Thứ năm, 15/6/2017, 23h25

Thi THPT quốc gia 2017 tại TP.HCM: Lường hết các tình huống để xử lý

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM.

Thí sinh coi lại bài thi môn văn tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: D.Bình

Kỳ thi có tính chất “2 trong 1” (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH) năm nay sẽ giao về cho các sở GD-ĐT địa phương chủ trì. TP.HCM là một TP lớn, tập trung đông thí sinh (TS) tham dự nên công tác này đang được chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng.

Ông Đạt cho biết: TP.HCM có 71.469 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017, trong đó TS tự do gần 6.000 em. Các em sẽ dự thi tại 114 điểm thi, riêng TS tự do có 7 loại phòng thi. Để phục vụ cho kỳ thi này, TP đã huy động hơn 12.000 người, trong đó có khoảng 10.000 cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra thi.

PV: Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra, ông có thể thông tin chung nhất về công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc, an toàn?

- Ông Nguyễn Tiến Đạt: Từ 2 năm trở lại đây thi THPT quốc gia giao về cho các trường ĐH tổ chức nhưng từ sau khi giải phóng cho đến năm 2014 các sở GD-ĐT đều tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Là một TP lớn nhưng các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đó Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp tốt với các ban ngành nên không để sai sót gì.

Tuy nhiên, kỳ thi năm nay có một điểm mới là sở GD-ĐT các địa phương chủ trì sẽ phối hợp với các trường ĐH tổ chức, TS dự thi nhiều môn hơn (ngoài 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn ngoại ngữ thì có thêm 2 bài thi tổ hợp tự chọn là bài thi khoa học tự nhiên và bài thi khoa học xã hội), mỗi phòng thi có 24 mã đề thi… Vì vậy, công tác chuẩn bị, tổ chức thi phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết, lường hết các tình huống để xử lý.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP đã phối hợp với các ban ngành như Công an TP, Sở Điện lực, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế… để chuẩn bị cho kỳ thi nghiêm túc, an toàn, tránh kẹt xe trong các ngày thi… Đồng thời, sở cũng tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi, lực lượng thanh tra, giám sát và nhân viên phục vụ thi. Ngoài ra, thường xuyên họp trực tiếp và liên lạc với đại diện các trường ĐH để trao đổi thông tin nhằm đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất.

Với số lượng TS dự thi rất đông, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ làm gì để tránh nguy cơ tiêu cực như TS thi hộ, sử dụng công nghệ cao nhằm gian lận trong khi thi..., thưa ông?

- Trước khi vào phòng thi, TS phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân kèm theo thẻ dự thi có dán hình. Năm nay, hai cán bộ coi thi sẽ cùng gọi tên TS vào phòng thi nên khó có thể xảy ra tình trạng thi hộ.

Đối với những TS gian lận trong khi thi bằng cách sử dụng công nghệ cao, Sở GD-ĐT TP đã tập huấn cho cán bộ coi thi cẩn thận chú ý. Hơn nữa, kỳ thi năm nay TS khó sử dụng công nghệ cao để gian lận vì không đủ thời gian. Thứ nhất, bài thi ngữ văn là bài thi tự luận, đòi hỏi khả năng sáng tạo, gắn với thực tiễn cao nên gian lận trong bài thi này những năm trước hầu như không có. Thứ hai, các bài thi còn lại đều là bài thi trắc nghiệm, thời gian ngắn, số lượng câu hỏi nhiều nên nếu đọc đề thi ra ngoài thì đã hết giờ làm bài. Đồng thời, đề trắc nghiệm mà ngồi “mấp máy” môi để đọc từng câu hỏi thì giám thị rất dễ nghi ngờ.

Việc sao in đề, vận chuyển và bảo mật đề thi là đặc biệt quan trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy Sở GD-ĐT TP đã chuẩn bị như thế nào để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra trong khâu này?

- Việc sao in đề thi cực kỳ vất vả do số lượng đề thi in rất nhiều so với những năm trước. Điều này đòi hỏi phải chuẩn bị tỉ mỉ, máy móc và bao bì đầy đủ hơn, chính xác hơn với những quy trình chặt chẽ. Đồng thời, Sở GD-ĐT huy động số lượng sao in đông hơn, tập huấn kỹ lưỡng hơn, số ngày in nhiều hơn…

Về việc bảo mật đề thi, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an A83 để đề thi được bảo mật tuyệt đối, chọn những nhân sự trách nhiệm và nhiệt tình tham gia.

Xin cám ơn ông!

Dương Bình (thực hiện)