Thứ năm, 12/7/2018, 22h57

Thi hay không thi?

Nếu Hamlet (thế kỷ XII) luôn hoài nghi, đau đáu về cuộc sống lúc bấy giờ đã thốt lên một cách ngờ vực: “Sống hay không sống?”, thì nay, chúng ta sau những kỳ thi tốt nghiệp THPT đầy căng thẳng, luôn được ví von với hình ảnh “trận đánh lớn” cũng đặt câu hỏi: “Thi hay không thi?”.

Chúng ta không phủ nhận tính khách quan, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi. Một khi “guồng máy thi” vận hành thì nó cuốn vào trong đó tất cả những lo toan, những tính toán, những định hướng cho việc dạy và học thế nào để có kết quả tốt nhất. Rồi những tình huống trong quá trình thi đã diễn ra, tùy theo độ “nóng, lạnh” của đề thi. Năm trước, đề thi quá dễ nên những cơn “mưa điểm 10” làm ngập lụt cả trang giấy thi. Hệ quả tiếp theo là có thí sinh đạt 30 điểm vẫn rớt ĐH, một tiền lệ chưa từng có trong việc xét tuyển ĐH, CĐ! Có lẽ “rút bài học kinh nghiệm” nên đề thi năm nay lại quá khó. Ngay cả tiến sĩ toán mà giải bài còn không đủ giờ (mặc dù không bị áp lực trong phòng thi như học sinh). Oái oăm ở chỗ là toán là môn thi thứ hai trong ngày nên khi thi xong, theo truyền thông, có rất nhiều học sinh mất nhuệ khí, mất “tinh thần chiến đấu” vì không làm được bài.

Đã có một thời, việc đánh giá, xét tốt nghiệp THPT được giao cho các trường. Việc chấm bài được hoán đổi giữa các trường với nhau. Nhưng chỉ thực hiện được một, hai năm thì bỏ; lại trở về làm theo cách chấm chung như hiện nay. Nếu một kỳ thi gây tốn kém thời gian, tiền bạc (tổ chức coi thi, tổ chức chấm, tiền lưu trú, tàu xe…); chưa kể đông đảo phụ huynh bỏ công ăn việc làm để đưa đón con đi thi mà cuối cùng cả nước có tỷ lệ vẫn đạt gần 100% đậu thì nên xem lại: “Thi hay không thi?”.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)