Thứ năm, 8/6/2017, 23h57

Thi THPT quốc gia môn vật lý và sinh học: Kiến thức cơ bản thể hiện ở phần đầu đề thi

Nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12 có thể giúp thí sinh đạt 6 điểm trong bài thi môn vật lý và sinh học.

Trước kỳ thi, các thí sinh cần tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin C nhằm tăng sức đề kháng (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Môn vật lý: Thí sinh thường làm sai các câu mang tính ứng dụng thực tế

So với đề thi năm 2016, đề minh họa lần 3 môn vật lý của Bộ GD-ĐT giống bản thu nhỏ, kiến thức đủ 7 chương, chỉ khác ở chỗ giảm số câu và giảm thời gian. Đối với năng lực học sinh trường công lập, không khó đạt được 5,5 đến 6 điểm ở các câu dễ, tập trung ở phần đầu. Còn lại 2 phần, một phần phân hóa năng lực trung bình khá và một phần thực sự khó.

Lợi thế của thí sinh khi vật lý là môn thi đầu tiên trong ngày, các em sẽ tránh được sự mệt mỏi hoặc áp lực tâm lý từ các môn thi khác nên không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, với lối ra đề trong những năm gần đây của Bộ GD-ĐT, trắc nghiệm lý thuyết không đơn thuần là phát biểu mà đề yêu cầu thí sinh phải hiểu, biết cân đối, so sánh, phân tích, tổng hợp. Nhiều thí sinh thường làm sai ở đa số các câu mang tính ứng dụng thực tế, trong đó có những câu rất dễ. Ví dụ câu hỏi “Bảng dao động điều hòa là gì?”, thí sinh sẽ biết, nhưng yêu cầu chỉ ra trong thực tế thì không biết. Lỗi sai này mang tính hệ thống, xuất phát từ thói quen các em không tìm hiểu thêm kiến thức ngoài sách vở, chỉ những thí sinh yêu thích, chịu tìm hiểu mới không gặp khó khăn. Ngoài ra còn phải kể đến lỗi sai đơn vị, sai đồ thị... Mất điểm phần này sẽ hết sức đáng tiếc vì kiến thức hoàn toàn không khó.

Để khắc phục hạn chế trên, bất kể thí sinh nào cũng cần phải nắm vững kiến thức cơ bản, không được phép sai. Đối với các câu lý thuyết quá khó thì nên ghi vào sổ tay. Mặc dù mất thời gian một chút nhưng viết là một kỹ năng, là cách nhớ hiệu quả thay vì đọc lướt. Trước khi thi, mang sổ ra đọc lại nhớ thêm lần nữa.

Thời gian đến kỳ thi THPT quốc gia không còn nhiều, điều quan trọng là thí sinh phải biết lực học của bản thân ở đâu, từ đó có kế hoạch ôn tập hiệu quả. Đặc điểm của học sinh khó đánh giá được năng lực bản thân dẫn đến đăng ký các lớp ôn tập không phù hợp, mất thời gian và không đúng mục tiêu. Theo đó, giáo viên và nhà trường nên nắm bắt, hướng dẫn các em chọn lớp ôn tập đúng năng lực và mục tiêu lấy điểm.

Nguyễn Hoàng Quốc
(Phó tổ trưởng chuyên môn vật lý,
Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM)

Môn sinh học: Ôn theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT

Trong quá trình làm bài, chọn đáp án câu nào, thí sinh phải tô vào phiếu trắc nghiệm câu đó ngay nhằm tránh nhầm lẫn, sai sót... Mặt khác, các em cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi trước ngày thi để không bị mệt mỏi.

Các đề thi minh họa Bộ GD-ĐT vừa ra, kiến thức có sự phân hóa rõ ràng. Mức độ dễ tập trung ở 20 câu đầu và khó dần lên ở các câu sau. Kiến thức đề thi tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12, vì vậy các em nên ôn bài theo cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT đưa ra. Lưu ý chương 1, các em cần nắm vững cả lý thuyết, bài tập cơ chế di truyền và biến dị. Chương 2, nắm vững quy luật di truyền, vận dụng lý thuyết để giải bài tập. Chương 3, nói về di truyền học quần thể, cũng là vận dụng lý thuyết giải bài tập. Chương 4, thiên về lý thuyết hoàn toàn. Chương 5, bài tập kết hợp cả chương 2 và chương 3. Sang học kỳ 2, cần học kỹ chương tiến hóa và chương sinh thái.

Trước đây, đề thi yêu cầu thí sinh làm 50 câu trong vòng 90 phút, năm nay giảm xuống 40 câu nhưng chỉ làm trong 50 phút. Điều này cho thấy việc quy định thời gian là không hợp lý khi số câu chỉ giảm 10 nhưng thời gian giảm gần một nửa. Chưa kể, đề thi môn sinh học thường rất dài, việc dành thời gian đọc đề đã mất rất nhiều, chưa nói đến quá trình suy nghĩ, tô kết quả. Trước quy định này, trong quá trình làm bài, các em chọn đáp án câu nào nên tô vào phiếu trắc nghiệm câu đó để không nhầm lẫn, sai sót. Phải đọc kỹ câu hỏi và chọn đáp án. Gạch từ quan trọng ở các câu dài để quá trình phân tích, đánh giá chọn đáp án nhanh, chính xác hơn.

Năm nay 3 bài thi các môn khoa học tự nhiên diễn ra trong buổi sáng. Môn sinh học thi vào cuối buổi, sau 2 môn vật lý, hóa học dễ khiến thí sinh gặp bất lợi về sức khỏe, tâm lý. Để không ảnh hưởng đến quá trình làm bài, sau khi thi xong môn nào, các em nên bỏ qua, không nên nghĩ về kết quả và dành thời gian thư giãn, tập trung cho môn thi tiếp theo. Trước kỳ thi 2 ngày, các em không nên bù đầu học bài, thay vào đó là hoạt động vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi. Ở thời điểm hiện tại, thời gian hợp lý cho ôn bài là trước 11 giờ đêm rồi đi ngủ và thức dậy 5 giờ sáng hôm sau ôn lý thuyết.

Do kỳ thi diễn ra vào đúng mùa mưa nên phụ huynh cần đưa các em đến hội đồng thi sớm 30 phút để có thời gian chuẩn bị trước khi vào phòng thi. Đặc biệt là phụ huynh phải đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho các em. Đặc biệt, các em không nên ăn các thức ăn lề đường dễ ảnh hưởng đến đường ruột, thay vào đó ăn chín uống sôi, đảm bảo sức khỏe.

Võ Thị Thu Vân
(Giáo viên môn sinh học,
Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)