Thứ bảy, 18/3/2017, 10h43

Thi THPT quốc gia 2017: Áp lực lớn lên cấp sở

Tại Hội nghị triển khai công tác thi THPT Quốc gia và tuyển sinh Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) năm 2017 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, những điểm mới trong kỳ thi năm nay, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho thí sinh, sẽ tạo ra rất nhiều áp lực lên địa phương tổ chức kỳ thi.

Thi THPT quốc gia 2017: Áp lực lớn lên cấp sở
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Dễ sai sót trong coi thi

Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều thuận lợi cho thí sinh. Các cụm thi được tổ chức tại các quận, huyện nên thí sinh, người nhà không phải di chuyển xa. Không còn tình trạng phải ở trọ trong suốt thời gian thi. Số buổi thi giảm từ 8 buổi xuống còn 5 buổi. Số lượng bài trắc nghiệm tăng nên áp lực chấm thi sẽ giảm. Phòng thi có 24 thí sinh với 24 đề khác nhau nên áp lực coi thi cũng giảm vì thí sinh không thể quay cóp của nhau.

Bên cạnh đó, theo ông Thái, cũng có một loạt áp lực. Đó là, Sở GD&ĐT phải tổ chức một kỳ thi có quy mô lớn hơn, số lượng thí sinh đông hơn. Vì phải tổ chức cho các học sinh đang học lớp 12 thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH, CĐ và những thí sinh đã tốt nghiệp THPT lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ (thí sinh tự do). Hà Nội dự kiến có khoảng trên 80.000 thí sinh lớp 12 dự thi THPT quốc gia 2017.

    “Như vậy tổng cộng có 14 loại đề thi, mỗi loại có 24 mã đề thi. Nhiều môn trắc nghiệm nên số lượng trang in nhiều hơn. Việc đóng gói, phân chia về điểm thi khó khăn hơn. Rồi bài thi tổ hợp, thí sinh tự do có thể chọn một số môn để dự thi. Do đó, đóng gói đề thi phức tạp, áp lực lên khâu coi thi cao hơn”
    Ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội
Thứ hai, tính chất của kỳ thi nhạy cảm hơn. Dư luận báo chí nghi ngờ về độ trung thực của kỳ thi nên quan tâm hơn, nhất là khâu coi thi. Ông Thái cũng dự đoán có thể nhiều thí sinh sẽ mang máy quay vào phòng thi. Hơn nữa, do lấy điểm để xét ĐH nên tính quyết liệt của kỳ thi  cao hơn, thí sinh dễ sử dụng nhiều hình thức để gian lận như quay cóp tinh vi hơn, sử dụng các phương tiện công nghệ cao để tiêu cực. Những năm trước, tại các cụm thi ĐH, thường có tình trạng sử dụng công nghệ cao để nhờ người thi hộ. “Tất cả những khó khăn đó, giờ dồn hết về phía Sở GD&ĐT” – ông Thái nói.

Mặt khác, ông Thái cũng nhấn mạnh đến những sai sót nhỏ của cán bộ coi thi dẫn đến tình trạng thí sinh khiếu kiện quyết liệt. Thách thức nữa đối với ban in sao đề thi là số lượng đề thi lớn hơn. Số loại đề thi nhiều hơn, có 8 bài thi và môn thi thành phần, có 6 loại ngoại ngữ. “Như vậy tổng cộng có 14 loại đề thi, mỗi loại có 24 mã đề thi. Nhiều môn trắc nghiệm nên số lượng trang in nhiều hơn. Việc đóng gói, phân chia về điểm thi khó khăn hơn. Rồi bài thi tổ hợp, thí sinh tự do có thể chọn một số môn để dự thi. Do đó, đóng gói đề thi phức tạp, áp lực lên khâu coi thi cao hơn” – ông Thái chia sẻ. Mặt khác, theo ông Thái, một điểm thi có 1 túi đề thi dự phòng (tương đương 24 mã đề) mỗi môn thi, nếu xảy ra sai sót trong quá trình in ấn thì mỗi mã đề chỉ được 1 lần sử dụng. “Giả sử điểm thi có 800 thí sinh dự thi, có 1 thí sinh đề thi có vấn đề  có thể khắc phục được ngay vì có thể lấy ở túi dự phòng, nhưng nếu xác suất là 2/800 mà không chuẩn bị chu đáo thì vào thời điểm đó khó có cách xử lý” – ông Thái lấy ví dụ.

Có thể tổ chức thành các cụm thi lớn

Theo một chuyên gia khảo thí của Bộ GD&ĐT, năm nay, do có bài thi tổ hợp nên thí sinh và giám thị coi thi đều phải được tập huấn, học quy chế một cách kỹ lưỡng. “Nhất là đối với những thí sinh tự do. Về nguyên tắc, thí sinh tự do được chọn môn thi trong bài thi tổ hợp để lấy kết quả do đó, sẽ có phòng thi riêng cho từng đối tượng.  Tất cả các thí sinh, khi đăng ký hồ sơ dự thi phải đặc biệt chú ý khai đúng từng mục yêu cầu” – vị chuyên gia này cho hay. Ông Bùi Quang Thái cho biết thêm, với thí sinh tự do có tới 6 loại phòng thi dành cho 2 bài thi tổ hợp. Ví dụ bài thi Khoa học tự nhiên thì sẽ có 3 loại phòng thi: Vật lý - Hóa, Vật lý - Sinh,  Hóa - Sinh. Các túi bài thi cũng sẽ được phân chia theo các phòng thi như thế này.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng cho biết, điều lo lắng nhất là tâm lý của những học sinh có học lực hơi yếu một chút khi làm bài thi tổ hợp. Bình thường  dạy ở trên lớp, học trò nào học lực yếu, không làm được bài là run. Nên khi vào làm bài thi tổ hợp nếu bài này không làm được sợ các em mất tinh thần không làm được bài tiếp theo.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, mọi năm Sở chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay một kỳ thi hai mục đích nên tính cạnh tranh khốc liệt. Mọi năm Sở chỉ đảm trách học sinh tốt nghiệp, tính cạnh tranh không cao. Do đó, năm nay những người đi làm thi rất vất vả.

Giám đốc Sở  GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết đang lên phương án, có thể tổ chức một cụm thi lớn gồm các trường trong một, hai quận huyện gần nhau. “Tôi đã làm việc với hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường có tới 200 phòng học. Nếu tổ chức ở đây một cụm thi cho các trường ở các quận xung quanh thì sẽ rất thuận lợi cho thí sinh và cán bộ coi thi” – ông Độ khẳng định. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu lãnh đạo các trường THPT chuẩn bị cơ sở vật chất thật tốt để phục vụ kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 

Nghiêm Huê (TPO)