vừa chơi, kích thích thêm tính tò mò của trẻ để trẻ tìm hiểu thêm ngôn ngữ mới thì cũng được. Nhưng sau một tháng học, tôi thấy bút phát âm giọng đọc không đúng, chưa chuẩn lắm nên cũng lo lắng. Làm quen ban đầu mà đúng không sao, lỡ làm quen mà sai thì thà không làm quen còn hơn”.
Một buổi học tiếng Anh thử nghiệm tại Trường Mầm non Bé Ngoan, TP.HCM. Trong ảnh: Cô Trương Tố Mai đang hướng dẫn các cháu nhận mặt chữ, phát âm tiếng Anh.
Một cô giáo tại Trường Mầm non Bé Ngoan cũng cho biết xem qua chương trình thấy vừa sức với trẻ nhưng phần bài tập tiếng Anh của các cháu lớp chồi nhiều hơn so với các cháu lớp lá. “Chúng tôi cũng đã góp ý với phía Poly cắt giảm phần bài tập để các cháu không thấy quá sợ khi học tiếng Anh, dị ứng với môn học này” - vị giáo viên này nêu.
Không nghiên cứu trước
Phó hiệu trưởng một trường mầm non tham gia chương trình, chia sẻ: Trẻ được tiếp cận tiếng Anh từ khi học mầm non là tốt, dù trong hệ thống giáo dục quốc dân bậc học này chưa có chương trình chính quy thực thụ. Trên thực tế, các trung tâm ngoại ngữ lớn tại TP.HCM đều có chương trình cho lứa tuổi này. Tuy nhiên, giáo trình được đưa về từ các nước Âu, Mỹ nên có độ chênh so với trẻ ở Việt Nam. Chương trình đang được thử nghiệm tại trường hiện chưa có tổ chức nào đánh giá nó hay-dở, nặng-nhẹ và cũng chỉ thí điểm có ba tháng. Trong thời gian thử nghiệm, việc học và theo dõi được giáo viên cập nhật hằng ngày với phụ huynh trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Các bé tham gia lớp học thấy thích thú vì được hoạt động, vui chơi với giáo viên, xem phim, hình ảnh màu sắc đẹp. “Tuy nhiên, cũng có một vài phụ huynh tỏ ra e ngại vì các cháu chuẩn bị vào lớp 1, điều cần là biết nhận mặt chữ tiếng Việt nên đưa tiếng Anh vào phụ huynh sợ con họ sẽ bị lẫn lộn. Nhìn qua giáo trình, thấy họ thiết kế phù hợp với lứa tuổi. Hy vọng sau thời gian thí điểm, chương trình được chỉnh sửa hoàn chỉnh để các cháu thấy học là một niềm vui, thoải mái” - vị phó hiệu trưởng này nói.
Mang về Hàn Quốc chỉnh sửa
Theo cô Lại Thị Nguyên Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Mầm non TP, phụ huynh cũng lo ngại là xong chương trình thí điểm thì các cháu có được học tiếp nữa không, hay bỏ lửng. Với câu hỏi này của phụ huynh, nhà trường cũng chưa có lời giải thích. Còn phía Poly cho biết cuối tháng 12 này, khi chương trình thí điểm kết thúc, những ghi nhận từ phía giáo viên và đóng góp chuyên môn từ các trường, Sở GD&ĐT TP.HCM về giáo trình, họ sẽ mang về Hàn Quốc chỉnh sửa và sẽ nhân rộng ra các trường tại TP.HCM.
Không ép buộc trẻ học
Sở GD&ĐT TP.HCM đã lập một ban chất lượng dự nhiều giờ dạy tiếng Anh của Poly tại các trường. Nhận định ban đầu của ban chất lượng, trẻ học rất linh hoạt, thông minh và có khả năng tập trung cao hơn khi được làm quen với ngôn ngữ thứ hai. Chưa kể hiện nay, phụ huynh có nhu cầu cho trẻ mầm non học tiếng Anh rất lớn nhưng Sở chưa thể kiểm soát và đánh giá hết chương trình ở các trung tâm bên ngoài như thế nào. Vì vậy, thông qua đợt thử nghiệm dạy tiếng Anh lần này, hy vọng sẽ có phương án dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non phù hợp nhất để nhân rộng.
Đây là chương trình thí điểm, không phải là chương trình dạy ngoại ngữ của Sở. Hội đồng chuyên môn của Sở sẽ đánh giá và giới thiệu cho các trường. Nếu thấy hay các trường có thể mời họ về dạy cho các cháu nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.
Bà NGUYỄN THỊ KIM DUNG, Trưởng phòng GD mầm non,
Sở GD&ĐT TP.HCM
Chưa đạt chuẩn về phòng ốc, môi trường
Mục đích của chương trình là đem tiếng Anh đang được giảng dạy ở Hàn Quốc thử nghiệm dạy cho trẻ mầm non tại Việt Nam xem có phù hợp không. Nếu thấy hợp, trung tâm sẽ xây dựng một chương trình hoàn chỉnh trình Sở GD&ĐT TP.HCM để áp dụng giảng dạy khi phụ huynh có nhu cầu cho trẻ học. Tôi thấy khả năng lứa tuổi của các cháu mầm non tại Việt Nam không khác gì các bé ở Hàn Quốc về mặt trí tuệ, tiếp nhận ngôn ngữ thứ 2 như tiếng Anh, chỉ khác ở chỗ môi trường và điều kiện phòng ốc để trẻ hứng thú, thoải mái hơn thì Việt Nam chưa đạt được.
Ông SEBASTIAN HONG,
Công ty TNHH Dịch vụ Giáo dục Poly, Hàn Quốc
QUỐC VIỆT
Theo Pháp Luật