Thứ bảy, 21/5/2011, 18h05

Thi tốt nghiệp THPT 2011: Không dừng lâu trước câu khó

Nếu không làm được câu nào thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác, sau đó quay lại làm câu đã bỏ qua

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 sắp diễn ra. Làm thế nào để có kết quả tốt nhất là câu hỏi được rất nhiều thí sinh đặt ra.
 Không sợ “vênh”
 Năm nay, đề thi tốt nghiệp tiếp tục được ra theo hướng “mở”, có nghĩa là 50% điểm số của mỗi đề thi sẽ dành cho những câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Chính vì “mở” nên không ít thí sinh lo lắng sẽ xảy ra tình trạng “vênh” điểm khi chấm, gây thiệt thòi cho thí sinh.
 Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định thí sinh hoàn toàn yên tâm không sợ “vênh” vì đối với các câu hỏi “mở”, trong hướng dẫn chấm cũng đã chỉ ra cách thức cho điểm với những cách trả lời khác nhau của học sinh. Thêm vào đó, theo quy chế thi, trước khi chấm các bài tự luận, các tổ chấm phải tổ chức cho các giám khảo nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của bộ và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp tất cả giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 tại điểm thi Trường THCS Tô Hoàng – Hà Nội. Ảnh: HỒNG HẠNH

Ông Nghĩa cũng lưu ý thêm để đạt được kết quả cao, gần sát ngày thi, các thí sinh cần rà soát, hệ thống lại những kiến thức đã ôn tập, bổ sung những kiến thức còn chưa nắm vững. Đề thi trắc nghiệm gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán tủ, học tủ. Thí sinh cũng không nên nghĩ đến việc mang tài liệu vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi vì mỗi người đều có một đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau.
 Cũng theo ông Nghĩa, kinh nghiệm cho thấy khi làm bài, thí sinh không nên dừng lại quá lâu trước một câu, nếu không làm được thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác, sau đó quay lại làm câu mà mình đã bỏ qua.
 Xóa kỹ phương án trả lời sai
 Mặc dù thi trắc nghiệm đã thực hiện nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều thí sinh mắc phải lỗi kỹ thuật khi thi trắc nghiệm, dẫn đến phải nhận điểm thấp. Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý khi làm bài, thí sinh phải hết sức cẩn thận để tô đúng số báo danh, mã đề thi vì đây là các thông tin rất quan trọng để máy chấm nhận diện bài thi.
 Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung ở cả phần dẫn lẫn 4 lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng rồi dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A (hoặc B, C, D) trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Làm được câu trắc nghiệm nào, các em dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu ứng với câu trắc nghiệm đó, tránh việc làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm vì như vậy rất dễ bị thiếu thời gian.
 Thí sinh nên tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy không chấm và câu đó không có điểm; nếu làm sai phải xóa kỹ phương án trả lời sai để máy chấm không hiểu nhầm có 2 trả lời cho câu hỏi đó. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi, tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng lại tô vào hàng của câu khác trên phiếu.
Giữ nguyên quy định về vật dụng
 Quy định về vật dụng được mang vào phòng thi vẫn giữ nguyên như năm trước. Cụ thể, ngoài bút, thước, compa, tẩy, chì, thước cong, đối với môn địa lý, các thí sinh còn được mang vào phòng thi át-lát địa lý của NXB Giáo dục, máy tính cầm tay nhưng phải là máy tính đáp ứng các yêu cầu: không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi sổ điện thoại...), không có thẻ nhớ cắm thêm.
Yến Anh
Theo NLĐO