Thứ bảy, 14/1/2017, 09h56

Thiếu kỹ năng đọc, viết đúng cách

Không ít trường hợp học sinh tốt nghiệp lớp 12, sinh viên học hết năm 3 ĐH nhưng vẫn không biết cách viết một lá đơn, trình bày một ý văn mạch lạc.
Có sinh viên viết không được một lá đơn
Những sinh viên này chuyên môn có thể tốt nhưng lại không chú ý phát triển kỹ năng đọc - viết. Hệ quả là cùng viết đơn xin việc, một người chuyên môn không thực sự xuất sắc nhưng có cách trình bày kế hoạch rõ ràng, viết mục tiêu xin việc thuyết phục lại chiếm ưu thế hơn.
Nhà văn Phạm Lan Phương cũng nêu ý kiến: “Khi chấm bài cho một số khóa dạy viết ở trường ĐH, tôi phát hiện nhiều bạn đã tốt nghiệp lớp 12 thường gặp phải một vấn đề nghiêm trọng là không biết cách viết một câu hoàn chỉnh”. Chị Lan Phương cho rằng đây là hệ quả của quá trình đọc - viết không được coi trọng.
Cần tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ các cấp học nhỏ  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cần tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ các cấp học nhỏ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một thực tế hiện nay là yêu cầu đọc trong trường phổ thông không được xem trọng. Tới kỳ thi giáo viên chuẩn bị sẵn đề cương, học sinh chỉ cần học thuộc là đã có thể đạt điểm giỏi. Sinh viên ĐH đều có cách vượt qua tất cả môn thi nhờ đọc tóm tắt một cuốn sách, tham khảo các loại giải đề trên mạng, nhớ vài gạch đầu dòng. Một sinh viên khoa Văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thừa nhận: “Thay vì đọc hết những cuốn tiểu thuyết dài như: Chiến tranh và hòa bình, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng… em chỉ cần đọc tóm tắt tác phẩm và tìm hiểu thêm về tuyến nhân vật qua các bài thuyết trình trên lớp, sau đó photo đợi tới khi thi đọc lại là đảm bảo điểm cuối kỳ không dưới 7”.
Một bên là giáo dục chưa coi trọng đọc - viết, tư duy qua ngôn ngữ. Một bên là người học chưa nhận ra tầm quan trọng của việc đọc với chính bản thân họ. Kết quả là nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng đọc - viết đúng cách, không biết diễn đạt một cách rành mạch.
Luyện kỹ năng đọc trên internet
Do tác động của công nghệ thông tin, việc sử dụng internet phổ biến, các trang sách điện tử trở nên thông dụng, nhiều trang đọc, tải sách miễn phí tiện lợi thu hút sự quan tâm của học sinh. Tùy theo độ tuổi, việc sử dụng internet vào việc đọc sẽ có những hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tận dụng những ưu điểm của internet.
Nhà thơ Thục Linh chia sẻ: “Tôi không chống lại việc đọc trên mạng nhưng học sinh nên duy trì mối quan tâm với một cuốn sách. Khoa học cũng đã chứng minh rằng khi đọc một trang sách in thì sự tập trung cao hơn, mức độ bám và tập trung vào từng dòng chữ ở sách in hơn rất nhiều so với đọc trên internet. Trên thực tế một người có thể đọc hết một cuốn sách dày nhưng rất khó có thể tập trung đọc hết khoảng 6.000 từ trên internet”.
Một cuốn sách không thể gom hết tất cả những gì người ta muốn tìm hiểu vậy nên mới cần tới internet. Đây là phương tiện trung gian tìm kiếm mở rộng kiến thức và dẫn dắt để tìm tới một cuốn sách khác. Như vậy người trẻ cần luyện tập kỹ năng tìm kiếm có chủ đích trên internet. Khi nhận ra giá trị của việc đọc mang lại điều gì, người ta sẽ có động lực, mục tiêu để đọc hiệu quả.
Cũng phải hiểu đúng về việc đọc. Các chuyên gia cho rằng một quan niệm sai lầm người ta hay nghĩ là người trí thức sẽ phải đọc Puskin, Leptonxtoi, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Những người học kỹ thuật thì đọc sách về máy móc, những người học về tài chính kinh tế thì đọc những sách liên quan… Đó chính là đọc.
Nhà văn Lan Phương chia sẻ: “Có những thứ không ai có thể tước bỏ. Đó là kiến thức và kỹ năng. Muốn giỏi, bạn hãy học. Muốn có nhiều kiến thức, bạn phải đọc”.
Lam Ngọc (TNO)