Thứ ba, 18/10/2016, 20h50

Thi trắc nghiệm GDCD áp lực hơn môn khác

Tâm lý xem giáo dục công dân (GDCD) là môn phụ, ít đầu tư trong suốt thời gian dài có thể khiến cả người dạy lẫn người học chới với khi môn học này được đưa vào kỳ thi mang tầm quốc gia…

Năm 2017, môn GDCD sẽ lần đầu tiên được đưa vào thi THPT quốc gia. Trong ảnh: Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM

So với các môn khác, áp lực của giáo viên và học sinh đối với GDCD rất lớn bởi đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa môn này vào thi THPT quốc gia, lại dưới hình thức trắc nghiệm. Qua đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy đề thi trắc nghiệm GDCD năm 2017 gói gọn trong chương trình lớp 12 nhưng cũng không giới hạn chương trình, bài nào đòi hỏi giáo viên phải dạy bao quát, kỹ và học sinh phải học đủ, không bỏ sót kiến thức.

Ít kinh nghiệm thi cử

Ông Lê Thanh Hà

Ông Lê Thanh Hà (giảng viên môn lý luận và phương pháp dạy học GDCD THPT Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá, đề thi minh họa môn GDCD mà Bộ GD-ĐT vừa công bố rất sát chương trình học, chủ yếu nằm trong lớp 12; vừa sức với học sinh trung bình, khá. Theo ông Hà, đề khá… dễ, đáp án đúng và sai quá rõ ràng, câu hỏi có tính phân loại không nhiều nên rất khó để tuyển chọn học sinh giỏi, xuất sắc. Trong khi đó, cái hay của câu hỏi trắc nghiệm ở chỗ phải có 2-3 đáp án na ná nhau, đòi hỏi thí sinh phải học thật kỹ, phải hiểu mới trả lời được.

Dù cho rằng mức độ đề thi nhẹ nhàng nhưng theo ông Hà, kỳ thi THPT quốc gia 2017, thầy và trò sẽ sợ… môn GDCD nhất. Vì từ trước đến nay, nhiều người quan niệm GDCD là môn phụ, việc dạy và học trong một thời gian dài không được đầu tư đúng mức. Ngay cả lực lượng giáo viên dạy GDCD cũng ít được nhà trường chú ý, thường bố trí dạy chéo môn, yêu cầu không cao. Học sinh ít đầu tư môn này vì áp lực thi cử gần như không có. Kể cả người dạy, kiến thức cũng không được nhiều, chưa trải qua các tình huống thi cử với GDCD.

Trong khi thực tế, một số trường THPT có tổ chức thi GDCD theo hình thức trắc nghiệm nhưng chủ yếu dựa trên sự năng động, sáng tạo riêng chứ không đều khắp. Nhiều giáo viên từng thiết kế hệ thống câu hỏi trắc nghiệm môn GDCD nhưng lại chủ yếu áp dụng cho học sinh các lớp 10 và 11 mà không dành cho lớp 12 do học sinh cuối cấp khá bận rộn với thi cử. Kinh nghiệm của giáo viên trong vấn đề thiết kế câu hỏi trắc nghiệm GDCD lớp 12 vì thế rất thiếu.

Học đủ, không bỏ sót kiến thức

Sẽ biên soạn tài liệu hướng dẫn thi trắc nghiệm GDCD

Ông Lê Thanh Hà cho biết, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM đang có kế hoạch biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn thí sinh thi trắc nghiệm, trong đó đặc biệt ưu tiên những môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm như toán, sử, địa, GDCD. Tác giả bộ tài liệu chủ yếu là giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các giáo viên dạy GDCD trên địa bàn TP.HCM.

Với tình hình mới, ông Hà nhấn mạnh, việc học môn GDCD cần thay đổi vì qua đề thi minh họa có thể thấy, thi trắc nghiệm năm nay gói gọn nội dung trong chương trình lớp 12, nhưng cũng đồng nghĩa không giới hạn chương trình, bài nào. Câu hỏi trắc nghiệm có thể rơi vào bài, nội dung bất kỳ. Trong khi đó, trắc nghiệm thường xoáy vào một đơn vị kiến thức hoặc một vấn đề, một từ ngữ hoặc một câu trong sách giáo khoa, nếu học sinh không nắm chắc kiến thức sẽ khó trả lời được, dẫn đến chỗ đánh may rủi.

Giáo viên cần dạy kỹ và học sinh cần học nghiêm túc tất cả các bài, không bỏ qua phần nào hết. Có thể câu hỏi vừa sức nhưng nếu các em không học, sẽ khó hoàn thành. “Chương trình GDCD lớp 12 trùng với phần nội dung pháp luật, mà pháp luật thì chi tiết và đòi hỏi độ chính xác cao về mặt thuật ngữ. Cho nên việc học GDCD lớp 12 ở phần luật này sẽ vất vả hơn chương trình lớp 10, 11 đòi hỏi học sinh cần chú tâm, đầu tư thích đáng. Các em cần nghiên cứu kỹ bài trước khi đến lớp, tập trung nghe giảng rồi liên hệ với thực tiễn, tham khảo thêm thông tin liên quan đến pháp luật qua tin tức trên các phương tiện truyền thông”, ông Hà lưu ý.

Đề thi chủ yếu giới hạn chương trình GDCD lớp 12 nhưng nếu có điều kiện, học sinh nên xem lại cả kiến thức lớp 10, 11 để có những kiến thức hỗ trợ. Bên cạnh đó, ông Hà còn cho rằng, học sinh có thể tham khảo các đề thi, tài liệu ôn tập trên mạng. Tuy nhiên, các em cần biết chọn lọc, kiểm tra, đối chiếu và lấy nguồn từ những trang của thầy cô giáo để có độ tin cậy.

Mê Tâm