Thứ năm, 30/6/2011, 09h06

Thiếu giáo viên giảng dạy pháp luật, GDCD

Đội ngũ giảng viên, giáo viên, giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hoá về mặt chất lượng.
Đây là những khó khăn của ngành giáo dục khi thực hiện triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (Quyết định số 1928/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ GD-ĐT cho biết, thống kê ở 38 sở GD-ĐT cho thấy, cấp THPT còn thiếu 1339 giáo viên và hơn 15% giáo viên hiện có không đúng chuyên ngành; cấp THCS cũng thiếu 1792 giáo viên và hơn 43% giáo viên hiện có dạy không đúng chuyên ngành, 38,4% giáo viên giảng dạy môn pháp luật của trung cấp chuyên nghiệp cũng chưa được đào tạo đúng ngành luật. Một số tỉnh còn rất nhiều giáo viên dạy không đúng chuyên ngành, có một số địa phương giáo viên chuyên ngành thể dục được bố trí dạy Giáo dục công dân (GDCD).
Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy GDCD, giáo viên pháp luật chưa qua đào tạo chính quy về luật, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy còn chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê sơ bộ có 40% giáo viên THCS chưa được đào tạo chính ban về GDCD; 48,4% giáo viên giảng dạy môn pháp luật của TCCN chưa được đào tạo từ ngành luật mà được đào tạo từ các ngành khác.
Bên cạnh đó, đội ngũ này thường không ổn định, dạy kiêm nhiệm; chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng để tạo nguồn giáo viên và để thu hút, gắn bó họ với công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản. Hiện tại mới có 22% cán bộ pháp chế các sở GD-ĐT, 37% cán bộ pháp chế các trường đại học, cao đẳng có trình độ cử nhân luật trở lên.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc triển khai Đề án chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục chưa xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (mới có Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch triển khai, 35/63 UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai). Nhiều nội dung công việc theo kế hoạch chưa triển khai được như: Giảng dạy môn pháp luật đại cương ở tất cả các ngành đào tạo ở giáo dục đại học; xây dựng bộ mẫu thiết bị phục vụ giảng dạy môn GDCD; ban hành chương trình giáo dục ngoại khóa; tổ chức khảo sát, đánh giá về đội ngũ và chương trình đào tạo giáo viên GDCD ở các trường, khoa sư phạm; chỉ đạo điểm về công tác PBGDPL; tham khảo kinh nghiệm nước ngoài...
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do Đề án được phê duyệt chậm và kinh phí thực hiện Đề án không được cấp theo đúng nội dung đã được phê duyệt. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2010 -2012 với tổng kinh phí được phê duyệt là 37 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2010 không được bố trí kinh phí.
Năm 2011, dự toán kinh phí thực hiện bao gồm cả năm 2010 là 20 tỷ đồng nhưng chỉ được cấp 2,3 tỷ đồng (nguồn kinh phí này lại được cắt chuyển từ kinh phí triển khai Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của ngành sang triển khai thực hiện Đề án 1928).
Nhiều Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chưa tập trung chỉ đạo sát sao hoặc triển khai thực hiện còn hình thức, chưa đầu tư các nguồn lực như cán bộ, kinh phí, trang thiết bị, tài liệu cho công tác này. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc chỉ đạo triển khai Đề án ở cả Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Nguyễn Hùng / Dan tri