Thứ hai, 25/6/2018, 17h37

Thí sinh đi thi bằng… đầu gối

Dị tật bẩm sinh đã cướp đi đôi chân nhưng Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997) quyết không đầu hàng số phận. Từ lúc 8 tuổi, Thủy đến trường bằng… đầu gối và chưa một lần từ bỏ ước mơ con chữ dù cơn đau luôn hành hạ.

Suốt nhiều năm Thủy kiên trì đến trường bằng đầu gối. Ảnh: TD

Kết thúc môn thi Ngữ Văn sáng 25-6 tại điểm thi THCS Colette (TP.HCM), thí sinh Phạm Thị Thu Thủy cùng người bạn Phùng Thị Ngọc Nhi rời phòng thi rất muộn. Thủy cho hay, phần vì đi lại khó khăn phải chờ các bạn ra về để tránh va chạm, phần vì cả hai đều mải miết trao đổi kết quả bài thi đến quên cả giờ về.

Thủy kể, sinh ra đã không may khi đôi chân bị teo và liệt hoàn toàn và lớn lên trong Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình (Quận Thủ Đức, TP.HCM). “Ở đó, các anh chị và các bạn đều khỏe mạnh bình thường trong khi em rất khó khăn để đi lại. Đó cũng là lý do đến 8 tuổi mới được đến lớp, mà được học cũng “trầy trật” lắm vì không nơi nào nhận.

Thủy cùng bạn là hai thí sinh cuối cùng rời khỏi phòng thi. Ảnh: TD

12 tuổi, Thủy được chuyển đến Làng trẻ Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) và được hỗ trợ tham gia các lớp học văn hóa tại Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TP.HCM.

Thủy chia sẻ rằng chưa một lần được gặp cha mẹ. Với em, một cái ôm, vòng tay ấm áp từ đấng sinh thành là thứ gì đó quá xa vời bởi từ nhỏ em chưa một lần gặp cha mẹ. Bù lại, Thủy được sống trong tình yêu thương của các mẹ nuôi (y, bác sỹ tại bệnh viện Từ Dũ), và sự đồng cảm, tương thân tương ái của gần 60 anh chị, bạn bè hiện đang sinh sống trong làng trẻ Hòa Bình. Từ làng trẻ đến lớp học khoảng 3 cây số, nhiều năm qua, đều đặn mỗi ngày Thủy được một người anh cùng cảnh ngộ trong làng trẻ chở đến lớp bằng xe 3 bánh. Đến cổng trường, Thủy tự mình xoay trở bằng đầu gối. Hôm nay, Thủy cũng mang theo tình cảm, niềm tin và hy vọng của cả đại gia đình gần Làng trẻ Hòa Bình để vào phòng thi. Đôi đầu gối nhỏ nhắn nhưng chai sạn bước từng bước ngắn nhưng đầy lạc quan.

Thủy chia sẻ thêm: “Trong tất cả các môn học, em thích nhất môn Hóa nhưng ước mơ của em là trở thành một giáo viên dạy trẻ đặc biệt nên đã chọn bài thi Khoa học xã hội. Em sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện được ước mơ…”

Nhiều năm cùng khóc, cười với các anh chị, bạn bè, và những trẻ khuyết tật tại Làng trẻ Hòa Bình cũng như Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TP.HCM, Thủy đã coi đó là gia đình, nguồn cội. Mỗi lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, Thủy tự nhủ còn nhiều người khác khó khăn hơn, nhất là những bạn không may bị câm điếc nên nhiều năm nay em đã học thêm ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ các bạn trong giao tiếp.

Thủy trong lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM

“Ngoài ước mơ trở thành giáo viên dạy trẻ đặc biệt, có công việc phù hợp nuôi sống bản thân thì mong muốn lớn nhất là góp phần truyền cảm hứng cho người kém may mắn. Do vậy, dù gặp khó khăn em vẫn luôn chấp nhận để vượt qua. Bản thân mình dễ gục ngã thì sao có thể truyền cảm hứng cho người cùng cảnh ngộ vươn lên được”, Thủy thể hiện quyết tâm.

Thương Thương