Thứ ba, 13/6/2017, 20h43

Thi THPT quốc gia môn địa lý: Vận dụng sơ đồ tư duy ôn bài hiệu quả

Đây là năm đầu tiên cấu trúc đề thi môn địa lý ra theo hình thức trắc nghiệm, mang tính ứng dụng, vì vậy thí sinh nên học dưới dạng hiểu bài, tránh học tủ, học vẹt. Mặt khác, các em cần rèn kỹ năng sử dụng Atlat hiệu quả để có thể sử dụng kiến thức khi làm bài.

Muốn đạt điểm giỏi, các thí sinh cần rèn kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Dễ đạt 5 đến 7 điểm

Từ 3 đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đưa ra, thể hiện rõ sự phân hóa với 7 câu về tự nhiên, 3 câu dân cư, xã hội; 10 câu các ngành; 10 câu về vùng kinh tế và còn lại 10 câu về kỹ năng làm bài đọc bản số liệu Atlat. Theo đó, kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình sách giáo khoa, với 4 mức độ: nhận biết, đọc hiểu, vận dụng cấp thấp và vận dụng cấp cao đưa ra cho thí sinh.

Đối với cấu trúc bài thi này, thí sinh không khó đạt 5 đến 7 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, các em lưu ý học theo từng chủ đề, không nên học tủ. Qua đó vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức. Ví dụ, trong từng chủ đề thì có những bài nào, trong từng bài thì có những phần nào. Việc vận dụng sơ đồ tư duy giúp thí sinh vào phòng thi dễ dàng khái quát kiến thức một cách chính xác, từ đó biết được kiến thức nằm ở đâu để làm bài.

Đây là năm đầu tiên đề thi ra theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh cố gằng rèn luyện nhiều đề để làm quen với câu hỏi, thời gian. Thí sinh chú ý các kỹ năng đọc bảng số liệu, nhận xét, xử lý bằng số liệu, tính toán và nhớ các phép tính trừ, chia, quy tắc năng suất... để tính tỉ trọng, cơ cấu, năng suất. Bên cạnh đó, các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn, đòi hỏi thí sinh nên học dưới dạng hiểu bài, tránh học vẹt. Ví dụ, xoay quanh di sản văn hóa phi vật thể, trước kia có nhã nhạc cung đình Huế, nay có đờn ca tài tử, muốn trả lời chính xác đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt vấn đề, cập nhật thường xuyên thông tin xã hội để thấy sự thay đổi.

Thí sinh chú ý các kỹ năng đọc bảng số liệu, nhận xét, xử lý bằng số liệu, tính toán và nhớ các phép tính trừ, chia, quy tắc năng suất... để tính tỉ trọng, cơ cấu, năng suất.

Riêng thí sinh có mục tiêu đạt điểm giỏi, nên rèn kỹ kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ. Đặc biệt chú ý các từ khóa để làm bài chính xác hơn. Ví dụ, nói đến biểu đồ đường, thì phải nhớ tốc độ; biểu đồ cột, thì có cột dọc, cột đôi tức là so sánh, cột chồng là thể hiện trong tổng; nhận xét hoặc vẽ thì phải nhớ có từ quy mô, cơ cấu (3 năm trở xuống là biểu đồ tròn, ngược lại 3 năm trở lên là biểu đồ miền). Hoặc trong câu hỏi xuất hiện 2 đại lượng (1 đơn vị là triệu héc, 1 đơn vị triệu tấn) không đồng nhất đơn vị thì đó là biểu đồ kết hợp...

Tận dụng Atlat để làm bài

Atlat trong môn địa lý có vai trò hết sức quan trọng, giúp người học có thể lấy kiến thức vào làm bài thi, hay đúng hơn Atlat là phương tiện nhớ kiến thức giúp người học. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng biết sử dụng, đặc biệt là các thí sinh lựa chọn tổ hợp môn thi tự nhiên ở giai đoạn đầu thường lơ là bài dạy sử dụng Atlat trong đầu năm học, dẫn đến mất thời gian trong quá trình sử dụng.

Như vậy ngay trong giai đoạn ôn tập, thí sinh phải nhớ mục lục Atlat, trang ký hiệu... nằm ở vị trí nào để khi vào phòng thi không lúng túng. Ví dụ, nhận xét sự thay đổi tỉ trọng giá trị của ngành công nghiệp khai thác, chỉ cần lật trang 21 bài biểu đồ công nghiệp sẽ nhìn thấy rõ sự thay đổi tăng, giảm thông qua các màu ký hiệu.

Một vấn đề tưởng chừng không quan trọng nhưng tất cả các thí sinh phải làm tốt đó là trang bị ít nhất 3 bút chì chuốt sẵn, tẩy, thước... trước khi vào phòng thi. Trong quá trình làm bài, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau nhằm tránh mất thời gian, rối tinh thần và không nên bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào.

Lương Quỳnh Hoa
(Tổ trưởng chuyên môn địa lý,
Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM)