Thứ sáu, 3/8/2012, 09h08

Thi tốt nghiệp THPT: Dần trở nên vô nghĩa

Kết thúc mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 là thời điểm phương thức tuyển sinh “3 chung” của Bộ GDĐT đã đi được một chặng đường dài với 11 năm triển khai.

Dù đã có những hiệu quả nhất định, nhưng theo đánh giá của không ít chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục thì “3 chung” đang trở nên “bất cập” với không ít hệ lụy, cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT đã và đang thể hiện một kết quả khá… vô nghĩa!
Kỳ thi vô nghĩa...

Cho đến thời điểm hiện tại, những hệ lụy, phiền toái và tốn kém (tài lực lẫn vật lực) của kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng trở nên rõ ràng trong khi hiệu quả thực tế thì “chẳng có mấy”.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Giang Huy

Theo thầy Cao Huy Thảo – Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt – Úc (TPHCM) thì có thể nói, gần như con số tuyệt đối 100% HS tốt nghiệp phổ thông đều tham gia vào kỳ thi ĐH mà không tính đến hiệu quả của việc đi thi của mình. Trong khi đó, “chuẩn” tốt nghiệp của ta hiện nay lại có một khoảng cách rất xa với chuẩn đầu vào của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Với kết quả tốt nghiệp ở rất nhiều địa phương đạt từ 98 - 99% thì cũng vẫn những đối tượng này, ở kỳ thi tuyển ĐH, CĐ lại đưa ra kết quả điểm 0 ở tất cả các môn đều không ít, còn điểm dưới trung bình thì không đếm xuể. Và cuối cùng thì cũng chỉ có vài chục phần trăm TS dự thi ĐH, CĐ đủ điểm để chính thức bước sâu vào trong ngưỡng cửa của trường ĐH, số còn lại thì lại sẽ rơi vào một trong những trường hợp hoặc tiếp tục “chờ” cơ hội ở kỳ thi năm sau. Hoặc, qua kết quả thực tế này một tỉ lệ nhất định những TS ý thức hơn chấp nhận “rẽ ngang”, bước vào trường nghề để trang bị thêm kiến thức và kỹ năng trước khi bước vào cuộc sống. Song cũng có một bộ phận không nhỏ những em không đỗ ĐH, CĐ sẽ bước chân vào cuộc mưu sinh với nhiều ngành nghề tự do khác mà không hề được chuẩn bị gì cả về tâm lý lẫn kỹ năng nghề nghiệp...

Biểu đồ trên cho thấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt kỷ lục vào năm 2012.

Vị hiệu trưởng này phân tích thêm: Với một kỳ thi tốt nghiệp tốn kém rất nhiều công sức, nguồn lực, vật lực của từng gia đình cũng như cả xã hội... chỉ để loại một vài phần trăm TS không đạt chuẩn thì chúng ta hãy đầu tư những nguồn lực này vào công tác phân luồng HS ngay từ lớp 9 của cấp học phổ thông. Bởi, nếu chúng ta hướng nghiệp tốt, phân luồng hiệu quả thì sẽ khống chế được số TS tham gia vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Khi khống chế được tỉ lệ này thì sẽ giảm áp lực, giảm nguồn chi phí cho kỳ thi ĐH, CĐ một cách đáng kể.
...vẫn không bỏ?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trước câu hỏi về việc tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa qua đã lên tới gần 100% thì có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp để khỏi tốn kém và áp lực, đã có câu trả lời cho rằng mỗi kỳ thi là để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, chất lượng dạy dỗ của nhà trường và thầy cô giáo; chương trình, nội dung sách giáo khoa mà Bộ GDĐT cần thông tin để xem xét, bổ sung. Riêng đối với học sinh quá trình thi cử là một thử thách, từng bước một, từ nhỏ đến lớn từ ít đến nhiều, giúp các cháu rèn luyện ý chí, nghị lực, khắc phục khó khăn để thành người có ích cho gia đình và xã hội. Với cách tiếp cận này thì bộ sẽ không bỏ các kỳ thi nhưng sẽ có sự thay đổi, không biến thi cử thành căng thẳng, sợ hãi cho học sinh, nặng nề tốn kém cho xã hội.
Thay đổi theo ba hướng
Mặc dù chưa đưa ra chi tiết cụ thể của việc đổi mới trong thời gian tới, nhưng như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc đánh giá, thi cử sẽ được đổi mới theo ba hướng. Thứ nhất là nâng cao năng lực đánh giá học sinh trên lớp học trong quá trình dạy học. Đa dạng các hình thức đánh giá học sinh trong quá trình dạy học. Thứ hai là kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học với đánh giá tổng kết cuối năm, cuối cấp. Việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, đặc biệt là bỏ thi tốt nghiệp THCS lẽ ra phải được bù lại bằng đánh giá trong quá trình dạy học thì mình làm chưa tốt, chưa bù được việc mất một kỳ thi. Thứ ba là sẽ tiến hành đánh giá diện rộng trên các địa phương.
Theo ông Hiển, tất cả việc đánh giá nhằm giúp cho việc hình thành năng lực học tập, vận dụng kiến thức kỹ năng tổng hợp để học sinh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Tất cả những cái này hiện đã bắt đầu triển khai. Nhưng phải đến khi có chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới thì mới thay đổi hẳn cách đánh giá, cách làm các kỳ thi, dự kiến tới năm 2015.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng bộ cần phải sớm đổi mới, chứ không thể đợi sau 2015. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - giữ thi tốt nghiệp nhưng phải dưới hình thức nào mà vẫn an toàn, vẫn chặt chẽ thì đó là bài toán Bộ GDĐT phải phấn đấu được. 
Đề xuất của ông Lâm cũng khá trái ngược so với quan điểm ra đề thi hiện nay của bộ: “Theo quan điểm của tôi, thi là đánh giá năng lực của con người ứng phó với một tình huống rất cụ thể, cuộc đời cần như thế chứ không phải tất cả các kiến thức. Hiện nay Bộ GDĐT không dám ra đề có trọng tâm, đó là cái dở vì chúng ta rèn là rèn tư duy, rèn cách giải quyết vấn đề chứ không phải rèn anh nhớ nhiều hay ít kiến thức, vì sự thông minh thì không ai dạy được”.
Cũng theo thầy Lâm, kết quả thi tốt nghiệp này sẽ được ghi rõ vào trong hồ sơ tốt nghiệp của học sinh, học sinh có thể dùng kết quả này đến đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tùy theo nhu cầu của mỗi trường mà các trường đưa ra yêu cầu về mức điểm ở các môn học phổ thông - môn học nào, điểm cao thấp bao nhiêu - từ đó xét tuyển thí sinh vào trường hoặc thông qua các đợt kiểm tra riêng, chứ không cần tổ chức thi chung rầm rộ như hiện nay.
Với phân tích từ thực tế hiện nay, dù là kỳ thi nào (tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, CĐ) thì chúng ta vẫn chỉ tập trung đánh giá kiến thức một số môn nhất định (cụ thể là 3 môn đối với từng TS) trong bậc học phổ thông, thì “vô hình trung” đã tác động đến tình trạng học lệch của TS ở các năm cuối cấp THPT. Tốt nhất là nên giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh để họ tuyển được sinh viên theo đúng yêu cầu của họ – một lãnh đạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đưa ra quan điểm.
Có thể thấy, với yêu cầu bức thiết phải đổi mới các kỳ thi, tới đây, Bộ GDĐT sẽ phải khẩn trương hơn nữa, cho dù là “co” lại thành một kỳ thi hay vẫn giữ nguyên cả tốt nghiệp và “3 chung”.  
 Nếu chỉ tính mỗi học sinh dự thi tốt nghiệp THPT tốn 1.000 đồng, thì với gần 1 triệu học sinh dự thi mỗi năm, thì đã tốn 1 tỉ đồng vô nghĩa. Mà tất nhiên chi phí cho mỗi thí sinh không chỉ là ngần đấy và kèm theo đó là tiền chi cho công tác tổ chức thi, chấm thi... thì mỗi năm mất hàng nghìn tỉ đồng cho việc chọn ra chưa đầy hai chục nghìn thí sinh thi trượt. PGS Văn Như Cương

 “Mặc dù tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là khác nhau nhưng cùng một đối tượng là học sinh học hết lớp 12 mà kết quả thi lại quá chênh lệch nhau thì rõ ràng phải xem lại tính thực chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

"Với bậc phổ thông, nên xét công nhận chuẩn tốt nghiệp hơn là tổ chức một kỳ thi quốc gia quá cồng kềnh và tốn kém như hiện nay. “Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông để làm gì khi ngay sau đó, những TS muốn bước vào các trường đào tạo ở bậc học cao hơn vẫn phải tham gia một kỳ thi quốc gia tiếp theo là kỳ thi tuyển ĐH, CĐ?”.

Ông Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM

"Quan điểm của chúng tôi trong lộ trình đổi mới tuyển sinh là Bộ GDĐT nên giao tự chủ ở khâu cuối cùng, tức khâu xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý, những thay đổi trong tuyển sinh phải rất thận trọng vì “tầm cỡ” của vấn đề liên quan đến xã hội và trong thời gian dài nhiều thế hệ sau thay đổi đó. Do vậy, rất cần một phương án đầy đủ, lộ trình hợp lý. Và cần cả thời gian để cho TS tiếp cận, có sự chuẩn bị cho phương thức thi cử mới"...

    TS Nguyễn Đức Nghĩa  -PGĐ ĐH     Quốc gia TPHCM

Theo Lao Động