Chủ nhật, 3/7/2016, 22h35

Thi THPT quốc gia 2016: Đề phân hóa rõ, TS khó đạt điểm cao

Gần 900 ngàn thí sinh (TS) cả nước đã hoàn thành 3 ngày thi THPT quốc gia. Theo ghi nhận của nhóm PV Báo Giáo dục TP.HCM, sau khi kết thúc 6 môn thi (toán, văn, tiếng Anh, vật lý, địa lý và hóa học), TS thích thú với nhiều nội dung đề thi gắn liền với đời sống thực tế. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết, TS sẽ khó đạt điểm cao...

TS tại cụm thi TP.HCM trao đổi sau khi làm bài môn hóa chiều 3-7Ảnh: D.Bình

TP.HCM: TS tự tin sẽ đạt điểm trên trung bình

Tiếp xúc với các TS sau khi các em làm bài thi xong, đa số TS tự tin sẽ đạt điểm trên trung bình để phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT 2016. Song các TS cũng thừa nhận để có điểm cao xét tuyển vào các trường ĐH, đặc biệt là trường tốp trên thì rất khó do đề có độ phân hóa cao, nhiều môn được TS và giáo viên nhận định khó hơn năm trước.

Vừa thi xong môn hóa (chiều 3-7), nhiều TS tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn dùng điểm thi môn này để xét tuyển ĐH khá lo lắng. Nhóm TS gồm Trần Thị Thanh Thương (Trường THPT Võ Thị Sáu), Trần Thị Lữ (Trường THPT Phan Đăng Lưu) thi tại điểm thi này cho biết: Đề có 50 câu trắc nghiệm, 30 câu đầu rất dễ, TS có học lực trung bình có thể làm được nhưng những câu sau bắt đầu khó dần lên, đặc biệt là câu 45 đến câu 48. Đề thi này khó hơn đề thi năm 2015 một chút, tương tự đề toán cũng khó hơn vì từ câu 7 đến câu 10 có nhiều dạng cần tính toán nhiều, chỉ những HS học thật xuất sắc mới làm được trọn vẹn.

TS Trần Gia Thái (Trường TH-THCS-THPT Văn Lang) thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng có nhận định tương tự ở môn toán: “Đề toán từ câu 1 đến câu 6a vừa sức, nhưng từ câu 6b trở đi thì độ khó tăng dần, khó hơn năm trước nhiều. Còn đề vật lý, 30 câu đầu rất dễ, 20 câu còn lại bắt đầu khó. Hai môn này em dùng để xét tuyển ĐH nhưng chắc chỉ được 6 đến 7 điểm”.

Rất nhiều TS ở các điểm thi khác cũng không mong đợi đạt điểm tuyệt đối vì năm nay đề toán, vật lý và hóa học có nhiều câu đặc biệt khó. TS Thái Ngọc Thảo My (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) thi tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dùng điểm tổ hợp môn toán, văn và tiếng Pháp để phục vụ xét tuyển vào ĐH phấn khởi cho biết: “Đề thi vừa sức, không đánh đố nhưng có độ phân hóa rất cao. Môn toán và văn đều khó hơn đề thi THPT quốc gia năm 2015, đặc biệt ở môn toán cả 3 câu cuối cùng rất khó. Môn văn tuy không có đề cập đến vấn đề thời sự như dự đoán của em nhưng lại rất gần gũi với đời sống. Còn môn địa có đem các vấn đề thời sự vào như tình trạng ngập mặn ở ĐBSCL”. TS này dùng môn địa để xét tuyển tốt nghiệp, không ôn tập nhiều nên nghĩ đạt được điểm 6, các môn còn lại TS này cho rằng sẽ đạt điểm cao hơn nhưng điểm 9, điểm 10 là không mong đợi.

Đúng như nhận định của TS khi làm bài thi, nhiều giáo viên cũng khẳng định đề thi năm nay có độ phân hóa rất cao, TS có học lực trung bình có thể giành được điểm 5, điểm 6 nhưng khó có thể giành được điểm cao. Thầy Huỳnh Lê Vũ (giáo viên dạy toán Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm), cô Nguyễn Thị Minh Tâm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc), cô Nguyễn Ái Trà My (giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân) đều cho rằng, đề khó hơn năm ngoái, TS khó làm được điểm tuyệt đối. Tuy nhiên, đối với môn vật lý, thầy Đào Kim Nguyễn Thụy Nam (Tổ trưởng môn vật lý Trường THPT Nhân Việt) khẳng định, từ câu 40 trở đi đặc biệt khó, chỉ dành cho TS có học lực giỏi nhưng sẽ có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái. Còn ở môn địa lý, cô Ngô Thị Phương Lan (Tổ trưởng môn địa lý Trường THPT Võ Trường Toản) cho rằng, đề rất hay, đưa vấn đề thời sự vào nên TS khó làm theo “tủ”, phổ điểm 6-7 sẽ rất nhiều.

Hà Nội: Địa lý dễ “nhằn” nhưng khó đạt điểm cao

66 TS bị kỷ luật trong ngày thi thứ 3

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, trong ngày thi thứ 3 ở 2 môn địa lý và hóa học, cả nước có 66 TS bị kỷ luật. Trong đó, 7 trường hợp bị khiển trách, cảnh cáo 6 trường hợp và đình chỉ 53 TS. Cả hai môn này đều có trên 98% TS dự thi.

Trong buổi thi môn địa lý sáng 3-7, có gần 6.000 TS đăng ký nhưng không đến dự thi. Trong đó, có gần 2.000 TS thuộc cụm thi tốt nghiệp (dành cho TS đăng ký thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp) và gần 4.000 TS thuộc cụm thi ĐH (dành cho TS có sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH).

M.T

Kết thúc buổi thi thứ 5, ghi nhận tại Hà Nội, các TS rời khỏi phòng thi với tâm lý khá thoải mái, phấn khởi. Môn địa lý là môn được TS lựa chọn để xét tốt nghiệp nên đa số TS rời phòng thi khi chưa hết thời gian. Nhiều TS cho biết, đề thi địa lý khá dễ thở, có thể kiếm điểm 6, 7 dễ hơn những môn đã thi.

Tuy nhiên, nhận xét về đề thi địa lý, cô Mai Thị Tuyết Hạnh - Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định - cho biết: Mới nhìn qua đề có vẻ như thấy “dễ ăn”, nhưng thực chất, để đạt điểm cao của đề địa lý năm nay không dễ chút nào. Chắc chắn tỉ lệ TS làm bài bị sót ý hoặc diễn đạt không sát ý là rất lớn. Vì vậy sự phân hóa không chỉ nằm ở phần đề thi mà còn nằm nhiều ở phần đáp án. Phổ điểm năm nay sẽ thấp hơn năm 2015”.

Đà Nẵng: TS vui vì đề địa lý dễ, than đề hóa khó

Sáng 3-7, 3.608 TS dự thi tại cụm thi 40 (Đà Nẵng) đã bước vào môn thi địa lý. Hết 2/3 thời gian thi theo quy định, nhiều TS đã rời phòng thi trong tâm trạng khá thoải mái. TS tự do Nguyễn Văn Trần Phúc - dự thi tại Hội đồng thi THPT Trần Phú để xét tuyển ĐH khối C - cho biết: “So với năm trước, đề thi môn địa năm nay khá dễ. Phần lớn các câu hỏi của đề thi liên quan đến Atlat vì vậy chỉ cần biết vận dụng kiến thức từ Atlat thì có thể đạt được 4 đến 5 điểm”. TS Như Hạnh - HS Trường THPT Phan Châu Trinh, dự thi xét tuyển ĐH khối D - cho rằng: “Đề thi môn địa năm nay dễ làm. Em thấy hay nhất là câu hỏi số 1 về đa dạng sinh học. Với câu hỏi này, TS không chỉ vận dụng kiến thức sách giáo khoa mà còn có thể phát biểu suy nghĩ của mình về tầm quan trọng bảo vệ đa dạng sinh học chống biến đổi khí hậu”.

Các TS Trường Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) được quản sinh chăm lo cơm trưa tại điểm thi. Ảnh: V.Yên

Cùng đồng hành với 15 TS đồng bào dân tộc thiểu số trong kỳ thi này, Ban Giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã bố trí xe ô tô, quản sinh đi kèm tại 2 điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và THPT Trần Phú để hỗ trợ, chăm lo bữa ăn trưa cho TS. Cô Lê Thị Diệu Linh, quản sinh hỗ trợ TS tại điểm thi Trường THPT Trần Phú cho biết: “Điểm thi này có 7 HS của trường dự thi. Hàng ngày nhà trường bố trí xe đưa đón các em đến điểm thi. Buổi trưa, tôi phụ trách mua cơm trưa đến điểm thi cho các em và động viên các em trước giờ thi. Riêng TS Trần Thị Hoa do bị bệnh, đi xe ô tô bị say, ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi chủ động chở em bằng xe gắn máy suốt 2 ngày nay”. Cô Linh cũng cho biết thêm, sáng 4-7, điểm thi do cô phụ trách chỉ có 1 TS dự thi và vẫn được xe đưa đón, quản sinh hỗ trợ mua cơm trưa cho em.

Chiều 3-7, các TS bước vào môn thi hóa, đây là môn thứ 6 trong 8 môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Theo nhận xét của đa số TS sau khi rời phòng thi, đề thi môn hóa năm nay quá khó, trừ 30 câu tương đối dễ thì TS nắm chắc phần giải đáp án, 20 câu hỏi còn lại đa số đều đánh lô tô may rủi. TS Nguyễn Quốc Trọng (HS Trường THPT Phan Châu Trinh) cho biết: “Đề thi năm nay quá khó và dài. Kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12 nhưng để hoàn thành một số câu hỏi trong bài tập, đòi hỏi phải nắm vững kiến thức nền của lớp 10 và 11 mới làm được. Em chỉ làm chắc chắn được khoảng 50%, số còn lại nhờ may rủi”. TS Huỳnh Thị Hải Quỳnh, dự thi tại điểm thi Phan Châu Trinh cho rằng: “Đề rất khó. Ngoài khoảng 50% kiến thức cơ bản, nhiều câu hỏi đòi hỏi TS phải có kiến thức nâng cao. Trong đề, phần khó nhất là phần bài tập”.

Theo báo cáo nhanh từ ĐH Đà Nẵng, trong 3 ngày thi đầu tiên, có 5 TS bị đình chỉ thi và khiển trách do mang điện thoại di động vào phòng thi, trao đổi bài trong lúc thi… Tình hình an ninh trật tự tại các điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Nhóm PV

BÊN LỀ

Chép tài liệu sau thẻ dự thi

TS Tây Ninh thuộc cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì bị tai nạn nhẹ trong lúc đi thi được sinh viên tình nguyện hỗ trợ cõng và bế vào phòng thi

ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết, trường được giao tổ chức thi cho gần 8.800 TS Tây Ninh tại 12 địa điểm. Trong giờ thi môn văn (ngày 2-7), hội đồng thi phát hiện và đình chỉ một TS do sử dụng tài liệu. TS này đã chép tài liệu vào mặt sau của thẻ dự thi. Trong lúc làm bài, cán bộ coi thi đã phát hiện và lập biên bản. TS này là học viên của một trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh.

Cũng theo ông Sơn, trong 3 ngày thi, tại cụm này có một số TS bị té xe, xây xước nhẹ nên được sơ cứu và thi bình thường. 2 TS bị đau ruột thừa, dù mổ 2 ngày trước khi thi nhưng vẫn cố gắng làm bài. Trong khi đó, 3 TS bị đình chỉ ở cụm thi Gia Lai do Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chủ trì cũng bị phát hiện trong lúc đang sử dụng tài liệu. Các TS này đã photo tài liệu rất nhỏ, nhét vào túi mang vào phòng thi.

Tin, ảnh: Mê Tâm

Học sinh chuyên hóa ngất xỉu trong giờ thi hóa

TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, tại cụm thi Gia Lai do đơn vị này chủ trì TS Trà Phương Quỳnh bị ngất xỉu trong giờ thi môn hóa (chiều 3-7). Đáng nói, TS này lại là học sinh chuyên hóa Trường THPT chuyên Hùng Vương của tỉnh (Tổ hợp chính em chọn thi là toán - hóa - sinh, với môn hóa là thế mạnh). Do có tiền sử bị viêm loét dạ dày, TS này đã bị ngất xỉu trước giờ bóc đề môn hóa, phải nhập viện cấp cứu nên không thể làm bài thi được.

M.Tâm

TS “tí hon” thi để thành bác sĩ thú y

TS “tí hon” Hoàng Oanh tự tin sau buổi thi môn văn sáng 2-7

Bé hơn hẳn so với các TS khác, buổi thi môn văn (sáng 2-7) tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (điểm thi của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), TS “tí hon” Trần Nguyễn Linda Hoàng Oanh (Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM) vẫn tự tin hoàn thành tốt phần thi của mình.

Nội dung “đọc hiểu” trong đề thi văn có phần làm khó TS Oanh, tuy nhiên, các phần khác em thực hiện tốt. Đặc biệt, nội dung về sự hèn nhát và dũng khí tạo sự thích thú ở cô TS “tí hon” này. Như nội dung đề thi “sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất chính mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”, Hoàng Oanh cho rằng, ai cũng cần dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình. Câu nói này thiết thực với giới trẻ vì thực tế, nhiều bạn trẻ không dám thể hiện quan điểm hoặc thờ ơ không muốn nói.

Thích chăm sóc động vật, Hoàng Oanh dự định xét tuyển vào ngành thú y của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM để thỏa nguyện đam mê trở thành bác sĩ thú y.

Tin, ảnh: Thục Trân