Thứ tư, 13/1/2010, 09h01

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Có nhiều điểm mới

Học sinh lớp 12 đang xem lại đề thi tốt nghiệp THPT 2009 sau buổi thi. Ảnh: T.Tr

Ngày 11-1, ban chỉ đạo thi và tuyển sinh quốc gia 2010 đã thảo luận và thống nhất về các kỳ thi và tuyển sinh năm 2010.
Ngoại ngữ vẫn là môn thi bắt buộc     
Về môn thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT vẫn giữ ổn định như năm trước là thi 6 môn, trong đó cùng với môn ngữ văn và toán, ngoại ngữ vẫn tiếp tục là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Ba môn thi còn lại Bộ sẽ chọn và công bố vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, Bộ có điều chỉnh một chút đối với môn ngoại ngữ, đó là thí sinh ở những khu vực khó khăn (như không học đủ thời gian quy định của Bộ GD-ĐT hoặc có khó khăn về đội ngũ giáo viên... so với các vùng miền khác) sẽ được thi môn thay thế môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là vùng “khó khăn” thì Bộ GD-ĐT sẽ có tiêu chí hướng dẫn rõ ràng để căn cứ vào đó các sở GD-ĐT chủ động áp dụng việc thi môn thay thế ở địa phương mình. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, quyết định cuối cùng thuộc về lãnh đạo sở GD-ĐT ở mỗi địa phương nhưng phải báo cáo về Bộ những căn cứ để quyết định lựa chọn đối tượng học sinh khó khăn và không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT cũng thống nhất, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 sẽ được tổ chức thi theo cụm và quy trình chấm chéo bài thi tự luận sẽ giữ nguyên như năm 2009. Nhưng việc chấm thanh tra bài thi sẽ không giao cho sở GD-ĐT chấm thi và sở GD-ĐT có bài thi như năm 2009 mà năm 2010 sẽ giao cho đoàn thanh tra của sở GD-ĐT thứ ba chấm để tăng tính khách quan hơn.
Năm nay, lực lượng thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là ở các địa phương. Trong khi đó, các đoàn thanh tra của Bộ sẽ được tổ chức gọn, ít người (5-10 người/đoàn) chỉ làm nhiệm vụ giám sát.
Kỳ thi ĐH, CĐ: cho phép nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 tại trường
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vẫn theo giải pháp ba chung. Năm 2010 sẽ là năm có khóa học sinh đầu tiên tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT), đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Điểm mới của kỳ thi ĐH, CĐ 2010 là Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ được phép nộp hồ sơ xét tuyển tại trường thay vì quy định bắt buộc chỉ được nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện hay dịch vụ chuyển phát nhanh như trước đây. Hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp theo phương thức nào cũng đều có giá trị xét tuyển như nhau. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực tại các trường khi nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh. Tuy nhiên các trường tổ chức thu nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu thu nhận hồ sơ xét tuyển như: mở sổ theo dõi, tổ chức thu nhận, quản lý và cấp biên lai cho thí sinh... Quy định về đăng ký chọn ngành đối với thí sinh vẫn giữ nguyên như năm 2009 – thí sinh phải lựa chọn nguyện vọng ngành học vào những trường đa ngành ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trong những quy định về việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, Bộ quy định thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển; thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Các trường quy định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không thấp hơn điểm sàn; thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung, chỉ được tham gia xét tuyển khi có tổng điểm 3 môn thi từ mức điểm tối thiểu theo quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Các trường CĐ quy định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không thấp hơn mức điểm tối thiểu quy định. Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1 có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ (đối với từng đối tượng và khu vực) sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ĐH có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn CĐ được cấp phiếu báo điểm, nhưng không được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Năm nay, Bộ cũng quy định: ngoài phiếu điểm các trường ĐH đã cấp cho thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn CĐ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 theo đề thi chung, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ giấy chứng nhận kết quả thi số 1 hoặc số 2 (nếu chưa trúng tuyển vào ĐH hoặc CĐ) để đăng ký xét tuyển vào các trường TCCN.
T.TR - M.T
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010 không có nhiều thay đổi so với năm 2009. Điểm khác biệt đó là năm nay không bắt buộc thí sinh học chương trình nào phải làm theo đề thi riêng chương trình đó (thí sinh có thể chọn một trong hai phần đề riêng). Nếu thí sinh làm cả hai phần thì vi phạm quy chế thi và chỉ được chấm điểm phần chung, không chấm điểm phần riêng.