Thứ bảy, 20/8/2016, 20h51

Thí sinh biết cân nhắc khi quyết định chọn trường học

Thí sinh làm thủ tục nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Nam Cần Thơ

Theo ghi nhận của Giáo dục TP.HCM, hiện các trường ĐH, CĐ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều chưa tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, lần đầu tiên Trường ĐH Y dược Cần Thơ mới tuyển đạt 62% khi chỉ có 505 thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi; trong khi chỉ tiêu tuyển của trường là 985. Còn Trường ĐH Nam Cần Thơ chỉ có 1.500 thí sinh nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển là 2.700. Tương tự, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ chỉ có 500 thí sinh làm thủ tục nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển là 912…

PGS.TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Năm học 2016-2017 trường tuyển 8.200 chỉ tiêu. Nhằm đề phòng số thí sinh ảo nhiều, trường gọi trúng tuyển thêm 18%. Tuy nhiên đến nay trường còn thiếu khoảng 1.280 chỉ tiêu”.

Trong khi đó, các trường CĐ cũng có chung tình trạng khi thí sinh đến làm thủ tục nhập học rất thấp. Những năm trước Trường CĐ Cần Thơ luôn đạt vượt mức chỉ tiêu ngay đợt 1 (năm nay trường có 2.900 chỉ tiêu bậc CĐ), nhưng năm nay, theo thầy Trần Thanh Liêm (Hiệu trưởng nhà trường), trường sẽ xét tuyển bổ sung vì hiện mới tuyển đạt 40%. Tại trường này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Sơn (ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đưa con gái là Nguyễn Hương Giang đến làm thủ tục nhập học. Kỳ thi vừa qua, Hương Giang đạt 17,25 điểm cho các môn toán, văn và ngoại ngữ (cộng điểm ưu tiên khu vực là 18,75). Em trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Cần Thơ, nhưng ông Sơn quyết định cho con học CĐ kế toán. “Học kế toán sau này ra trường không làm Nhà nước thì làm cho tư nhân. Theo tôi, thời buổi này không cần phải cố gắng học ĐH bằng mọi giá, mà cơ bản là học xong phải có cái nghề, để cháu có thể làm việc nuôi bản thân và gia đình”, ông Sơn giải thích.

GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) nhận xét: “Trường ĐH hiện quá nhiều. Cơ chế xét tuyển mở rộng, với nhiều hình thức, kể cả thí sinh tốt nghiệp ở cụm thi địa phương (với tỷ lệ hơn 99%). Việc học ĐH quá dễ khiến ở Việt Nam cử nhân, kỹ sư dư thừa nhưng lại thiếu thợ, nhất là thợ tay nghề cao. Theo tôi, nhiều thí sinh và phụ huynh đã suy nghĩ, cân nhắc khi quyết định chọn ngành, chọn trường học, để không lãng phí thời gian và tiền bạc”.

Đan Phượng