Thứ ba, 15/5/2018, 21h45

Thiết kế môn Luyện đọc tiếp nối môn Tập đọc

Sau khi dạy trẻ biết đánh vần, biết đọc để các em có thể làm bạn cùng những con chữ thì có vẻ như người lớn đã để trẻ tự loay hoay tiếp tục con đường của sự đọc vốn nhiều gian nan ấy. Đừng để trẻ lẻ loi bước tiếp và sau dần có thái độ không mặn mà với sách, xem việc đọc sách là công việc khô khan, nhàm chán hoặc ít thực tiễn ứng dụng. Một giải pháp được đề xuất ở đây là: nếu ở những bậc học nhỏ, chúng ta đã có môn Tập đọc giúp trẻ làm quen với bảng chữ cái thì ở các bậc học cao hơn, có thể thiết kế trong chương trình giảng dạy có môn Luyện đọc (thời lượng từ 1 đến 2 tiết mỗi tuần) nhằm giúp các em nâng cao thái độ đọc và kỹ năng đọc.

Tiết Luyện đọc liệu có trùng lắp với những gì mà môn ngữ văn hiện nay đang đảm nhiệm? Câu trả lời là không. Nếu như những tiết học ngữ văn hướng đến giảng dạy ngôn ngữ và xa hơn là giảng dạy cách cảm thụ nghệ thuật văn chương thì tiết Luyện đọc ngoài việc hình thành ở học sinh thói quen đọc sách còn cung cấp cho các em những kỹ năng và phương pháp đọc sách hiệu quả. Từ đó, tăng cường nhận thức và thái độ của các em về lợi ích, về tính hữu dụng của sách.

Do áp lực học tập và những cuốn hút từ các loại hình giải trí khác mà học sinh thường chỉ có thời gian hoặc chỉ có xu hướng tiếp cận với sách giáo khoa. Không đơn giản như hệ thống sách giáo khoa, thế giới sách là cả chân trời rộng lớn. Ở tiết Luyện đọc, thầy cô sẽ dạy các em cách tìm hiểu những thông tin tưởng chừng nhỏ nhặt như: nhan đề sách, tên tác giả (hoặc dịch giả, nếu có), tên nhà xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản (xuất bản lần đầu hay tái bản lần thứ bao nhiêu)… Những thông tin này không chỉ giúp học sinh thuận lợi hơn trong quá trình tìm sách, mua sách hoặc giới thiệu sách cho bạn bè mà còn giúp các em nhận biết sách giả, sách kém chất lượng về nội dung.

Tiết Luyện đọc cũng sẽ giúp học sinh trau dồi luyện tập các phương pháp đọc, dần dần nâng cao năng lực chiếm lĩnh tri thức thông qua các thao tác đọc. Từ việc xác định được mục đích đọc cho một quyển sách bất kỳ, học sinh sẽ được hướng dẫn để sử dụng các phương pháp đọc cho phù hợp trong từng trường hợp: đọc lướt, đọc theo chủ điểm/trọng điểm; đọc thụ động, đọc chủ động; đọc sâu…

Tiết Luyện đọc còn là thời gian để thầy cô dạy học sinh cách tư duy tích cực thông qua quá trình trải nghiệm cùng sách; cách tóm tắt hoặc giới thiệu về một quyển sách các em đã đọc qua; cách ứng dụng/chuyển hóa những kiến thức lý thuyết trên những trang sách thành những hiệu quả cụ thể trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày…

Để tiết Luyện đọc ở nhà trường thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi, rất cần sự chung tay của gia đình. Thay vì “treo thưởng” cho các em bằng những món quà nặng về tính vật chất, hãy bồi đắp ở con trẻ tình yêu với sách qua những món quà là những quyển sách ý nghĩa. Mặt khác, cần tạo thói quen để học sinh xem thư viện, nhà sách là những địa chỉ thú vị, bổ ích và đầy hứa hẹn. Ngoài ra, dành thời gian đọc sách cùng con mỗi ngày cũng là dịp để phụ huynh nắm bắt những tâm tư tình cảm cũng như những phát triển tâm lý của con trẻ để có giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời.

Trn Xuân Tiến
(Ging viên Trưng ĐH Văn Hiến)