Thứ bảy, 3/12/2016, 19h23

Thi THPT quốc gia 2017: Cần tự chủ khi ôn tập

Liên quan đến việc hiện nay có rất nhiều tài liệu tham khảo trôi nổi trên thị trường hướng đến kỳ thi THPT quốc gia 2017, trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Bộ không có chủ trương biên soạn và phát hành sách tham khảo cho học sinh.

Khi chọn sách tham khảo ôn thi, học sinh cần tìm hiểu kỹ từ tên nhà xuất bản, tác giả, mục lục… để tránh mua nhầm sách lậu (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi  

Ông Ga cho biết nội dung của kỳ thi THPT quốc gia 2017 chủ yếu vẫn ở kiến thức chương trình lớp 12. Cho nên tài liệu chính vẫn là sách giáo khoa (SGK) lớp 12 và những tài liệu liên quan của Bộ GD-ĐT phát hành.

Một lý do nữa mà học sinh cần phải bám sát chương trình SGK để ôn, đó là kỳ thi này có sự thay đổi lớn từ đơn môn thành liên môn theo các khối tự nhiên và xã hội. Vì vậy số lượng câu hỏi của từng môn sẽ giảm xuống, yêu cầu kiến thức cũng hướng đến những trọng tâm cơ bản. Do đó, ôn tập sát với SGK là một cách ôn hiệu quả. Để lường trước những bất lợi cho học sinh trong quá trình ôn tập, cần chú ý hai điểm sau đây:   

Chú ý kỹ năng làm bài

Năm nào cũng thế, cứ đến giai đoạn nước rút của việc ôn thi là trên các trang mạng lại xuất hiện nhiều dạng đề thi “tiên đoán”, nhiều đề mẫu, nhiều dạng đề của hầu hết các môn. Trong đó đáng chú ý là môn văn, nhất là các vấn đề “nóng” của xã hội. Nếu các em học sinh không tỉnh táo, thiếu chủ động trong việc ôn tập, dễ nghe theo, để rồi học ôn bị lệch thì hậu quả đáng tiếc là không tránh khỏi.

Quan sát và gắn bó nhiều năm với thi cử, chúng tôi khẳng định rằng những đề thi “tiên đoán”, các đề mẫu ấy chỉ có tính tham khảo. Bộ GD-ĐT cũng đã tuyên bố không soạn tài liệu ôn tập, không giới hạn nội dung chương trình. Vì thế, học sinh ôn theo kiến thức được học ở nhà trường. Không nên xem các đề “tiên đoán” là chuẩn để học tủ, để tự giới hạn kiến thức. Cái quan trọng ở đây không phải là đề thi ra đề tài gì, kiến thức gì, phần nào, sự kiện gì ngoài xã hội, mà là ở kỹ năng, tư duy của người làm bài. Vì thế, dù đề thi cho như thế nào, thì người có kỹ năng làm bài tốt cũng sẽ giải quyết được. 

Để ôn tập đúng hướng và làm bài có kết quả, các em học sinh cần thấy rõ hai mức độ yêu cầu của đề thi: 60% hướng đến mục đích xét tốt nghiệp, 40% để phân loại thí sinh. Cho nên các em vừa phải ôn sát với chương trình học để giải quyết yêu cầu thứ nhất, vừa phải tự học, rèn kỹ năng, học giải các kiến thức nâng cao để giải quyết yêu cầu còn lại. Ngoài ra các em cần tham khảo các đề thi minh họa của bộ để nắm được cấu trúc và yêu cầu của đề bài.

Sử dụng tài liệu đúng cách

Đối với học sinh phổ thông, nếu kiến thức chỉ dừng lại ở bài giảng của giáo viên và SGK mà không tự học, tự khám phá thêm tài liệu khác thì khó có thể giỏi được. Nhưng không phải mọi học sinh đều biết cách sử dụng, nhất là trong bối cảnh tài liệu tham khảo tràn lan như hiện nay. Để không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” do dùng tài liệu không đúng cách, chúng tôi khuyên các em hai điểm sau đây:

Ngoài việc chọn và sử dụng tài liệu, các em còn phải biết cách ghi nhớ và trích dẫn, vận dụng kiến thức từ tài liệu vào bài làm một cách hợp lý để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục.

Thứ nhất, chọn tài liệu. Nếu vào bất cứ nhà sách nào hiện nay chúng ta đều thấy sách tham khảo chiếm một số lượng rất lớn, đủ các bộ môn, các bậc học. Bên cạnh sách do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, thì có khoảng 50% đầu sách là do liên kết xuất bản. Nếu chịu khó tìm hiểu sẽ thấy có nhiều nội dung trùng lặp lẫn nhau, một số kiến thức thuộc chương trình SGK cũ, nhất là các môn xã hội. Trong trường hợp này, các em học sinh không nên vội vàng chọn sử dụng. Mà phải tìm hiểu kỹ từ tên nhà xuất bản, tác giả, mục lục, năm xuất bản.        

Đọc trước nội dung và so sánh với nhiều cuốn khác nhau để chọn mua. Cách tốt nhất là nên nhờ những người có hiểu biết, có chuyên môn như anh chị là sinh viên, cha mẹ hoặc thầy cô tư vấn chọn giúp. Cần chú ý nữa là hiện nay sách in lậu khá phổ biến, nên sai sót nhiều kiến thức. Vì vậy chọn sách phải có tem, sách phải thuộc hệ thống nhà sách uy tín.

Thứ hai, cách sử dụng tài liệu. Không nên sử dụng quá nhiều tài liệu cho một môn học, vì nếu không đủ tỉnh táo sẽ dễ dẫn đến lẫn lộn, dễ rơi vào cảnh “tẩu hỏa nhập ma” về kiến thức. Cần nhớ, tài liệu chỉ là công cụ hỗ trợ, nâng cao thêm kiến thức trên cơ sở kiến thức nền ở chương trình SGK và bài giảng của giáo viên. Vì thế nó chỉ có hiệu quả khi biết cách kết hợp hợp lý giữa chúng. Chẳng hạn đối với bộ môn tự nhiên, sau khi nắm chắc nội dung và các phương pháp giải cơ bản, các em sử dụng thêm tài liệu bằng cách so sánh, đối chiếu để thấy sự khác biệt, cái mới từ tài liệu. Hoặc đối với môn xã hội, tài liệu sẽ giúp cho người đọc có thêm các kỹ năng như xây dựng bố cục bài viết, văn phong, những phát hiện độc đáo về nghệ thuật, những quan điểm, chính kiến và cảm nhận mới mẻ của người viết. Chứ tuyệt nhiên không vì lệ thuộc quá vào tài liệu mà mất đi kiến thức nền của bài học. Đây là lỗi rất phổ biến của học sinh hiện nay trong việc học hành và thi cử. Cứ vào phòng thi là bị ám ảnh bởi sách tham khảo này, tài liệu nọ, mà không tự làm chủ được kiến thức. Vì thế bài làm què cụt, chắp vá, thiếu sáng tạo cá nhân.

Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)