Thứ sáu, 9/10/2009, 08h10

Thi tốt nghiệp THPT 2010: Không còn phần riêng trong đề thi

Cấu trúc đề thi mới chỉ gồm phần bắt buộc và phần tự chọn, không còn phần riêng của đề thi; Hạ mức điểm chênh lệch giữa các lần chấm; tất cả mọi người không được mang điện thoại vào khu vực thi…
Đó là một trong 11 nội dung dự thảo sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra sáng nay 8/10 tại Hội thảo về “Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục THPT 2009 - 2010” tổ chức tại Hà Nội. 
Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2009
Thay đổi cấu trúc đề thi
Theo quy chế thi tốt nghiệp hiện hành, Bộ yêu cầu thí sinh học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó; Thí sinh làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự thảo, bãi bỏ quy định trên và quy định thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn của đề thi. Thí sinh làm cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự chọn của đề thi.
Việc thay đổi này chính là thay đổi lại Cấu trúc đề thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định như vậy, ông cho biết: “Cấu trúc đề thi mới chỉ gồm phần bắt buộc và phần tự chọn, không còn phần riêng của đề thi”.
Nhiều đại biểu rất đồng tình với nội dung sửa đổi này của Bộ. Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho biết vì hiện nay học phân ban đang bị lệch ban, thí sinh đổ xô đi học ban Cơ bản còn ban Tự nhiên và ban Xã hội thì rất ít học sinh đăng ký. Sửa đổi này của Bộ là rất hợp lý.  
Cấm tất cả mọi người mang điện thoại vào khu vực thi
Nhằm bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, tổ chức và hạn chế tiêu cực, gian lận nảy sinh. Bộ đưa ra nội dung sửa đổi  về nguyên tắc làm việc của Hội đồng coi thi là những người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tất cả mọi người làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi trong thời gian các buổi thi diễn ra đều không được mang theo các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân vào khu vực thi. Trong khi đó, quy chế hiện hành chỉ yêu cầu giám thị không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.
Nhiều đại biểu đã không đồng tình với nội dung sửa đổi này. Bà Hà, trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng: “Yêu cầu như vậy quá chặt và nhiều khi không hợp lý. Ngoài điện thoại đặt tại Hội đồng thi thì Chủ tịch Hội đồng phải có điện thoại để liên lạc với bên ngoài, chứ cấm tất cả như vậy là không được”.
Còn ông Chu Văn Quân, Thanh tra Sở GD-ĐT Hoà Bình đề nghị: “Không được cấm công an mang điện thoại di động vì đây cũng là một nhiệm vụ của họ để có phương tiện thường xuyên báo cáo với cấp trên khi có tình huống xảy ra. Không cho công an mang điện thoại vào, nếu có tình huống đề nghị công an giúp đỡ thì khi tìm được công an đến giải quyết thì sự việc đã muộn”. Bên cạnh đó, ông Quân cũng đề nghị Bộ tăng mức phạt đối với người ra đề sai vì mức độ vi phạm của người ra đề sai rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh trong cả nước.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã yêu cầu thay đổi hình thức xử phạt như hiện nay. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, đề nghị: “Mức độ xử phạt học sinh vi phạm quy chế trong thi hiện nay chưa rõ ai là người có quyết định kỷ luật vì khi thí sinh vi phạm giám thị phải trình lên Hội đồng, rồi chờ Hội đồng họp đầy đủ mới ra quyết định như thế quá lâu. Do vậy, nên để giám thị tự quyết định mức xử phạt tuỳ theo mức độ vi phạm như thế khách quan hơn”.
Hạ mức điểm chênh lệch
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định ngẫu nhiên để rút kinh nghiệm trong các khâu coi thi và chấm thi với 3 môn tự luận của 21 Hội đồng chấm thi với 1807 bài thi. Số bài chênh lệch điểm so với điểm chấm của các Sở là 962 bài. Trong đó, số bài chấm thẩm định có điểm chấm cao hơn so với điểm chấm của Sở là 242 bài (mức từ 0,25 đến 0,5 điểm) và thấp hơn là 719 bài (chủ yếu từ 0,25 đến 1,0 điểm). Những bài thi thi có biểu hiện bị chấm sai do giám thị không phát hiện hết lỗi trong bài làm của thí sinh do phần lớn các bài thi chữ viết quá cẩu thả hoặc do cộng điểm nhầm.
Với quy chế hiện hành, Bộ yêu cầu tổ chức đối thoại giữa các cặp chấm thi của Hội đồng chấm thi và cặp chấm của Hội đồng phúc khảo nếu điểm bài thi tự luận chênh nhau từ 2,0 điểm trở lên. Để kỳ thi 2010 công bằng hơn, Bộ đã sửa đổi lại hạ mức điểm chênh lệch phải xử lý để phù hợp với đặc thù các môn học và chỉ tổ chức đối thoại giữa các cặp chấm nếu bài thi tự luận chênh nhau từ 1,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và 2,0 điểm trở lên đối với các môn khoa học xã hội.
Theo đó, Bộ cũng điều chỉnh điểm của bài thi khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm chuấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên, 1,0 điểm trở lên đối với các mon khoa học xã hội. Quy chế hiện hành thì chỉ điều chỉnh điểm bài thi chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên.
Hồng Hạnh (Dan tri)